Sau hơn một thập kỷ, câu chuyện tác quyền âm nhạc ở Việt Nam chưa bao giờ bớt “nóng.” Cụ thể, trong những ngày qua, cuộc đụng độ “thô thiển” (lời dùng của nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh) giữa ông Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội (2/8) và Đà Nẵng (8/8)… cùng những tranh cãi không hồi kết đã phơi bày thực trạng nhiễu nhương trong việc thu nộp tiền tác quyền tại thị trường âm nhạc Việt Nam.
Theo cách nói của một nghệ sỹ lão thành từng kinh qua các trọng trách cao nhất về quản lý ngành văn hóa, vòng luẩn quẩn trong “cuộc chiến” thu-nộp tác quyền hiện nay chính là kết cục của thứ “ung nhọt lâu ngày ắt phải vỡ…”
Tổng hợp từ những nỗi lòng của người trong cuộc, quan điểm của giới nhạc sỹ, các cơ quan quản lý và ý kiến của đại biểu, chuyên gia quốc tế… Vietnam+ đăng chùm bài“Cuộc chiến thu- nộp tác quyền: Sai đâu sửa đấy! Sai đấy sửa đâu?” với mục đích đưa ra góc nhìn đa chiều, phản ánh những bất cập, và cả giải pháp như một cái kết “mở” cho vấn đề tác quyền âm nhạc hiện nay…
Bài 1: “Kỳ kèo tiền tác quyền: Nhiễu nhương chỉ có ở Việt Nam!?”
“Tôi đọc báo mấy hôm nay thấy các bên cãi chày cãi cối, gọi là thỏa thuận và đàm phán nhưng bên nào cũng bảo vệ cái lợi phía mình. Bươu đầu bể trán, bị bẽ mặt cũng chỉ vì chữ tiền. Anh nộp kêu đắt, anh thu bảo rẻ. Ngày xưa, nhạc sỹ chúng tôi viết ca khúc chẳng ai được trả xu nào, cũng không ai nghĩ có ngày mình hưởng lợi từ đó. Bài hát là tài sản trí tuệ, chắt chiu cảm xúc từ tâm hồn tác giả. Nó là vô giá. Người sử dụng âm nhạc để kinh doanh, thu lợi đương nhiên phải trích doanh thu cho quyền tác giả. Luật sở hữu trí tuệ đã quy định. Nghệ thuật không mua được bằng tiền, nếu trả giá, kỳ kèo thêm một bớt hai thì quá thô thiển. Nhiễu nhương này chắc chỉ có ở Việt Nam…,” nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh.
“Thóc đâu mà đãi gà rừng”
“Cuộc chiến” tác quyền nhạc Trịnh trong chương trình Live concert Khánh Ly (ngày 2/8) giữa VCPMC và đơn vị tổ chức xung quanh con số 170 triệu đồng tiền thu tác quyền là đỉnh điểm của những cuộc tranh cãi nói trên.
Cuộc khẩu chiến bắt đầu ngay trước lúc đêm nhạc diễn ra ở Hà Nội khi ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC “xộc” tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia để đàm phán với đơn vị tổ chức.
Tuy nhiên, giữa hai bên không đi đến được thỏa thuận bởi đơn vị tổ chức cho rằng số tiền nộp bản quyền 170 triệu đồng mà bên VCPMC đưa ra là không hợp lý.
Nhưng trước đó 3 tháng, ở đêm nhạc đầu tiên Khánh ly hát tại Hà Nội, đơn vị này đã nộp đủ cho Trung tâm ông Phương số tiền tác quyền lên tới hơn 260 triệu đồng.
Lý giải điều này, ông Phương cho rằng: “Tại đêm nhạc Khánh Ly đầu tiên, phía tổ chức đã thực hiện đứng luật khi đóng đủ cho chúng tôi 260 triệu đồng tiền bản quyền. Vì đêm nhạc đó họ bán hết vé, hơn 3.000 ghế không còn chỗ trống. Còn trong lần này, khi chúng tôi tìm đến tận nhà hát, phía tổ chức cho biết tình hình bán vé không thuận lợi, chúng tôi đã đồng ý thu phí theo 40% số ghế - chứ không phải là 60% so với quy định. Nghĩa là, trung tâm cũng đã cố hết sức để có thể chia sẻ với họ rồi.”
Không chỉ bất đồng ở đêm diễn ở Hà Nội ngày 2/8, “cuộc chiến”giữa VCPMC và đơn vị tổ chức còn “căng” hơn khi ông Phương đích thân đáp máy bay vào tận Đà Nẵng, nơi tổ chức đêm nhạc Khánh Ly ngày 8/8 để tiếp tục đòi tiền bản quyền.
Tuy nhiên, tại đây hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Lý do mà phía đơn vị tổ chức “không nộp tiền bản quyền” vì cho rằng VCPMC không trình đủ cả năm giấy ủy quyền từ phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông Phương khẳng định đó chỉ là “kế hoãn binh” của đơn vị tổ chức, thực chất vì “ế” vé nên họ muốn “xù” tiền bản bản quyền.
Nhạc sỹ Lê Minh Sơn chia sẻ: “Tôi chỉ thấy buồn cười khi theo dõi cuộc chiến của các vị. Thu bao nhiêu tôi không quan tâm vì nó chỉ là con số tương đối nhưng nếu bên tổ chức ép bên ông Phương phải trình đủ 5 giấy ủy quyền tác giả thì chính họ có trình đủ 5 giấy cho phép biểu diễn từ gia đình Trịnh Công Sơn không?”
Cũng theo cách dẫn giải của nhạc sỹ này, thì việc so bì giữa chương trình thu gần chục triệu đồng một bài hát với những chương trình chỉ thu mấy trăm nghìn đồng là cực kỳ "ngốc nghếch." Đã là kinh doanh tất nhiên doanh thu một đêm nhạc được bán “cháy vé” với hơn 3.000 ghế nó phải lớn hơn đêm nhạc năm trăm ghế. Cũng như không thể cào bằng giữa chương trình giá vé dao động từ 900.000 đồng đến 4 triệu đồng với chương trình từ 500.000 đến 1 triệu đồng được. Nó cũng giống như anh thu nhập cao thì đóng thuế cao, thu nhập thấp thì đóng thuế ít hơn. Tại sao khán giả chịu bỏ ra 4 triệu đồng mua vé đêm Khánh Ly mà không phải ca sỹ A, B nào khác? Và họ cũng đâu kêu đắt và đòi nhà tổ chức phải hạ xuống 500.000 đồng?
“Một khi đã kinh doanh là phải sòng phẳng, phải tính đến các chi phí bỏ ra, trong đó có cả chi phí quyền tác giả. Kinh doanh thua lỗ, không bán được vé, anh phải xem lại cách tổ chức, thị trường, sức hút của nghệ sỹ với công chúng. Tại sao không bán được vé thì tìm cách hạ tiền bản quyền tác giả xuống, nhưng cát xê ca sỹ thì không bớt tẹo nào?
Cho đến nây giờ, tôi dám chắc vẫn còn nhiều bầu sô ca nhạc và ca sỹ vẫn còn ý nghĩ rất rằng họ được quyền hát bất cứ bài hát nào họ thích mà không phải xin phép. Thậm chí đó còn là vinh hạnh cho nhạc sỹ. Nhạc sỹ không sống qua ngày bằng danh hão đó. Họ vẫn phải lao động bằng sáng tác để có cơm no, áo ấm. Mà chuyện đó cũng đâu phải dễ, thế nên thóc đâu mà đãi gà rừng…,” nhạc sỹ Lê Minh Sơn thẳng thắn.
Cũng theo nhạc sỹ Phó Đức Phương, hiện nay tuy luật đã quy định và bản thân các nhạc sỹ cũng đã ủy quyền cho VCPMC thu tiền tác quyền nhưng giữa các nghệ sỹ với nhau vẫn còn tồn tại sự “tế nhị” vì mối thân tình lâu năm mà ngại không đả động đến tiền tác quyền.
“Tôi đọc thấy báo thấy Khánh Ly chia sẻ rằng anh Trịnh Công Sơn có ký tặng một văn bản về việc được sử dụng ca khúc thoải mái mà không cần đóng tác quyền? Hay sự phỏng đoán cực kỳ mơ hồ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 khi nói rằng nếu Trịnh Công Sơn còn sống chắc không lấy tiền tác quyền bài hát! Trong khi đó, chính họ, những nghệ sỹ thành danh nhờ những ca khúc của Trịnh Công Sơn phải là những người đầu tiên thiện chí, có trách nhiệm,” ông Phương bức xúc.
Trên thực tế, khi trả lời báo giới về những tranh cãi tác quyền nhạc Trịnh hai đêm nhạc Khánh Ly vừa qua, bà Trịnh Vĩnh Trinh- đại diện gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã khẳng định: “Chúng tôi đã ủy quyền cho VCPMC từ năm 2009, vì đó là tổ chức đại diện cho quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hoạt động công khai, được quy định bởi luật pháp. Riêng đối với những tổ chức, cá nhân vì tình yêu nhạc Trịnh muốn tổ chức đêm nhạc kỷ niệm, mục đích phi lợi nhuận chúng tôi sẵn sàng trao đổi với VCPMC để không thu tiền tác quyền.”
Bình luận về sự cố tác quyền và ế vé của đêm nhạc Khánh Ly, trên báo chí bà Trịnh Vĩnh Trinh cũng cho rằng quyết định tổ chức đêm nhạc này lần thứ hai tại Hà Nội sau thời gian ba tháng ngắn gủi là sự liều lĩnh của nhà tổ chức và Khánh Ly.
Thực tế, bài toán doanh thu và việc đo thị hiếu công chúng nghe nhạc tại thị trường Hà Nội luôn là thách thức đối với nhà tổ chức. Bởi sai lầm trong sự nắm bắt thị hiếu công chúng không thể giúp nhà tổ chức “cãi” được thực tế một khi vào cuộc kinh doanh phải sòng phẳng và chấp nhận rủi ro.
Còn nhớ cách đây hai tháng chính nhạc sỹ Quốc Trung, người có kinh nghiệm tổ chức nhiều đêm nhạc uy tín cũng phải trả giá khi thừa nhận do sai lầm cá nhân trong nắm bắt thị hiếu trong show “Cầm tay mùa hè” khi số vé bán được chỉ đạt 30% số vé. Mặc dù, theo nguồn tin nội bộ nữ danh ca Hương Lan sẵn sàng hạ cát- xê nhưng nhạc sỹ Quốc Trung vẫn cương quyết hủy show.
“Miếng bánh lợi ích” chia sao cho phải?
Trong khi đó, liên quan tới vụ lùm xùm tác quyền đêm nhạc Khánh Ly, không riêng đơn vị tổ chức mà có nhiều nhạc sỹ lên tiếng tố ngược VCPMV thu-chia tiền bản quyền tác giả thiếu minh bạch và thống nhất.
Phe phản đối cũng chia làm hai luồng, từ phía nhà tổ chức cho rằng VCPMC thu chi không minh bạch, không thống nhất - lúc thu giá cao, khi thu giá thấp. Phía các nhạc sỹ cũng cáo buộc VCPMC thu nhiều nhưng chi trả không bao nhiêu.
Đây cũng không phải lần đầu tiên VCPMC bị nhạc sỹ "tố” về sự thiếu minh bạch trong việc chia sẻ tiền tác quyền. Trên báo giới, ngoài nhạc sỹ Quốc Trung, người bức xúcnhất với cách thức thu- chi của VCPMC hiện nay là nhạc sỹ Phú Quang. Cụ thể, gần đây nhạc sĩ Phú Quang cáo buộc VCPMC thu tác quyền một bài hát trong chương trình lên tới 4 triệu đồng, nhưng khi chi trả cho ông chỉ vỏn vẹn 170.000 đồng/bài tiền tác quyền.
Lý giải về sự chênh lệch này, ông Phương cho biết “Vì sao có số tiền 4 triệu/bài hát? Đó là tiền tác quyền bài hát của Trịnh Công Sơn mà nhạc sỹ Phú Quang sử dụng được tính theo quy mô kinh doanh của đêm diễn bao hàm cả số vé bán ra. Bình quân giá vé cao mới có con số 4 triệu đồng/ca khúc. Còn 170.000 đồng/bài mà ông Phú Quang nhận về là tiền bản quyền của Phú Quang do ông bầu khác sử dụng trong một chương trình khác, có quy mô nhỏ bởi số ghế ít, giá vé bình quân thấp. Cụ thể số tiền chúng tôi thu tác quyền chương trình đó gần 400.000 đồng/ bài.”
Theo lý giải của ông Phương và cách tính hiện nay của VCPMC theo Nghị định 61 của Chính phủ thì sau khi trừ chi phí gồm 20% hành chính phí, 5% thuế, 30% cho tác giả thơ thì ra con số 170.000 đồng và nhạc sỹ Phú Quang được nhận.
“Nói thật với các bạn, trên báo chí đã nhiều lần các ông ấy xúc phạm, nghi ngờ cách làm của VCPMC. Cho mời các vị đến giải thích và sẵn sàng cho xem bảng tính chi tiết thì các vị không đến. Mỗi lần đến nhận tiền bản quyền, miệng vẫn so đo thiệt hơn nhưng không chịu xem thống kê chi tiết. Như trường hợp của ông Quang, những ca khúc ông ấy phổ nhạc thì số tiền bản quyền VCPMC thu còn phải trích phần trăm cho hành chính phí, thuế, và nhà thơ… Về âm nhạc thì mình được hiểu là tác giả nhưng đâu thể ăn cả được. Nhiều lần chúng tôi tuyên bố, nếu các vị không tin tưởng VCPMC thì các vị có quyền rút khỏi danh sách, tự mình thu và hưởng tiền bản quyền nhưng chẳng ai xin rút cả…,” nhạc sỹ Phó Đức Phương phân trần.
Cách đây gần một tháng, cũng tại phòng riêng ở trụ sở VCPMC Hà Nội, ông Phương cũng chia sẻ về hoàn cảnh bị “giời đày”: “Chẳng hay ho gì chuyện một nhạc sĩ có tiếng, già cả như tôi phải khoa chân múa tay, tranh cãi kịch liệt với nhà tổ chức để đòi tác quyền rồi phải giải thích, phân bua với một số nhạc sỹ mà chúng tôi đang bảo vệ quyền lợi cho họ. Nhưng số tôi nó bị giời đày, đã ngồi trên chiếc ghế này vì gần 3.000 nhạc sỹ mà tôi không thể nhắm mắt, buông xuôi mà không hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tôi tin rằng, trước những cò kè thêm một bớt hai tiền tác quyền của các nhà tổ chức biểu diễn hiện nay, nếu tôi đồng ý hạ giá chỉ thu phí 30% hay 10% theo ý muốn của họ thì ngày hôm sau các nhạc sỹ lại chửi vào mặt tôi, rằng ông Phương lộng hành, phá giá tác quyền vì lợi riêng của mình…”
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, với những nhạc sỹ sáng tác ca khúc theo cách tính của VCPMC hiện nay thì họ sẽ được hưởng 80% số tiền tác quyền thu được. 20% còn lại là dành cho phí hành chính đúng theo quy định của các tổ chức bản quyền thế giới.
Nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh chia sẻ: “Không chỉ đơn giản là đơn vị thu tiền tác quyền, VCPMC còn là đại diện về pháp lý để bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của Việt Nam. Luật pháp đã quy định và được sự ủng hộ của đông đảo nhạc sỹ trên cả nước. Nhạc sỹ chúng tôi không thể có đủ sức lực, thời gian và thông tin để ngày ngày đơn thương, độc mã đi đòi tiền tác quyền được.”
Tổng kết năm 2013, mỗi quý có top 100 nhạc sĩ nhận tiền bản quyền, nhiều nhất từ 20 triệu đến 187 triệu đồng/quý. Người thường xuyên có tiền bản quyền từ 100.000 đồng đến 20 triệu đồng lên tới gần 80% con số thành viên. Người nhận tiền bản quyền nhiều nhất từ VCPMC lên tới con số gần 700 triệu đồng/năm.
Bài hát thu được nhiều tiền bản quyền nhất là “Quên cách yêu” của Nhạc sĩ K.Đ với 164 triệu đồng.
Theo ông Phương, không phải cứ bài hát được đánh giá hay thì nhận được tiền bản quyền nhiều mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lĩnh vực sử dụng, chương trình, từng địa phương, đơn vị sử dụng sản phẩm âm nhạc.
Bài 2. VCPMC "xuất tướng" đòi tiền: Quyết chiến hay... cố đấm ăn xôi