Cuộc đàm phán giữa Anh-EU: Lại ..."xôi hỏng bỏng không"

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Anh và EU có nguy cơ “xôi hỏng bỏng không,” chiến thuật ngoại giao cứng rắn của Thủ tướng Johnson vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Cuộc đàm phán giữa Anh-EU: Lại ..."xôi hỏng bỏng không" ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters/AFP/eurasiareview.com, ngày 13/12, London và Brussels đã nhất trí “tiến thêm các bước” trong những ngày tới để tìm cách hoàn tất thỏa thuận thương mại đầy trắc trở, dù lại bỏ lỡ hạn chót nhằm giúp Anh suôn sẻ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng yêu cầu các nhà đàm phán cũng trong ngày 13/12 phải đưa ra giải pháp để phá vỡ thế bế tắc trong các thỏa thuận để đảm bảo Anh được tham gia thị trường chung EU với mức thuế bằng 0 và không có yêu cầu về hạn ngạch.

Thời hạn đã đến, và các bên đã bỏ lỡ thêm một lần nữa. Dù chấp nhận khích lệ các nhà đàm phán tiếp tục công việc của mình, Thủ tướng Johnson tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng có được một bước đột phá.

Anh đã rời khỏi EU từ 1/1/2020, song vẫn được xem như là thành viên không chính thức cho tới ngày 31/12/2020 - thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển giao mà Anh vẫn được tham gia thị trường chung và liên minh thuế quan với các điều khoản cũ.

Brexit không có thỏa thuận sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế châu Âu, ảnh hưởng đến các thị trường tài chính, tạo ra ách tắc ở các cửa khẩu, làm xáo trộn các chuỗi cung ứng trên khắp châu Âu và ở nhiều khu vực khác.

Hai bên vẫn đang vật lộn tìm cách thống nhất về quyền đánh bắt cá trong vùng biển của Anh và EU yêu cầu Anh phải chấp nhận việc sẽ bị trừng phạt nếu trong tương lai không tuân thủ các quy định về cạnh tranh công bằng của khối.

[Brexit: Anh-EU vẫn tiếp tục chia rẽ sâu sắc về lĩnh vực đánh bắt cá]

Theo AFP, phần lớn nội dung của thỏa thuận được cho là đã hoàn tất, song cả Anh và Brussels vẫn tranh cãi về cơ chế trừng phạt nếu luật pháp của Anh và EU mâu thuẫn, với nguy cơ đẩy các doanh nghiệp khu vực vào tình thế cạnh tranh bất lợi.

Một nguồn tin EU nói: “Việc bảo vệ thị trường chung là lằn ranh đỏ của Liên minh châu Âu… Những gì chúng tôi đề xuất với Anh đều là tôn trọng chủ quyền của họ.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Mọi cơ hội đạt được thỏa thuận đều rất quý giá.” Còn Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng bất chấp những bình luận gần đây từ phía Anh, ông hiểu rằng hai bên về cơ bản đều thống nhất muốn duy trì các tiêu chuẩn hiện hành.

Thủ tướng Johnson cho biết hai bên sẽ nỗ lực và sáng tạo nhất có thể, song Anh không thể thỏa hiệp về những “giới hạn đỏ,” bởi vậy khả năng dễ xảy ra nhất là không có thỏa thuận nào được thông qua, và mối quan hệ thương mại song phương sẽ phải tuân thủ các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Chính phủ tại London khẳng định Anh sẵn sàng rời liên minh và tự giải quyết các vấn đề của mình sau 47 năm gắn bó và hội nhập kinh tế. Số 10 phố Downing cho biết họ đã vạch ra “mọi kịch bản có thể” để đề phòng những vấn đề sẽ nảy sinh sau ngày 31/12 , và “không ai cần phải lo lắng về vấn đề thực phẩm, thuốc men hay chuỗi cung ứng cần thiết.”

Chính phủ Anh cũng nói rằng họ đã sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho các khu vực dễ chịu ảnh hưởng của Brexit như nông nghiệp và sản xuất ôtô, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn rất bất an khi các nguyên tắc thương mại trong tương lai vẫn chưa ngã ngũ.

Các hạn chót liên tục bị bỏ lỡ đồng nghĩa với việc hai bên không còn nhiều thời gian để đảm bảo một Brexit ít xáo trộn nhất có thể. Các nhà ngoại giao EU nói với hãng tin Reuters rằng nếu không đủ thời gian để nghị viện châu Âu có thể xem xét và thông qua thỏa thuận, các nước thành viên EU có thể ký thỏa thuận mà các nhà đàm phán đạt được bằng cách vận dụng điều khoản về “chấp nhận tạm thời.”

Chính phủ Anh đã cảnh báo rằng ngay cả trong trường hợp hai bên xúc tiến thành công một thỏa thuận về thương mại, khoảng 7.000 xe tải hàng hóa đang tiến về các cảng biển ở Kênh đào Anh, Đông Nam nước Anh, rất có thể sẽ bị ách tắc tới cả trăm km nếu các doanh nghiệp không sớm chuẩn bị những giấy tờ cần thiết.

Anh dự kiến sẽ thông quan nhanh các mặt hàng dễ hư hỏng khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc để giảm thiểu nguy cơ ách tắc tại các cảng biển.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Anh và EU có nguy cơ “xôi hỏng bỏng không,” chiến thuật ngoại giao cứng rắn của Thủ tướng Johnson vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Tobias Ellwood, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh, cho rằng cách hành xử của nhà lãnh đạo Anh rất “vô trách nhiệm.” Cựu cao ủy EU Chris Patten thậm chí còn bình luận những phát biểu của ông Johnson mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến đồng tình với sự cứng rắn này. Nghị sỹ đảng Bảo thủ Daniel Robert Kawczynski cho rằng kịch bản không thỏa thuận đồng nghĩa với việc Thủ tướng “đảm bảo tuyệt đối rằng… lực lượng hải quân Anh sẽ được triển khai từ ngày 1/1 tới để ngăn tàu đánh cá trái phép của Pháp xâm phạm vùng biển của chúng ta.”

Đô đốc Hoàng gia Anh đã nghỉ hưu Alan West cũng nhận định rằng việc “Hải quân Hoàng gia bảo vệ vùng biển trong trường hợp chúng ta là một nước có chủ quyền, và chính phủ tuyên bố người Anh không muốn nước khác hiện diện tại đó” là điều hoàn toàn hợp lý.

Bộ Quốc phòng Anh trước đó cho biết 4 tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh đã được điều động sẵn sàng vào ngày 1/1/2021 để bảo vệ các ngư trường của Anh trong trường hợp không có thỏa thuận.

Nhiều người bày tỏ lo ngại về nguy cơ nảy sinh xung đột giữa tàu cá của Anh và của nước ngoài bởi nếu kịch bản này xảy ra, các nguyên tắc về đảm bảo quyền của tàu đánh cá EU tại vùng biển của Anh sẽ hết hiệu lực. 

Theo hãng tin AFP, các nhà lãnh đạo không nhắc đến một thời hạn mới, song nhà lập pháp đảng Bảo thủ Mark Harper cho rằng mọi chuyện có thể sẽ được quyết định vào phút chót, trong bối cảnh Anh chỉ còn chưa đầy 3 tuần là sẽ chính thức rời khỏi khối thị trường chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục