Cuộc đua lãi suất mới: Cản trở nỗ lực phục hồi của nền kinh tế?

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, nếu để lãi suất tiếp tục tăng lên, toàn bộ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, tái cấu trúc ngân hàng có nguy cơ không thể đạt được.
Các ngân hàng lớn đã nhập cuộc tăng lãi suất huy động. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sau khi các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ ồ ạt tăng lãi suất cách đây khoảng một tháng thì thời điểm này thị trường ngân hàng lại được "hâm nóng" thêm bởi sự vào cuộc của các ngân hàng được cho là có mức lãi suất huy động thấp nhất trong hệ thống.

Chính vì vậy, nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu cuộc chạy đua này có làm gia tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới hay không?

"Ông lớn" đã nhập cuộc tăng lãi suất

Sau một thời gian dài gần như đứng ngoài cuộc, đến nay Vietcombank đã tăng lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn thêm 0,3-0,5%/năm.

Cụ thể, ngân hàng này đã tăng lãi suất huy động 0,2% đối với kỳ hạn 2 tháng lên 4,8%, kỳ hạn 3 tháng lên 5% và 6 tháng lên 5,4%. Không những vậy ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên tại Vietcombank đều tăng lên mức 6,5%. Trước đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng này là 6%, từ 24-60 tháng là 6,2%.

Tương tự với BIDV, trước đây lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng tại BIDV dao động từ 4,8-5,2%, thấp hơn 0,3-0,4% so với các ngân hàng nhỏ khác. Tuy nhiên bắt đầu từ ngày 19/3, BIDV đã tăng lãi suất huy động khoảng 0,3%, trong đó kỳ hạn 3 tháng tăng lên 5,5%, kỳ hạn 6-9 tháng lên 5,8%, kỳ hạn 12-18 tháng lên 6,8%, còn lại lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng từ 6,8% lên 7%, kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,8% lên 7,2%.

Đáng chú ý, như từng thể hiện đầu năm nay, tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất của BIDV đã áp cao hơn hẳn so với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác. Như tại kỳ hạn 3 tháng, BIDV áp 5,5%/năm, trong khi Sacombank hay Eximbank… chỉ áp từ 5-5,3%/năm.

VietinBank cũng đã tăng mạnh nhất lãi suất huy động kỳ hạn 12-24 tháng tăng từ 6% lên 6,8%. Một số các kỳ hạn khác có mức tăng 0,3% như kỳ hạn 3-6 tháng lên 5,5%, 6-9 tháng lên 5,8%, kỳ hạn 24-36 tháng tăng lên 6,8%. Riêng kỳ hạn 9-12 tháng tăng 0,2% lên 5,8%, kỳ hạn dài nhất trên 36 tháng vẫn giữ nguyên lãi suất 7%.

Với sự gia nhập của các “ông lớn” trên, thị trường ngân hàng dự báo sẽ nhộn nhịp hơn với các dòng vốn ra và vào tại các ngân hàng. Dù tăng mạnh nhưng mức trần lãi suất theo quy định vẫn chưa bị các ngân hàng phá vỡ và thị trường vẫn duy trì được “đường cong lãi suất” vốn có.

Mặc dù cùng điều chỉnh tăng nhưng mức lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ thường cao hơn so với các "ông lớn". Hiện nay mức lãi suất cao nhất ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ là 7,4% với kỳ hạn 12 tháng.

Một chuyên gia cho rằng, dù các mức lãi suất được ngân hàng điều chỉnh tăng là mức lãi suất cao nhất trong các ngân hàng thương mại cổ phần được ghi nhận tại thời điểm hiện tại, nhưng các mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn dài và đối tượng là khách VIP với số tiền gửi rất lớn (hàng chục tỷ đồng trở lên), do vậy mức lãi suất này sẽ chẳng có tác dụng đến đa số người gửi tiền hiện nay.

Điển hình như tại Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), mức lãi suất cao nhất 7,4% dành cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng chỉ áp dụng đối với khách hàng gửi tối thiểu 500 tỷ đồng.

Hay như tại SeABank, để được hưởng mức lãi suất 8%/năm, khách hàng cần gửi tiền ít nhất 200 tỷ đồng trở lên/1 sổ tiết kiệm; cùng với đó là phải có quan hệ gửi hoặc vay tại ngân hàng này từ 5 năm trở lên.

Còn quy định tại Eximbank gửi từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất 7,8%/năm áp cho kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên đây cũng là lượng tiền mặt lớn và thời gian gửi rất dài.

Ảnh minh họa. (Nguồn: HDBank)

Lãi suất cho vay khó giảm

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dự thảo sửa đổi Thông tư 36 được ban hành gần đây, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống 40% đã gây lo ngại về khả năng lãi suất huy động sẽ bước vào cuộc đua mới, đặc biệt là ở các kỳ hạn dài.

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng các ngân hàng đang trong giai đoạn chuẩn bị nguồn vốn để tích cực giải ngân cho các hợp đồng tín dụng sắp tới, dẫn tới nguồn vốn cho vay liên ngân hàng có xu hướng dần bị thu hẹp.

Việc thị trường phản ứng với chính sách cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đầu vào khiến người đi vay lo ngại sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Bởi lẽ, các ngân hàng thường ấn định lãi suất cho vay tham chiếu từ lãi suất huy động cộng với biên độ dao động ở mức 3%-3,5%.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cảnh báo: “Vào thời điểm hiện tại, nếu để lãi suất tiếp tục tăng lên, toàn bộ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, tái cấu trúc ngân hàng có nguy cơ không thể đạt được.”

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng băn khoăn, lãi suất huy động tiếp tục tăng thì đương nhiên sẽ kéo lãi suất cho vay tăng theo và như vậy bài toán hồi phục khối doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ ngày càng trở nên xa vời.

Theo lý giải của các ngân hàng, lãi suất huy động tăng là do nhiều nguyên nhân, như lạm phát có nhiều nguy cơ tăng trở lại, áp lực giảm giá của tiền đồng, tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng, dự thảo sửa đổi Thông tư 36...

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính đẩy lãi suất tăng cao chính là trái phiếu Chính phủ.

“Đường cong lãi suất của toàn bộ thị trường phụ thuộc vào trái phiếu Chính phủ, lãi suất trái phiếu Chính phủ đi lên thì làm sao lãi suất thị trường xuống được,” ông Nghĩa chỉ ra thực tế.

Hệ lụy lớn nhất đối với lãi suất tăng là tâm lý hoang mang của doanh nghiệp sẽ trở lại. Vì thế, quyết tâm phục hồi, nỗ lực sản xuất vừa được nhen nhóm cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Nghĩa kiến nghị: “Để tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế thì chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý và có tầm nhìn chiến lược để ổn định lãi suất và linh hoạt tỷ giá hối đoái một cách bài bản, khoa học.”

Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm dự trữ bắt buộc, hạn chế phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước để rút tiền và tích cực tham gia thị trường liên ngân hàng nhằm ổn định lãi suất trên thị trường này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những giải pháp quyết liệt để giảm thâm hụt ngân sách, từ đó giảm huy động trái phiếu chính phủ.

Ở góc độ điều hành, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1 (thị trường các ngân hàng thương mại huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân), đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục