Cuộc đình công của tài xế xe tải gây thêm sức ép lên kinh tế Hàn Quốc

Theo các chuyên gia, cuộc đình công đòi tăng lương của các tài xế xe tải đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc và gây thêm sức ép lên lạm phát.
Cuộc đình công của tài xế xe tải gây thêm sức ép lên kinh tế Hàn Quốc ảnh 1Các lái xe tải tham gia đình công phản đối quyết định chấm dứt đảm bảo lương tối thiểu và tình trạng chi phí gia tăng, tại Incheon, Hàn Quốc, ngày 7/6/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Tính đến ngày 13/6, cuộc đình công của các tài xế xe tải tại Hàn Quốc bước sang ngày thứ bảy. Vấn đề này được coi là một “bài kiểm tra” đối với tân Tổng thống Yoon Suk-yeol, người mới nhậm chức được hơn một tháng.

Cuộc đình công của các các tài xế xe tải để đòi tăng lương đã làm tê liệt các cảng như Busan, gây khó khăn cho việc vận chuyển các linh kiện và thành phẩm cho các ngành công nghiệp ôtô, thép, xi măng.... Theo các chuyên gia, cuộc đình công đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc và gây thêm sức ép lên lạm phát.

Nhà sản xuất thép POSCO lên kế hoạch tạm dừng một số nhà máy từ ngày 13/6, do thiếu không gian để lưu trữ các sản phẩm chưa vận chuyển. Hãng ô tô Hyundai Motor cũng cắt giảm sản lượng tại một số dây chuyền.

[Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc tăng vượt 4% lần đầu tiên trong 11 năm]

Các nghiệp đoàn và chính phủ đã họp bốn lần song vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) ước tính khoảng 25% trong số 22.000 thành viên của nghiệp đoàn các lái xe tải Cargo Truckers Solidarity tham gia các cuộc đình công, nhằm phản đối việc giá nhiên liệu tăng cao đồng thời yêu cầu đảm bảo mức lương tối thiểu.

Các lái xe tải yêu cầu gia hạn trợ cấp, dự kiến sẽ hết hạn trong năm nay, để đảm bảo mức lương tối thiểu khi giá nhiên liệu tăng. Tuy nhiên, chính phủ cho biết việc thay đổi luật phụ thuộc vào Quốc hội.

Các nhà quan sát cảnh báo khi nền kinh tế toàn cầu vật lộn với tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, bất kỳ sự suy giảm kéo dài nào trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu chip, sản phẩm hóa dầu và ô tô có thể đào sâu mối lo ngại về lạm phát gia tăng và tăng trưởng chậm lại.

Tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo trong năm nay tỷ lệ lạm phát tại Hàn Quốc sẽ tăng lên 4,8%, mức cao nhất trong 24 năm, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế từ 3,0% xuống 2,7%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục