Cuộc chiến Ukraine có thể khởi động cuộc chạy đua hạt nhân ở châu Á

Nếu một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở châu Á xảy ra, thái độ sẵn sàng thách thức những điều cấm kỵ của các nước sẽ chỉ tăng lên.
Cuộc chiến Ukraine có thể khởi động cuộc chạy đua hạt nhân ở châu Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: cesran.org)

Theo trang mạng apsistrategist.org.au, hiện vẫn chưa rõ kết cục của cuộc xâm lược mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động nhằm vào Ukraine sẽ ra sao. Tuy nhiên, cuộc chiến của ông dường như đang gửi một thông điệp rõ ràng: nếu bạn có vũ khí hạt nhân, sẽ không ai gây rối với bạn.

Chỉ vài ngày sau khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine,Tổng thống Putin tuyên bố ông đã ra lệnh các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga ở trong tình trạng “cảnh giác cao độ” - một lời cảnh báo rõ ràng đối với phương Tây rằng họ không nên can thiệp quân sự thay mặt Ukraine.

Và dường như điều này đã có tác dụng. Bất chấp các cuộc bắn phá không ngừng của Nga, trong đó bao gồm các khu vực dân sự, Mỹ đã thẳng thừng từ chối yêu cầu được nhiều lần lặp lại của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc thiết lập một vùng cấm bay.

Lý do ở đây rất đơn giản: Phương Tây lo ngại hậu quả của cuộc chiến tranh tổng lực với một cường quốc được trang bị hạt nhân. Mặc dù điều này không phải vô lý, nhưng nó có khả năng làm suy giảm niềm tin vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ, mà hiệu quả của nó, như một nghiên cứu năm 2020 cho thấy, đã bị suy giảm từ trước khi Nga bắt đầu cuộc chiến chống Ukraine.

Cách duy nhất mà một quốc gia có thể tự phòng thủ trước sự tấn công của một cường quốc hạt nhân là duy trì vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Đối với Ukraine, điều này đặc biệt gây khó chịu. Năm 1994, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quốc gia này đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân - khi đó là kho vũ khí lớn thứ ba thế giới - để đổi lấy những đảm bảo an ninh mà sau này lại hóa ra vô nghĩa. Không có gì ngạc nhiên khi một số quan chức đã bày tỏ sự hối hận về việc Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân.

[Năng lượng hạt nhân dân dụng trở thành mục tiêu nhưng cũng là vũ khí]

Tương tự, cuộc chiến ở Ukraine là minh chứng cho lý do theo đuổi vũ khí hạt nhân của một số quốc gia, và càng củng cố quyết tâm theo đuổi hạt nhân của họ. Trong những tuần gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành một số vụ thử tên lửa, trong đó có vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thất bại mới đây.

Tuy nhiên, cường quốc hạt nhân cần chú ý đến ở châu Á là Trung Quốc. Kể từ khi thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 1964, Trung Quốc đã tuân thủ học thuyết “răn đe tối thiểu” - về cơ bản chỉ duy trì lượng vũ khí hạt nhân vừa đủ để có thể trả đũa trước một cuộc tấn công hạt nhân. Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 350 đầu đạn, so với con số 5.550 của Mỹ và 6.000 của Nga.

Mặc dù Trung Quốc từ lâu đã sở hữu khả năng răn đe hạt nhân, song nước này đã tránh lãng phí hàng trăm tỷ USD để xây dựng một kho vũ khí lớn - một nỗ lực có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực. Đương nhiên, hiện có những giới hạn đối với cách tiếp cận này. Trong một cuộc xung đột với một cường quốc hạt nhân khác, Trung Quốc có thể bị vô hiệu hóa bằng một đòn tấn công phủ đầu và phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, một cuộc chiến giữa các cường quốc hạt nhân dường như không chắc sẽ xảy ra, do đó việc duy trì khả năng răn đe tối thiểu dường như là một sự chắc ăn.

Cuộc chiến tranh lạnh ngày càng sâu sắc với Mỹ đã làm thay đổi các tính toán chiến lược của Trung Quốc. Tháng 12/2021, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính rằng Trung Quốc đang tìm cách tăng gấp đôi kho hạt nhân của nước này vào năm 2027 và tích lũy 1.000 đầu đạn vào năm 2030.

Sau cuộc chiến Ukraine, Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng cường những nỗ lực này. Nước này chắc chắn có đủ nguồn lực để củng cố vũ khí quy mô lớn. Và với việc Tổng thống Putin đưa ra những lời đe dọa hạt nhân và căng thẳng liên quan đến Đài Loan gia tăng, chiến lược cấp bách này đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, hoạt động tăng cường hạt nhân sẽ không chỉ dừng lại ở Trung Quốc. Một số nhân tố quan trọng của châu Á đang bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm và tốn kém, điều sẽ làm suy yếu an ninh của toàn bộ khu vực.

Ấn Độ, đối thủ của Trung Quốc trong khu vực, sẽ tìm cách phát triển kho vũ khí của họ, khiến kẻ thù được trang bị vũ khí hạt nhân của Ấn Độ là Pakistan cũng sẽ làm điều tương tự. Điều này sẽ đặt các quốc gia phi hạt nhân ở Đông Á, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, vào tình thế khó xử.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi Tokyo xem xét cho phép đặt các vũ khí hạt nhân của Mỹ trong lãnh thổ Nhật Bản. Mặc dù Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản Fumio Kishida đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng này, song đề xuất này thể hiện một sự thay đổi lớn tại một quốc gia đã luôn tuân thủ các nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nếu một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở châu Á xảy ra, thái độ sẵn sàng thách thức những điều cấm kỵ của các nước sẽ chỉ tăng lên. Ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc, vũ khí hạt nhân sẽ trở thành vấn đề chính trị gây chia rẽ nhất trong nước, với các nhân vật diều hâu ủng hộ sự phát triển vũ khí hạt nhân, ngay cả khi điều ngày gây ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương với Mỹ - quốc gia coi việc phổ biến vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa hiện hữu.

Cuối cùng, Đài Loan có thể sẽ quyết định mua vũ khí hạt nhân như một biện pháp để chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc xâm lược.

Cuộc xung đột sau đó, với Mỹ có khả năng sẽ can dự, có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Thế giới từ lâu đã theo đuổi nguyên tắc “tất yếu hủy diệt lẫn nhau” (MAD - theo đó việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên quy mô lớn sẽ khiến cả hai bên tấn công và bên phòng thủ bị tiêu diệt hoàn toàn) để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân.

Tuy nhiên, ngay cả khi nguyên tắc MAD ngăn cản các quốc gia phát động các cuộc chiến tranh được suy tính trước, nó không thể bảo vệ trước các tai nạn ngẫu nhiên hoặc tính toán sai lầm. Thế giới càng có nhiều vũ khí hạt nhân và các quốc gia càng lo sợ rằng kẻ thù của họ sẽ triển khai các cuộc tấn công phủ đầu, thì rủi ro càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Bằng cách củng cố niềm tin rằng cần có nhiều vũ khí hạt nhân hơn ở châu Á, cuộc chiến của Putin ở Ukraine có thể tàn phá sự ổn định chiến lược ít ỏi còn lại của khu vực. Điều này không chỉ gây ra một mối đe dọa hiện hữu đối với châu Á; nó còn có thể giáng thêm một đòn vào cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, khiến việc ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở các khu vực khác trở nên khó khăn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục