Cuộc đua tại châu Phi: Trung Quốc đang dẫn trước phương Tây?

Không chỉ thể hiện sức mạnh trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc còn đang củng cố thế mạnh quân sự của mình tại châu Phi và có thể phương Tây đang thua trong cuộc đua ở Lục địa Đen này.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp báo ở Pretoria, Nam Phi ngày 24/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đài RFI đưa tin, ngày 3/9, Trung Quốc trải thảm đỏ đón 53 lãnh đạo châu Phi đến dự thượng đỉnh “Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi” lần thứ 7 tại Bắc Kinh.

Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố chi thêm 60 tỷ USD để phát triển châu Phi, bao gồm cả viện trợ và các khoản vay. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm theo dõi của một số nhật báo Pháp ngày 4/9.

Tờ La Croix trong mục Tranh luận đã đặt câu hỏi “Liệu Trung Quốc có là cường quốc hàng đầu tại châu Phi hay không?”

Trả lời cho câu hỏi này, cả 2 chuyên gia Jean-Joseph Boillot thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế CEPII và Alain Antil thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp đều khẳng định là có.

Thống lĩnh kinh tế

Đầu tiên, ông Jean-Joseph Boillot đã đưa ra những phân tích sự việc trên góc độ kinh tế.

Theo ông, Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh đến phân nửa thị trường châu Phi. Tỷ trọng này chỉ đạt mức 4-5% trong những năm 1980.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để vươn lên đứng đầu trong các khoản đầu tư và trao đổi thương mại với Lục địa Đen.

Châu Phi giờ không chỉ là nguồn cung nguyên nhiên liệu mà còn là một “thiên đường” tiêu thụ các sản phẩm “Sản xuất ở Trung Quốc” cho nhiều doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng trang thiết bị và phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Hậu quả của các khoản đầu tư này tại đây là việc châu Phi tái mắc nợ.

Đối với châu Phi, đó là những khoản đầu tư cho tương lai. Vấn đề đặt ra là nhiều nước châu Phi, do không có khả năng trả nợ, có nguy cơ phải chuyển nhượng các mỏ khoáng sản như một giải pháp để hoàn nợ.

Theo chuyên gia Boillot, trong cuộc đua này tại châu Phi, rõ ràng phương Tây là kẻ thua cuộc.

Hàng hóa phương Tây đắt hơn của Trung Quốc từ 3-5 lần, trong khi mức hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho châu lục nhiều hơn của Ngân hàng Thế giới.

[Đổ “núi” tiền vào châu Phi, Trung Quốc đang tìm kiếm lợi ích gì?]

Trong hoàn cảnh này, để có thể cạnh tranh, phương Tây nên có những đề xuất đầu tư các dự án với mức giá hợp lý hơn.

Ông Jean-Joseph Boillot nhận định Trung Quốc đang đặt ra một thách thức cho cả châu Phi lẫn phương Tây: Vừa thúc đẩy châu Phi phát triển kinh tế, vừa thúc giục phương Tây phải hợp tác tốt hơn với châu Phi.

Tổng thống Senegal Macky Sall (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung tại Dakar ngày 29/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gia tăng vị thế quân sự

Về phần mình, ông Alain Antil cho rằng Trung Quốc không chỉ thể hiện sức mạnh trong lĩnh vực kinh tế mà còn đang dần củng cố thế mạnh của mình trong lĩnh vực quân sự tại châu Phi.

Mục tiêu đầu tiên trong kế hoạch “ve vãn” châu Phi của Trung Quốc là không để một quốc gia nào tại đây được phép công nhận Đài Loan.

Trung Quốc gần như đã thành công. Việc bảo đảm an ninh cho các nguồn cung nguyên nhiên liệu cùng các Hoa kiều đang sinh sống và làm ăn tại châu Phi ngày càng trở nên cấp thiết với Bắc Kinh.

Trung Quốc tăng cường tham gia các hoạt động chống cướp biển ngoài khơi Somalia cũng như các chiến dịch gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.

Hiện Trung Quốc đóng góp đến 2.500 quân trong lực lượng Lính Mũ nồi xanh hiện diện tại Mali, Nam Sudan, Congo, Côte d’Ivoire.

Theo ông Alain Antil, sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi minh chứng cho sự tiến triển của những mối tương quan lực lượng mới trong quan hệ quốc tế, với sự trỗi dậy của nhiều nước khác, mỗi nước có một chính sách riêng với châu Phi.

Gia tăng ảnh hưởng

Cũng về chủ đề này, báo Les Echos trong bài viết có tựa đề “Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình bảo vệ mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi,” đã đưa ra một số nhận xét đáng chú ý.

Cụ thể, chưa có một lãnh đạo Trung Quốc nào chỉ trong vòng 5 năm cầm quyền đã có đến 4 lần công du châu Phi như Tập Cận Bình.

Chỉ trong vòng 20 năm lại đây, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu, một trong những nhà đầu tư chính tại châu lục.

Trao đổi mậu dịch giữa hai bên trong năm 2016 đạt 114 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Trung Quốc, chủ yếu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, được nhiều nước châu Phi hoan nghênh.

Hơn 2.500 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại đây trong nhiều lĩnh vực như khai thác nguyên nhiên liệu, nông nghiệp, xây dựng hoặc viễn thông.

Về phần mình, tờ Le Figaro nhận xét: “Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi bằng các khoản đầu tư.”

Chủ tịch Trung Quốc cam kết hỗ trợ thêm 60 tỷ USD cho sự phát triển châu lục, trong đó có 15 tỷ cho vay không hoàn vốn và vay không lãi suất, đồng thời xoá bớt nợ cho nhiều nước châu Phi đang gặp khó khăn.

Để trấn an các nước châu Phi bắt đầu tỏ ra dè chừng về đầu tư của Trung Quốc, Tập Cận Bình khẳng định đầu tư của Trung Quốc “không kèm theo điều kiện tiên quyết nào, (…) Trung Quốc không can dự vào chuyện nội bộ của châu Phi và cũng không áp đặt ý muốn của mình”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục