Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả có hiệu lực ở Việt Nam đã gần 15 năm. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định, chế tài xử lý hành vi in, xuất bản, phát hành xuất bản phẩm giả.
Thế nhưng, đến nay, việc thực thi các quy định pháp luật về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều đối tượng vẫn bất chấp, cố tình thực hiện hành vi in lậu, in giả, in nối bản trái phép, bởi lợi nhuận mang lại cao hơn rất nhiều so với mức xử phạt.
Nhiều thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng
Cuối năm 2018, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã kiểm tra đột xuất hai nhà sách Ngoại ngữ và Mạnh Hương tại Hà Nội. Kết quả kiểm tra cho thấy, hai nhà sách trên đã phát hành, bày bán nhiều xuất bản phẩm in lậu không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp, vi phạm Nghị định 159/2013/NĐ-CP.
Cục Xuất bản, In và Phát hành đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với các nhà sách này; đồng thời buộc tiêu hủy các xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ đối với các xuất bản phẩm trên.
Tháng 7/2019, Đội Quản lý thị trường số 12 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã thu giữ 3.577 sách giáo khoa có dán tem giả (sách tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9; sách bài tập bổ trợ từ lớp 3 đến lớp 7; sách tin học) được tàng trữ, bày bán tại ba cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số sách trên. Đội Quản lý thị trường số 12 đang tạm giữ số hàng hóa trên để chờ xác minh, làm rõ...
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm vụ việc in, phát hành ấn bản phẩm giả bị các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ, nhưng việc xử lý này vẫn như "đá ném ao bèo". Bởi để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, khó phát hiện hơn.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo, việc in, tiêu thụ sách lậu là một quy trình khép kín hết sức tinh vi. Các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn hoạt động in lậu sách, bởi với công nghệ hiện đại, khép kín như hiện nay, mọi công đoạn của việc in lậu sách được tiến hành một cách nhanh gọn.
Địa điểm hoạt động của các cơ sở in lậu sách hầu hết đã chuyển ra vành đai, vùng ngoại ô các thành phố lớn hoặc tỉnh giáp ranh nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng. Hoạt động in, phát hành sách lậu diễn ra nhiều ở các công ty, doanh nghiệp in tư nhân, thậm chí trong nhà dân.
Để đối phó với cơ quan chức năng, các cơ sở in lậu sách thường hoạt động ngoài giờ hành chính, thường tổ chức chạy máy in, gia công sách lậu vào ban đêm, ngừng trước 6 giờ, vào những giờ các lực lượng chức năng nghỉ trưa hoặc hết giờ hành chính, nhất là vào những dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ.
['Cuộc chiến' với xuất bản phẩm giả: Sai phạm có chiều hướng gia tăng]
Việc chuyên chở, giao nhận sách lậu thường được giao cho người thân, các đối tượng in lậu tự thực hiện hoặc thuê bao trọn gói.
Mạng lưới tiếp thị, tiêu thụ sách lậu có mặt ở khắp nơi, phổ biến là các nhà sách, cửa hàng sách, điểm bán sách, quầy sách, chiếu sách trên vỉa hè, trong công viên, trước cổng các trường đại học, các quán ăn.
Sách lậu còn được đưa vào các cơ quan, các nhà sách tại các thành phố, thị trấn dưới hình thức ký gửi trừ chiết khấu cao. Khi lực lượng chuyên chở sách in lậu bị phát hiện, bắt giữ, họ chỉ nhận vai trò là người chở thuê như đã bàn định trước với lực lượng in sách lậu; nhiều khi họ thực hiện ba không: "Không nhớ, không biết, không rõ" - ông Nguyễn Ngọc Bảo chỉ rõ.
Nhiều quy định... nhưng chưa đủ
Nhằm siết chặt hoạt động in, phát hành, xuất bản xuất bản phẩm lậu, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành. Điển hình như Luật Xuất bản (năm 2013), Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản, Nghị đinh số 131/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan...
Cụ thể, tại Điều 344, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 127 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định cả khung hình phạt tù lẫn phạt hành chính, khiến cho việc áp dụng, xử lý thường được chuyển sang phạt hành chính (từ 20 triệu đến 200 triệu đồng).
Điều này mới chỉ chế tài đối với hành vi in lậu, chưa quy định đối với hành vi phát hành sách in lậu, sách giả. Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, tại điểm 7 điều 24 quy định: "Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản."
Cũng tại Nghị định số 159/2013/ NĐ-CP, điểm 5 điều 27 quy định: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép... từ 300 bản trở lên...
Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã quy định, bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm, nhưng vẫn chưa thật đầy đủ, chưa bao quát hết thực tiễn.
Hơn nữa, khung hình phạt đối với hành vi này hiện rất thấp, chưa đủ nghiêm khắc, trong khi lợi nhuận từ việc in, tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng/năm, những khoản phạt này (tối đa 200 triệu đồng) là không đáng kể. Nhiều cơ sở vi phạm sẵn sàng nộp phạt hành chính, sau đó quay lại hoạt động với thủ đoạn tinh vi, quy mô lớn hơn.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dẫn chứng: Thời gian qua, các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý được nhiều vụ vi phạm, nhưng mức xử phạt còn quá nhẹ.
Đây không phải lỗi của các cơ quan chức năng, bởi việc xử phạt hành vi in, phát hành, xuất bản xuất bản phẩm giả chủ yếu được thực hiện theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Theo đó, các cơ sở này dù có in cả nghìn cuốn sách giả cũng chỉ bị phạt ở mức 30 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, quy định pháp luật của Việt Nam có nhiều hình phạt mang tính răn đe hơn đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cụ thể như tại điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nếu như coi sách giả là hàng giả, hoàn toàn có thể xử theo Luật Hình sự. Quốc hội, các cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Các cơ quan chức năng đã, đang thực hiện nhiều biện pháp xử lý đối với việc in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm. Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương, cùng các bộ, ngành liên quan, các cơ quan chức năng tại địa phương đều tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực in lậu. Dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác này vẫn còn không ít khó khăn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, lực lượng thanh tra chuyên ngành xuất bản, in, phát hành ở Trung ương và địa phương còn mỏng, thường xuyên có sự thay đổi, không ổn định. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, như: Thông tin và Truyền thông, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Nhà xuất bản, cơ sở phát hành... chưa đồng bộ, hiệu quả.
Ngoài ra, việc xác định sách thật, sách in lậu, làm giả ngay tại thời điểm kiểm tra rất khó khăn, vì các thông tin của nhà xuất bản, đối tác liên kết không thống nhất. Nhiều vụ việc bị phát hiện, cơ quan chức năng đề nghị chính nhà xuất bản có sách bị in lậu xác minh đâu là thật, đâu là giả, nhưng cũng không thể khẳng định được một cách chuẩn xác, vì vậy quy trình xử lý rất khó khăn, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động in theo kế hoạch hiệu quả chưa cao, chủ yếu là thanh tra đột xuất mới phát hiện được sai phạm. Việc này mất rất nhiều thời gian từ khâu nắm thông tin, trinh sát địa bàn.
Rất nhiều cơ sở in từ khi hoạt động đến nay chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực này thanh, kiểm tra, trong khi đó tình trạng in lậu diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, quy mô lớn, công nghệ hiện đại, diễn ra ở nhiều địa bàn trong toàn quốc.
Thực trạng này đòi hỏi cần có những giải pháp tích cực để khắc phục, giải quyết, không để tình trạng "thật giả lẫn lộn," ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, độc giả; gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các nhà xuất bản, làm thất thu ngân sách Nhà nước./.