Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe mang tên COVID-19 đang thách thức nhiều thế hệ, Chính quyền Tổng thống Trump lại rơi vào “vết xe đổ” quen thuộc khi dùng sự tàn phá của virus SARS-CoV-2 là lý do để xem xét lại các chính sách vốn đang bị đình trệ như hạn chế nhập cư, kiềm chế các cơ quan giám sát độc lập và dĩ nhiên là cả Trung Quốc.
Theo nhận định của giới chuyên gia, sau khi giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng qua đi và Tổng thống Trump tăng tốc nỗ lực cho chiến dịch tái tranh cử, Washington sẽ muốn leo thang chỉ trích nhằm vào Trung Quốc (vì đã khiến cho dịch COVID-19 lây lan ra khắp toàn cầu), đồng thời xem xét một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế.
[Trung Quốc cam kết tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ]
Các biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm từ việc áp thuế quan nhiều hơn đối với hàng nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ mua hàng hóa của nước này và cấm sinh viên Trung Quốc học khoa học tại Mỹ, đồng thời trì hoãn khoản thanh toán trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ.
Công bằng mà nói, ý tưởng cuối cùng đề cập ở trên - trì hoãn thanh toán trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ - là do Thượng nghị sỹ Lindsay Graham đưa ra và đã bị nhiều người phản đối.
Trong số những người phản đối có ông Larry Kudlow, người đã cảnh báo về những rủi ro của việc vi phạm giao ước nợ của Mỹ, đặc biệt là khi Washington sẽ phải vay hàng nghìn tỷ USD để chi cho các biện pháp chi tiêu khẩn cấp vì đại dịch.
Trong khi đó, những nỗ lực nhằm buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Washington và nhiều tiểu bang trên khắp nước Mỹ. Dù vậy, điều này chưa hẳn đã là một ý tưởng tốt.
Trả đũa vào thời điểm hiện nay đối với Trung Quốc sẽ được đánh giá là một trong những sai lầm chính sách lớn nhất.
Cuộc chiến thương mại do Nhà Trắng phát động vào cuối năm 2017 là đáng bàn cãi và mang lại không nhiều kết quả rõ ràng, trong khi phải cần đến hàng chục tỷ USD để hỗ trợ cho nông dân Mỹ - những người chịu tác động khi Bắc Kinh trả đũa bằng cách đóng cửa thị trường.
Trong khi đó, chiến dịch kéo dài của Mỹ nhằm chống lại công ty công nghệ khổng lồ Huawei cũng được tiến hành trên quy mô toàn cầu và chắc chắn đã đẩy lùi các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm trở thành quốc gia thống trị công nghệ 5G.
Về tổng thể, trong năm 2018-2019, khi tăng trưởng kinh tế Mỹ được cải thiện đều đặn, Washington có thể chi trả cho chi phí tốn kém của cuộc chiến thuế quan lên đến hàng tỷ USD ngay cả khi nó mang lại kết quả tối thiểu và chỉ gây ảnh hưởng tới thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Nhưng hiện nay, chi phí cho kinh tế, chính trị và thậm chí là sức khỏe của Mỹ đối với những nỗ lực nhằm trừng phạt Trung Quốc đã trở nên rất lớn.
Cuộc chiến thương mại trong hai năm qua có thể đã tiêu tốn hơn 20.000 tỷ USD của kinh tế Mỹ.
Thế nhưng, một đợt thuế quan mới, hoặc cắt giảm đầu tư của Trung Quốc hay hạn chế sinh viên của quốc gia này, sẽ tấn công nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một trong những điểm dễ bị tổn thương nhất từ trước đến nay.
Lý do là khoản tiền mà sinh viên Trung Quốc mang lại cho Mỹ thực sự lớn hơn hầu hết các mặt hàng xuất khẩu nông sản sang nước này.
Sinh viên Trung Quốc chi hàng chục tỷ USD mỗi năm cho giáo dục đại học tại Mỹ và điều này không chỉ giúp duy trì các trường đại học hàng đầu mà còn cho phép nhiều trường cung cấp các gói hỗ trợ tài chính hào phóng hơn cho sinh viên Mỹ. Do đó, việc ngăn chặn dòng chảy đó sẽ gây ra nhiều tác động đáng kể.
Tiếp theo, Mỹ sẽ không thể thực hiện việc tái xây dựng chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc bởi họ không có tiền để làm như vậy.
Trước đại dịch, Nhà Trắng thường xuyên ca ngợi các động thái chuyển dịch của các công ty ra khỏi Trung Quốc.
Mặc dù một số thực sự đã làm, nhưng đa số công ty vẫn chưa thực hiện và họ chỉ áp dụng cho các dự án mới ở Mexico hoặc Thái Lan, thay vì thực sự đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc hoặc chấm dứt chuỗi cung ứng hiện tại.
Có rất nhiều chuỗi cung ứng y tế của Mỹ qua Trung Quốc dưới dạng thuốc, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) hay dụng cụ y tế cao cấp. Mỹ hiện đang có nhu cầu cao ở tất cả những sản phẩm này khi phải chống chọi với dịch bệnh.
Do đó, giờ không phải lúc tạo ra ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng các sản phẩm này bằng việc trả đũa mạo hiểm và cũng không thể áp thuế quan để kêu gọi sản xuất trong nước, bởi để làm được điều này đòi hỏi một chính sách công nghiệp được lên kế hoạch đầy đủ và được thực hiện tốt.
Tiếp theo là cần có sự hợp tác liên quan đến giải mã virus SARS-CoV-2 và và cuộc chạy đua điều chế vắcxin.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc về đích trước? Và điều gì sẽ xảy ra nếu như Bắc Kinh trả đũa Mỹ khi tạo ra nhiều sự xung đột với Mỹ trong việc sản xuất vắcxin? Liệu đó có phải là canh bạc mà Mỹ muốn chơi vào thời điểm hiện nay?
Sự thật phũ phàng ở đây là Mỹ có ít đòn bẩy hơn là họ nghĩ. Chắc chắn, Trung Quốc cũng đang quay cuồng vì đại dịch và thị trường thương mại toàn cầu sụp đổ khiến quốc gia này bị hạn chế và dễ bị tổn thương.
Nhưng thực tế là việc Trung Quốc hầu như không thể có trong tay chiến thắng không có nghĩa là Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt ép buộc.
Lần cuối cùng Washington tính toán sai vị trí tương đối của mình là vào năm 1930 với Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley đã đi vào lịch sử như là luật bảo hộ tồi tệ nhất từ trước tới nay.
Chính quyền Tổng thống Trump và nhiều người ủng hộ, cả trong Đảng Cộng hòa và một phần của đảng Dân chủ dường như chuẩn bị phá vỡ kỷ lục trên.
Có thể nói, sự hấp dẫn của một chiến lược “đánh Trung Quốc” trong năm bầu cử là rõ ràng và bất luận nếu như hành động đó vẫn chỉ là lời nói. Điều đó có thể vẫn có hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu vì áp lực biến những lời nói đó thành hành động mà Washington phải cố gắng nhiều hơn là các biện pháp mang tính biểu tượng để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, thì điều đó sẽ khiến tình hình tồi tệ trở nên tồi tệ và phức tạp hơn là cứu chữa những thiệt hại đã gây ra.
Do đó, sẽ tốt hơn nếu Washington tập trung vào việc giúp đất nước “miễn dịch” để đáp ứng được nhiều thách thức trong tương lai bằng cách chi tiêu thông minh hơn cho các nguồn lực trong nước và ít bị "ám ảnh" về Trung Quốc./.