Cuộc chiến tại Yemen đe dọa sự tồn tại các xác ướp hàng nghìn năm tuổi

Cuộc chiến tại Yemen đã đe dọa phá hủy một phần di tích lịch sử cổ đại độc đáo của đất nước khổ đau này, đó chính là các xác ướp hàng nghìn năm tuổi.
Một xác ướp được bảo quản tại bảo tàng Đại học thủ đô Sanaa. (Nguồn: Reuters)

Cuộc chiến tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đẩy hàng triệu người khác vào tình cảnh đói kém, giờ đây còn đe dọa phá hủy một phần di tích lịch sử cổ đại độc đáo của đất nước khổ đau này, đó chính là các xác ướp hàng nghìn năm tuổi.

Chiến tranh, bất ổn, nhiều dịch vụ bị gián đoạn, nguồn điện cung cấp không ổn định trong khi lưu thông hàng hóa hết sức hạn chế do các cảng đều bị phong tỏa đang tạo ra nguy cơ lớn đối với việc bảo quản 12 xác ướp có niên đại lên tới hàng nghìn năm tại bảo tàng Đại học thủ đô Sanaa.

Những xác ướp này có vai trò quan trọng đối với lịch sử phát triển của Yemen. Có những xác ướp tồn tại từ khoảng 400 năm trước Công nguyên trong tình trạng khá hoàn hảo.

Việc bảo quản khá cầu kỳ, yêu cầu một môi trường kiểm soát nhiệt độ, vệ sinh sáu tháng một lần và bổ sung các hóa chất bảo quản. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chiến sự liên miên, điều kiện bảo quản, vệ sinh và chăm sóc các xác ướp này đếu không đạt tiêu chuẩn.

Các nhà khoa học đang hết sức cố gắng để giữ gìn những di sản vô giá này song một số xác ướp đã bắt đầu xuống cấp. Các nhà khảo cổ học Yemen đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế hỗ trợ việc bảo quản các xác ướp bằng cách nới lỏng lưu thông nhu yếu phẩm và tăng nhân sự tuy nhiên chưa bao giờ nhận được sự hồi đáp.

Không chỉ các xác ướp ở Yemen, nhiều di tích lịch sử có giá trị đặc biệt quan trọng khác với lịch sử nhân loại dàn trải trên một vùng rộng lớn ở Trung Đông như ở thành phố cổ Palmyra ở Syria hay khu bảo tồn di chỉ của Đế chế La Mã Leptis Magna ở Libya cũng đang đứng trước nguy cơ bị cướp bóc, phá hủy.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tàn phá mọi di chỉ tồn tại từ trước khi Hồi giáo ra đời tại các khu vực mà chúng chiếm đóng ở Syria và Iraq từ năm 2014. IS cũng cướp những hiện vật lịch sử có giá trị và mang ra bán tại "chợ đen" để lấy kinh phí cho các hoạt động khủng bố.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các thế hệ tương lai sẽ không còn cơ hội được biết đến những thành tựu và những di sản vô giá đã tồn tại từ những ngày đầu xuất hiện nền văn minh loài người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục