Cuộc đình công quy mô lớn làm tê liệt đất nước Sri Lanka

Hơn 100 nghiệp đoàn thương mại, một vài trong số này liên kết với đảng SLPP cầm quyền của ông Rajapaksa, đã tham gia đình công chung, đòi Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức cấp cao khác từ chức.
Cuộc đình công quy mô lớn làm tê liệt đất nước Sri Lanka ảnh 1Lực lượng an ninh giải tán người biểu tình tại thủ đô Colombo, Sri Lanka tối 31/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một cuộc đình công lớn đang làm tê liệt đất nước Sri Lanka ngày 28/4, trong bối cảnh ngày càng nhiều lời kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và các thành viên gia đình ông từ chức sau khi đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ khi độc lập.

Quốc đảo với 22 triệu dân này nhiều tháng nay đã ở trong tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men, khiến các cuộc biểu tình lan rộng. Tuy nhiên, cuộc đình công ngày 28/4 là lần đầu tiên trên quy mô cả nước. Giao thông công cộng ngừng hoạt động, các cửa hàng cửa hiệu đều đóng cửa, trường học ngừng dạy trên cả nước.

Tại khu vực thương mại chính Pettah ở thủ đô Colombo, các cửa hàng bán lẻ vẫn đóng cửa và người lao động tham gia biểu tình kêu gọi Tổng thống từ chức.

Hơn 100 nghiệp đoàn thương mại, một vài trong số này liên kết với đảng SLPP cầm quyền của ông Rajapaksa, đã tham gia cuộc đình công chung, đòi Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức cấp cao khác từ chức. Trên khắp đất nước, các khu chợ bán rau đã đóng cửa, trong khi các khu vực trồng chè - nguồn xuất khẩu chính, cũng ngừng hoạt động.

[Sri Lanka cần 90 ngày giải quyết việc thiếu thuốc men, thiết bị y tế]

Dự kiến Tổng thống Rajapaksa sẽ gặp các lãnh đạo đảng phái chính trị trong ngày 29/4 để thảo luận về cuộc khủng hoảng này. Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, anh trai của Tổng thống và cũng là một cựu Tổng thống, ngày 27/4 tái khẳng định không từ chức.

Khủng hoảng kinh tế đã trở nên nghiêm trọng hơn sau khi đại dịch COVID-19 làm giảm thu nhập từ du lịch cũng như nguồn kiều hối.

Chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố ngừng trả nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD và đang thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một khoản vay khẩn cấp nhằm giải quyết tình hình.

Do không thể thanh toán tiền nhập khẩu nhiên liệu nên các công ty đã phải chịu cảnh cắt điện kéo dài hằng ngày để tiết kiệm điện, trong khi người dân xếp hàng dài để mua dầu diesel, xăng, và dầu hỏa. Các bệnh viện cũng thiếu các nguồn thuốc cơ bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục