Hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép... diễn ra ngày càng phức tạp. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần xử lý, tuy nhiên tình trạng này vẫn tái diễn, có chiều hướng gia tăng.
Việc loại trừ các hành vi in, phát hành xuất bản phẩm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, mà còn cần sự góp sức của các chủ sở hữu xuất bản phẩm và toàn xã hội.
Tình trạng in, sản xuất sách giả ngày càng ngang nhiên, công khai trên toàn quốc, đặc biệt tại các thành phố lớn, nổi bật như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội đã và đang được coi là nơi hoạt động của các trùm in lậu, từ đây các "vòi bạch tuộc" phân phối, đưa khối lượng lớn sách giả đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố. Điều này đặt ra nhiều khó khăn đối với các nhà xuất bản, cơ quan chức năng trong việc xử lý các vi phạm.
Sách giả được bày bán công khai
Sách giả, sách in lậu hiện được bày bán công khai tại nhiều nơi, trên hè phố, thậm chí cả trong các cửa hàng sách.
Các trục đường lớn, trung tâm Hà Nội như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Phạm Văn Đồng, Đường Láng, Trần Quốc Hoàn..., tập trung rất nhiều nhà sách, hoặc sách được bày bán trên vỉa hè, với nhiều thể loại: Sách tham khảo, văn học, tiểu thuyết, truyện tranh, truyện thiếu nhi...
Nhiều cuốn sách được hạ giá bán rất thấp, thậm chí giảm tới 50-60% so với giá in ở bìa sách. Đối tượng đến đây mua thường là các em học sinh, sinh viên, có những bạn trẻ đã đi làm...
Lang thang tại các quầy sách trên đường Láng, em Khánh Chi, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ: "Em thấy có nhiều cuốn sách rẻ hơn một nửa so với giá thị trường, nên chọn mua bởi túi tiền eo hẹp. Em không để ý đến chất lượng lắm, có thể sách lậu chất lượng in không bằng sách thật, nhưng nội dung vẫn giữ nguyên, giá lại hợp túi tiền với sinh viên. Nếu không có thời gian đi mua sách, em tìm mua trên mạng Internet, có cuốn sách được hạ giá đến 50%, lại được giao hàng tận nơi, rất thuận tiện..."
Đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, các cửa hàng tiêu thụ sách lậu thường dùng chiêu thức hạ giá để người mua lầm tưởng là sách rẻ.
Sách lậu thường ghi giá trên bìa cao hơn so với giá sách thật, để khi bán trừ chiết khấu cao. Phương thức này được thực hiện thông qua các hình thức giảm giá, khuyến mãi 30%, 40%, có khi tới 50%, 60% so với giá bán được ghi ở bìa sách.
Nhiều khi, sách giả được bày bán xen kẽ với sách thật để tránh sự kiểm tra của các cơ quan quản lý, đánh lừa độc giả.
Đáng lo ngại, sách giả còn được đăng bán rộng rãi trên không gian mạng với số lượng không thể thống kê được. Nhiều trang mạng, kênh thương mại điện tử, bán hàng online đã, đang vô tình tiếp tay cho hành vi phát tán sách giả, sách in lậu.
Tra cứu trên mạng internet về bộ truyện Harry Potter (7 cuốn), người mua dễ dàng tìm thấy các mức giá khác nhau do các kênh bán hàng online cung cấp, từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng, thậm chí có cả mức giá 349.000-435.000 đồng.
Để tiết kiệm chi phí và thời gian đi lựa chọn sách, độc giả rất có thể sẽ lựa chọn mua bộ sách này với mức giá thấp nhất, đi kèm đó là dịch vụ giao hàng tận nơi.
[Nâng cao nhận thức về chống vi phạm bản quyền với xuất bản phẩm]
Cũng có trường hợp, đối tượng dùng ảnh thật để quảng cáo bán sách online, nhưng khi giao hàng lại giao sách giả, dẫn đến nhiều người mua nhầm... Đây cũng là cách các đối tượng in sách giả thường lựa chọn để tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý thị trường.
Chưa kể, sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật, chỉ có những người trong nghề in, xuất bản lâu năm mới phát hiện được.
Nhiều đơn vị xuất bản sử dụng phương pháp làm bìa cứng, bìa nổi, dán tem chống hàng giả... nhưng vẫn bị làm giả.
Giám đốc First News-Trí Việt Nguyễn Văn Phước dẫn chứng nếu chỉ nhìn qua bìa sách giả đặt bên cạnh sách thật, bạn đọc tinh ý có thể so sánh, phân biệt được; nhưng phương pháp này chỉ áp dụng với những sách in lậu tay ngang, còn hầu như các sách giả đều giống y như sách thật.
Muốn phân biệt được các cuốn sách giả in lậu cao cấp, bạn đọc phải có một cuốn sách chính hãng mở bên trong ruột sách so sánh đối chiếu từng trang, từng chi tiết. Đây là công việc khó khăn, bởi nhiều độc giả không có khả năng thực hiện do thiếu thời gian, không có sách thật đối chứng...
Những cuốn sách giả in lậu ngày một tinh vi đến nỗi người trong ngành xuất bản cũng khó phát hiện được vì giống tới 95% so với sách thật, nên chắc chắn, bạn đọc sẽ rất khó phát hiện được khi đặt mua từ các sàn thương mại điện tử, hay các nhà sách bán sách giả, nếu không so sách trực tiếp với một cuốn sách thật khi nhận hàng.
Nỗi lo đối với các nhà xuất bản
Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái cho biết trong số các xuất bản phẩm lậu đang lưu hành trên thị trường, sách giáo dục chiếm tỷ lệ lớn nhất. Nhiều cơ sở, tổ chức, cá nhân hoạt động in lậu sách, phát hành sách lậu vẫn chưa được phát hiện, tiếp diễn hoạt động, trục lợi bất chấp pháp luật.
Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD, gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Thông thường, các đối tượng sẽ chọn những sách có tỷ suất lợi nhuận cao để thực hiện hành vi in lậu. Sách giáo khoa về cơ bản ít có sách in lậu vì giá thấp, nhưng sách tham khảo in lậu lại rất nhiều, do giá loại sách này không bị Nhà nước quản lý giá. Các đối tượng in lậu hiện nay đang tập trung khá mạnh ở mảng sách tiếng Anh, vì sách này có lợi nhuận lớn, giá sách cao.
Với kinh nghiệm 12 năm chống sách lậu, sách không có bản quyền, Tổng Giám đốc Thái Hà Books Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ hiện có muôn vàn cách in sách lậu như in sách lậu; xuất bản sách không có bản quyền; chia sẻ file mềm (pdf, scan…) miễn phí. Số sách của Thái Hà Books bị làm lậu là khoảng 150 đầu sách.
Tại Hà Nội, sách lậu bày bán công khai ở nhiều nơi như khu Trần Quốc Hoàn, Phạm Văn Đồng, đường Láng...
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sách lậu được bán dọc các đường trung tâm như Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Văn Hai, Điện Biên Phủ và một số nhà sách cũ trên đường Trần Huy Liệu...
Giám đốc First News-Trí Việt Nguyễn Văn Phước khẳng định sản xuất, tiêu thụ sách giả sẽ giết chết ngành xuất bản Việt Nam. First News hiện có khoảng 1.000 đầu sách giá trị, trong đó bán chạy khoảng 400 cuốn nhưng đã phát hiện 686 đầu sách bị in lậu, làm giả, bị xâm phạm, vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức.
Hệ quả của việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, để lại hệ quả lâu dài đối với độc giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà xuất bản, làm thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc nhưng "cuộc chiến" đối với các xuất bản phẩm giả vẫn như "đá ném ao bèo," chưa thể đi đến hồi kết./.