'Cuộc chiến' VOD: Doanh nghiệp đầu tư lớn, khán giả thêm lựa chọn

Trước cuộc đua sôi động, các dịch vụ chiếu phim trực tuyến ngày càng đưa ra nhiều gói cước và chiến lược hấp dẫn, song vẫn cần tiếp tục cải thiện về nội dung, đưa ra dịch vụ, trải nghiệm tốt nhất.
'Cuộc chiến' VOD: Doanh nghiệp đầu tư lớn, khán giả thêm lựa chọn ảnh 1Sự cạnh tranh của các ứng dụng chiếu phim đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)

Năm 2021 chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các dịch vụ VOD (kho phim trực tuyến theo yêu cầu). Trong bối cảnh nhiều ngành kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch bệnh COVID-19, các hệ thống xem phim có bản quyền tiếp tục phát triển...

Thị trường màu mỡ

Theo số liệu của Vietnam Investment Review, người dùng Việt Nam có thời gian lướt mạng trung bình 6 giờ 47 phút mỗi ngày, trong đó có khoảng 39% được dành để xem dịch vụ trình chiếu như phim, video, tin tức.

Cùng với đó, dịch COVID-19 hoành hành, các rạp chiếu phim đóng cửa là nguyên nhân khiến nhu cầu giải trí bằng phim tại gia tăng cao. Theo một báo cáo của YouNet Media, trong thời gian giãn cách xã hội từ tháng 5-8/2021 đã có tới 31% tổng số thảo luận trên mạng xã hội được ghi nhận là liên quan đến phim ảnh.

Trong khi các dịch vụ nội địa như K+, VTV Go, Galaxy Play và VieOn hấp dẫn người dùng bằng nhiều series truyền hình, phim điện ảnh Việt Nam, thì phim châu Á và Âu-Mỹ lại là lợi thế của FPT và Netflix.

'Cuộc chiến' VOD: Doanh nghiệp đầu tư lớn, khán giả thêm lựa chọn ảnh 2Thống kê tỷ lệ truy cập của các ứng dụng xem trực tuyến có trả phí quý 1-3 năm 2021 tại Việt Nam. (Nguồn: Decision Lab)

Thống kê của công ty Decision Lab (Việt Nam) cho thấy sáu dịch vụ xem truyền hình trực tuyến phổ biến nhất của Việt Nam gồm có FPT Play, K+, My TV, VTV Go, Viettel TV; còn Netflix là đại diện nước ngoài duy nhất song cũng là ứng dụng có sự tăng trưởng mạnh nhất. Nếu trong quý 1/2021, Netflix chỉ có 16% số người dùng trên thị trường thì đến quý 3, tỷ lệ đã tăng lên 22%.

Trước cơ hội vàng để chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp đã liên tục tung ra những chiêu thức để tiếp cận khách hàng. Trong khi VTV Go bán đầu thu VTV Box với giá khoảng 1 triệu đồng để người dùng có thể xem tất cả các kênh VTV thì MyTV lại tung ra nhiều gói phim đa dạng từ 22.000 đồng tới 50.000 đồng/tháng.

Các ứng dụng Galaxy Play, VieOn hay K+... cũng đều đang cố gắng khẳng định mình qua các tựa phim "độc quyền," tự sản xuất ở nhiều thể loại.

Tập trung nhiều vào phim điện ảnh gồm có gói Galaxy Play cao cấp giá 70.000 đồng/tháng. Với người dùng của FPT Play, gói phổ biến nhất là gói gia đình hoặc VIP, mức giá hàng tháng dao động từ 50.000 đồng - 140.000 đồng/tháng. Còn với Netflix, một tài khoản thường chi ra từ 180.000 đồng - 260.000 đồng/tháng cho một gói từ cơ bản đến cao cấp, có thể sử dụng chung giữa năm người dùng.

Bên cạnh chính sách giá rõ ràng, các dịch vụ trực tuyến cũng đưa ra chương trình đặc biệt đáng chú ý. Trong đó có FPT Play, ứng dụng gần đây đã cho ra mắt gói VIP ở mức giá 120.000 đồng/tháng (với các phim của HBO Go - ứng dụng trực tuyến hấp dẫn nhưng chưa có mặt tại Việt Nam). Cuối năm 2021, Netflix tung ra Gói miễn phí, không cần thẻ, không mất tiền đăng ký, không quảng cáo dành riêng cho thiết bị di động Android, cùng với đó là những phương thức truyền thông hấp dẫn trên mạng xã hội nhắm vào giới trẻ.

Làm gì để dẫn dắt thị trường?

Theo các chuyên gia, thời gian tới sẽ có thêm những gói cước hấp dẫn từ các VOD, cũng có thể là những sự hợp tác trong và ngoài nước giống như FPT Play và HBO Go nhằm mang về thêm nhiều sê-ri phim truyền hình, nội dung quốc tế hấp dẫn từ các nền tảng hiện chưa hoạt động tại Việt Nam.

Hướng đi này được cho là không chỉ thu hút người xem đến với ứng dụng Việt, mà còn khuyến khích thói quen ủng hộ bản quyền, thay vì đi tìm trên những trang phim lậu.

Song song với đó, các ứng dụng nội địa Việt cũng nhận về nhiều đề xuất để hoàn thiện và phát triển về cả nội dung lẫn dịch vụ, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khán giả.

'Cuộc chiến' VOD: Doanh nghiệp đầu tư lớn, khán giả thêm lựa chọn ảnh 3Khán giả sẽ quyết định kết quả thành/bại của các ứng dụng VOD trong nước. (Ảnh minh họa: iStock)

Biên kịch Tạ Tư Vũ (biên kịch loạt phim “Container 39,” “All in”... của Galaxy Play) nhận định trong hai năm dịch bệnh COVID-19 vừa qua, thị trường các ứng dụng xem phim trực tuyến tại Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và sẽ tiếp tục trên đà tăng, không chỉ thể hiện ở việc có thêm nhiều người dùng mà còn có thêm nhiều sản phẩm tự sản xuất.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những nội dung phim cho các ứng dụng này đều cần được cải thiện thêm để có thêm tính đột phá, sáng tạo cho người xem.

“Để xem được một bộ phim đều quá dễ dàng. Khán giả nếu không xem trên ứng dụng VOD thì có thể xem trên TV, thậm chí mở mạng ra xem lậu… Chính vì vậy, các mô-típ phim mà chỉ vừa xem đã đoán được bộ phim cần phải được thay đổi. Đây là việc của nhà sản xuất, họ cần phải tự biết để điều chỉnh,” ông Tạ Tư Vũ nhận xét.

Song ông cũng cho rằng trước tiên, các doanh nghiệp cần tiếp tục thuyết phục và thu hút người xem đồng thời làm thay đổi suy nghĩ "xem phim online đồng nghĩa với xem miễn phí" ở một bộ phận khán giả.

Thêm vào đó, ông Vũ cho rằng các ứng dụng chiếu phim cần đứng ở phía người tiêu dùng để cải thiện dịch vụ, mà đặc biệt là trong phương thức thanh toán. Ông đề xuất phương án như trả qua thẻ cào điện thoại, không chỉ khu hẹp qua việc trả bằng ví điện tử, ngân hàng trực tuyến…

[Phổ biến phim online: Cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm]

Nhà sản xuất Đỗ Quang Minh của hãng Dofilm (“Mẹ ác ma, cha thiên sứ” trên K+, “Giấc mơ của mẹ” sắp chiếu trên VieOn...) khẳng định khán giả quyết định tất cả. Bởi vậy, các hãng luôn cần chú trọng vào việc tăng chất lượng nội dung.

“Càng có nhiều ứng dụng thì khán giả cũng càng có thêm sự lựa chọn, vì thế các nhà đầu tư càng phải cạnh nhanh với nhau,” ông Minh nhận xét.

Ông nói thêm: “Khi các nhà đầu tư sẽ bỏ thêm chi phí cho các nhà sản xuất, chất lượng bộ phim cũng đi lên. Không chỉ các nhà sản xuất, đạo diễn có đủ điều kiện chăm chút cho phim mà diễn viên khi đóng cũng có đủ chi phí để sống và có thể thực sự tập trung toàn bộ tâm trí cho một vai chính, thay vì phải đóng nhiều phim, tham gia nhiều chương trình cùng một lúc”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục