'Cuộc đua' điều chế vắcxin phòng dịch COVID-19 tiếp tục khốc liệt

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã quyết định nối lại thử nghiệm vắcxin chống dịch COVID-19 của AstraZeneca, trong khi chính quyền Mỹ sẽ có vắcxin trong khoảng 1 tháng nữa.
Hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca. (Ảnh: CNBC)

Ngày 15/9, một quan chức Bộ Y tế Nam Phi cho biết hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca đã nối lại việc thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng COVID-19 tại Nam Phi, hơn một tuần sau khi các cuộc thử nghiệm loại vắcxin này bị hoãn tạm thời do xuất hiện tác dụng phụ ở một người tham gia thử nghiệm tại Anh.

Quyết định này được đưa ra sau khi AstraZeneca khởi động lại các cuộc thử nghiệm tại Anh. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ cho biết các cuộc thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại Mỹ vẫn bị đình chỉ và nhà chức trách nước này đang tiến hành cuộc điều tra liên quan đến loại vắcxin này.

Cùng ngày, giới chức y tế Brazil đã cho phép AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắcxin phòng COVID-19 với thêm 5.000 tình nguyện viên của nước này. Việc bổ sung thêm tình nguyện viên nhằm giúp củng cố thêm kết quả về độ an toàn và tính hiệu quả của vắcxin do AstraZeneca sản xuất.

Trước đó, ngày 14/9, Brazil cũng đã cho phép nối lại các cuộc thử nghiệm vắcxin của hãng AstraZeneca tại nước này. Cho tới nay, 4.600 tình nguyện viên tại các thành phố Sao Paulo, Rio de Janeiro và Salvador đã nhận hai liều vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca.

Cùng ngày, báo Times of India đưa tin nhà chức trách Ấn Độ đã cấp phép cho Viện Serum nối lại các cuộc thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa COVID-19 của do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. 

[Mỹ: Sẽ sớm có vắcxin chống COVID-19 trong vài tuần tới]

Trong khi đó, thông tin về những tác dụng phụ nghiêm trọng trong thử nghiệm vắcxin của hãng AstraZeneca đã khiến một số tình nguyện viên thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson (J&J) ở Tây Ban Nha rút lui. Tuy nhiên, công tác thử nghiệm vẫn diễn ra bình thường do vẫn còn đủ tình nguyện viên dự phòng.

Tại Đức, Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Anja Karliczek cho hay sẽ không có vắcxin dùng rộng rãi cho người dân nước này vào trước giữa năm sau. Bà Karliczek nhấn mạnh Đức chưa tiến đến đích cuối cùng trong việc phát triển vắcxin ngừa COVID-19 tại nước này, và còn nhiều điều có thể xảy ra trong vài tuần tới. Quan chức này còn khẳng định việc đảm bảo độ an toàn của vắcxin là vấn đề ưu tiên hàng đầu và cho rằng một vắcxin được đưa vào sử dụng chỉ khi lợi ích được kiểm chứng cao hơn các nguy cơ tiềm ẩn.

Theo bà Karliczek, Chính phủ Đức đã chi 750 triệu euro (892 triệu USD) nhằm thúc đẩy tiến trình nghiên cứu và phát triển một loại vắcxin ngừa COVID-19.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự lạc quan về vắcxin ngừa COVID-19 khi tuyên bố Mỹ có thể có vắcxin trong chưa đầy một tháng nữa. Phát biểu trước những cử tri ủng hộ tại bang Pennsylvania, ông Trump khẳng định Mỹ đang tiến rất gần với việc có một loại vắcxin ngừa COVID-19. Ông nhấn mạnh: "Trong vài tuần nữa, chúng ta sẽ có được, có thể là 3 tuần, 4 tuần".

Trước đó vài giờ, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News, Tổng thống Trump cho hay Mỹ có thể nhận được vắcxin trong 4 - 8 tuần.

Các nghị sỹ đảng Dân chủ đã bày tỏ quan ngại trước việc ông Trump gây áp lực lên cơ quan y tế và các nhà khoa học nước này nhằm đẩy nhanh việc cấp phép cho vắcxin ngừa COVID-19, một động thái được cho là nhằm giúp ông chủ Nhà Trắng tăng cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới.

Nhiều chuyên gia, trong đó có nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci, cho rằng vắcxin ngừa COVID-19 chỉ có thể sẵn sàng vào cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục