Cuộc chiến thương mại có giải quyết được vấn đề thâm hụt của Mỹ?

Khi ông Trump theo đuổi những điều ảo tưởng, nền kinh tế thế giới trở nên bất ổn hơn, và mối quan hệ giữa Mỹ với phần lớn các nước còn lại trên thế giới có thể sẽ xấu đi.
Cuộc chiến thương mại có giải quyết được vấn đề thâm hụt của Mỹ? ảnh 1(Nguồn: Los Angeles Times)

Theo trang mạng Asia Times, Don Quixote đánh nhau với cối xay gió còn Tổng thống Mỹ Donald Trump chống lại các thâm hụt thương mại. Ít ra thì cuộc chiến của Quixote mang một lý tưởng, còn cuộc chiến của ông Trump thì gây nhiều tranh cãi.

Mới đây, tin tức cho hay thâm hụt thương mại quốc tế của Mỹ về hàng hóa và dịch vụ đã phình to đến mức 621 tỷ USD, bất chấp cam kết của Trump rằng các chính sách thương mại cứng rắn đối với Canada, Mexico, châu Âu và Trung Quốc sẽ giúp giảm thâm hụt.

Ông Trump tin rằng thâm hụt thương mại của Mỹ cho thấy các hoạt động không công bằng do các đối tác của Mỹ gây ra. Ông cũng tuyên bố sẽ chấm dứt các thực tiễn không công bằng này và đàm phán các thỏa thuận thương mại công bằng hơn với các nước nói trên.

Tuy nhiên, các nước khác lại không coi vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ là chỉ dấu của các thực tiễn thương mại bất bình đẳng và các cuộc thương lượng của Trump sẽ không giúp đảo ngược cán cân thương mại này. Thay vào đó, mức thâm hụt sẽ càng phình to.

Canada, Mexico, Liên minh châu Âu hay Trung Quốc đều không coi vấn đề thâm hụt thương mại quốc tế của Mỹ là bất kỳ chỉ dấu nào của hoạt động thương mại không công bằng do họ gây ra. Nhưng ông Trump lại không nghĩ vậy.

Nhìn lại quá khứ, ngay từ đầu những năm 1980, Mỹ đã dịch chuyển từ thặng dư tài khoản vãng lai sang thâm hụt kéo dài, chủ yếu là do hàng loạt chính sách cắt giảm thuế quan dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, George W.Bush và giờ là ông Trump.

Cắt giảm thuế quan không tương xứng với cắt giảm tiêu dùng chính phủ đã làm giảm số tiền tiết kiệm của chính phủ. Sự sụt giảm trong quỹ tiết kiệm của chính phủ có thể được bù đắp một phần nhờ việc gia tăng số tiền tiết kiệm trong tài khoản của các doanh nghiệp tư nhân, ví dụ khi doanh nghiệp và các hộ gia đình coi việc cắt giảm thuế chỉ mang tính tạm thời.

[Tổng thống Trump đang thắng thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?]

Tuy nhiên, sự bù đắp này nhìn chung sẽ không đầy đủ. Do đó, cắt giảm thuế có xu hướng làm giảm số tiền tiết kiệm trong tài khoản quốc gia, vốn sẽ đẩy tài khoản vãng lai vào tình trạng thâm hụt hơn nữa.

Ví dụ, số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy, trong những năm 1970, tiết kiệm chính phủ Mỹ trung bình ở mức -0,1% của tổng thu nhập quốc gia (GNI), trong khi tiết kiệm của khu vực tư nhân trung bình ở mức 22,2% GNI. Điều này có nghĩa là tiết kiệm trong nước ở mức 22,1% GNI.

Tương tự, trong 3 quý đầu 2018, tiết kiệm chính phủ ở mức -3,1% GNI còn tiết kiệm khu vực tư nhân là 21,8% GNI, do đó, tiết kiệm trong nước là 18,7% GNI.

Số liệu này cũng cho thấy cán cân tài khoản vãng lai của Mỹ đã đi từ thặng dư nhỏ ở mức 0,2% GNI trong những năm 1970 đến thâm hụt 2,4% GNI trong 3 quý đầu năm 2018.

Do cắt giảm thuế năm 2017, tiết kiệm của Chính phủ Mỹ có thể giảm khoảng 1% GNI. Tiết kiệm của khu vực tư nhân có thể tăng 0,5% GNI khi dự kiến tăng thuế trong tương lai, với sự gia tăng không lớn trong đầu tư kinh doanh và suy giảm đầu tư bất động sản tạo ra một hiệu ứng tổng thể ở mức vừa phải. Do đó, kết quả thực sẽ là sự gia tăng trong thâm hụt tài khoản vãng lai, có thể ở mức 0,5% GNI.

Vì vậy, chính sách thuế của ông Trump là câu giải đáp chính cho thực tế gia tăng sự bất cân bằng trong thương mại quốc tế. Và một lần nữa cần khẳng định rằng chính sách thương mại phần lớn không liên quan đến kết quả của cán cân tài khoản vãng lai. Tuy nhiên, chính sách thương mại chắc chắn có liên quan kinh tế toàn cầu.

Khi ông Trump theo đuổi những điều ảo tưởng, nền kinh tế thế giới trở nên bất ổn hơn, và mối quan hệ giữa Mỹ với phần lớn các nước còn lại trên thế giới có thể sẽ xấu đi.

Dĩ nhiên, các chính sách thương mại của ông Trump không chỉ nhằm cải thiện sự cân bằng trong các hoạt động ngoại thương của Mỹ mà còn thể hiện một nỗ lực bị định hướng sai nhằm kiềm chế Trung Quốc và thậm chí làm suy yếu châu Âu.

Mục tiêu này phản ánh một tầm nhìn thế giới mang tính tân bảo thủ, trong đó vấn đề an ninh quốc gia phản ánh cuộc đấu tranh có tổng bằng không giữa các quốc gia. Những thành tựu kinh tế mà các đối thủ của Mỹ đạt được sẽ trở thành mối đe dọa đối với vị thế chủ đạo của Mỹ và do đó đe dọa an ninh của Mỹ.

Những quan điểm này phản ánh xu hướng thù địch và hoang tưởng mà lâu nay trở thành một đặc điểm trong nền chính trị Mỹ. Những quan điểm này là “lời mời gọi” đối với cuộc xung đột quốc tế không hồi kết, và ông Trump cũng như đội ngũ của mình lại đang cho phép những quan điểm này tự do thịnh hành và phát triển.

Như đã thấy trong bối cảnh này, các cuộc chiến thương mại bị hiểu sai của ông Trump cũng như các biện pháp đối phó với tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô đều khó có thể giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục