Cuộc chiến tại Syria liệu đã thực sự kết thúc?

Ông Bashar al-Assad bắt đầu nối lại quan hệ với đa số quốc gia Arab, trong khi cuộc chiến Syria đang bị đóng băng và chưa thấy triển vọng cho một lối thoát bền vững.
Người tị nạn Syria tại tỉnh Idlib. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Le Figaro (Pháp), Syria đang dần tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế trong khi lãnh thổ nước này tiếp tục bị chia cắt.

Iran lợi dụng Nga rút quân khỏi miền Nam để mở rộng ảnh hưởng, trong khi cộng đồng người Kurd phải trả giá cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ấm lên.

Bất chấp việc phải chịu trách nhiệm cho cái chết của khoảng 400.000 người kể từ khi nổ ra chiến tranh năm 2011, ông Bashar al-Assad bắt đầu nối lại quan hệ với đa số quốc gia Arab, trong khi cuộc chiến Syria đang bị đóng băng và chưa thấy triển vọng cho một lối thoát bền vững.

Các nhóm thân Iran ở miền Nam tồn tại nhờ bất ổn?

Được triển khai đến Syria trong khuôn khổ thỏa thuận hòa giải giữa chính phủ Bashar al-Assad và phe đối lập ở miền Nam, lực lượng cảnh sát quân sự Nga, đa số là các đơn vị người Chesnia theo Hồi giáo, đã giảm bớt quân số trong vài tháng gần đây nhưng vẫn chưa rời hoàn toàn khu vực biên giới giáp Jordan.

Khoảng trống do Nga tạo ra nhanh chóng được các nhóm vũ trang thân Iran, bao gồm các chiến binh người Iraq, Afghanistan và Hezbollah và các đơn vị thuộc sư đoàn 4 quân đội Syria do Maher al-Assad, em trai của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ huy.

[Phụ nữ Syria chữa lành tâm hồn bằng nghệ thuật từ vải vụn]

Jordan và Israel rất lo ngại về thực trạng mới này. Một nguồn tin an ninh tại Amman cho biết lực lượng Al Qods của Iran đã triển khai khoảng 40 người cùng trang bị vũ khí hạng nhẹ và các phương tiện bay không người lái (UAV) tại ba vị trí cách biên giới Syria khoảng 10km.

Một nguồn tin an ninh cho biết do biết rõ đang bị Israel giám sát chặt chẽ, các đơn vị Al Qods đều mang quân phục của chế độ Syria.

Đầu mùa Hè, nhiều phái đoàn Nga đã đến thăm thành phố Daraa và Sweida để tái khởi động tiến trình hòa giải chính quyền Damascus và phe nổi dậy, dường như những động thái này đã cho kết quả tích cực. Điều đó cho thấy chính quyền Assad hiện ít cần lính Nga trên thực địa.

Một nhà ngoại giao Arab cho biết những nơi có quân Nga triển khai, tình hình êm ả hơn, người dân đỡ bị quấy rối hơn là những làng mạc nằm trong vòng kiểm soát của sư đoàn 4 và lực lượng thân Iran.

Mặt khác, những đối tượng nổi dậy trước đây không được Nga trả tiền vì từ chối sang tham chiến ở Liban, nay được chính quyền Damascus bảo đảm.

Một nguy cơ khác là sự trở lại của một số tổ chức khủng bố Hồi giáo, chẳng hạn nhóm Hurras al-Dine từ Jordan quay lại căn cứ địa Idlib tại vùng Tây Bắc bất chấp việc chúng vẫn chịu áp lực rất lớn từ phe Hayat Tahrir al-Cham (Tổ chức giải phóng vùng Levant), tổ chức bị đa số nước phương Tây xếp vào danh sách khủng bố.

Hurras có khoảng 200 tay súng, đang tìm kiếm cơ hội thiết lập căn cứ địa mới. Jordan lo ngại chúng sẽ xâm nhập trở lại nước họ. Nói cách khác, miền Nam Syria vẫn đang bất ổn.

Theo một nhà ngoại giao Arab, năm 2021 đã có 250 người thiệt mạng do các cuộc thanh toán lẫn nhau, còn năm nay, đến lượt nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn vì hạn hán, làm phần lớn vụ mùa lúa mì thất thu.

Người Kurd thành nạn nhân của sự cải thiện quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Syria?

Người Kurd ở Đông Bắc Syria là mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công bằng UAV của Ankara.

Theo một nhà ngoại giao Liên hợp quốc, hiện nay cả Nga và Mỹ “chưa bật đèn xanh để Thổ Nhĩ Kỳ phát động một cuộc tấn công quân sự mới. Nhưng Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều nhất trí rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục tấn công bằng UAV nhằm vào các vị trí của người Kurd.”

Theo người này, “ngay cả phía người Kurd, một số cho rằng Mỹ cung cấp vị trí đóng quân và lịch trình di chuyển của các thủ lĩnh của họ” cho phía Thổ Nhĩ Kỳ. Giống như phần lớn chuyên gia nghiên cứu, ông cho rằng người Kurd, đồng minh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống IS, sẽ là những người mất mát nhiều nhất nếu như tiến trình xích lại gần nhau giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria được đẩy nhanh trong thời gian tới.

Nhà phân tích tình hình Syria Fabrice Balanche, Đại học Lyon 2 (Pháp), khẳng định: “Mỹ đã cam kết với Tổng thống Erdogan rằng họ sẽ thúc đẩy lãnh đạo địa phương người Kurd "đuổi" các quan chức của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) về căn cứ địa của lực lượng này tại Kandil (Iraq).”

Nhưng PKK - bị Mỹ và EU coi là tổ chức khủng bố - không chấp nhận, còn ban lãnh đạo lực lượng người Kurd ở Syria thì không có cách gì để ép những người này rời đi.

Dân Kurd dường như kiên quyết lựa chọn giấc mơ tự chủ. Ông Fabrice Balanche cho biết: “Đầu năm nay, khi tôi đến vùng này, nhiều người Kurd nói rằng ưu tiên của họ là ở lại vùng đất của mình. Họ thấy người Kurd ở Afrine (thành phố Tây Nam Syria) bị quân Thổ Nhĩ Kỳ xua đuổi. Họ rất sợ.”

Lãnh đạo cộng đồng người Kurd chưa bao giờ cắt đứt quan hệ với Damascus, họ lo ngại sự hiện diện của người Mỹ sẽ chấm dứt, đặt họ vào thế đối mặt với Nga.

Số phận của thành lũy Idlib của phe nổi dậy là địa phương cuối cùng nằm trong vòng kiểm soát của lực lượng Hồi giáo cực đoan, hiện được chính quyền Damas và Nga tìm cách chiêu dụ.

Tại đây, nhóm Hayat Tahrir al-Cham (HTS) là tổ chức mạnh nhất. Từ khi bị sa lầy tại Ukraine, Nga không còn quan tâm đến việc mở một cuộc tấn công mới để giành Idlib.

Ngược lại, lực lượng này đang hy vọng được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Hayat Tahrir al-Cham thực chất do tình báo Thổ Nhĩ Kỳ giật dây để chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan khác gần gũi với al-Qaeda như Hurras ad-Dine hay đảng Hồi giáo Turkestan của người Duy Ngô Nhĩ.

Với bàn tay sắt, HTS “cai quản” khá nhiều thành phần Hồi giáo cực đoan nước ngoài, trong đó có từ 130-150 người Pháp, dạt về khu vực để nương náu sau khi IS thất bại ở miền Đông.

Thỏa thuận ngừng bắn Nga-Thổ năm 2020, nhằm triển khai các đơn vị tuần tra hỗn hợp trên trục xa lộ chiến lược Aleppo-Lattaquie, trên thực tế vẫn chỉ nằm trên giấy.

Các khu vực xung quanh Idlib vẫn thường xuyên bị quân chính phủ không kích.

Đến nay, Damascus và Moskva chưa từ bỏ ý đinh giành lại quyền kiểm soát tuyến đường. Theo một quan chức ngoại giao Liên hợp quốc, Mỹ đang cố gắng thúc đẩy ở vùng Tây Nam (do phe Hồi giáo chi phối) kết hợp với vùng Đông Bắc (thuộc về người Kurd) bằng cách khuyến khích doanh nhân hai nơi trao đổi với nhau để củng cố sự tự chủ của hai địa phương.

Liệu Tổng thống Assad có thể được quốc tế thừa nhận trở lại?

Sau khi đánh bại các đối thủ, về mặt chính trị Bashar al-Assad đang ở thế mạnh hơn nhiều so với trước đây.

Nhưng về kinh tế thì ngược lại, tình hình rất bi đát khi người dân chịu khốn khổ vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây không phải là ưu tiên của ông ta. Tổng thống Bashar al-Assad muốn có thêm nhiều nước giao lưu với ông ta. Sau Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đến lượt Bahrain nối lại quan hệ và trong tương lai gần sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nước Oman và Angeria trên thực tế chưa từng cắt liên lạc, trong khi Ai Cập, Jordan, Liban, Palestine và Iraq đã trao đổi trở lại với Assad từ vài năm trước. Về phía Israel, họ có thể hài lòng với một nước Syria mới trong đó ảnh hưởng của Iran giảm sút.

Bước đi sắp tới của Tổng thống Bashar al-Assad là thuyết phục Liên đoàn Arab để ông ta quay trở lại trong kỳ họp sắp tới dự kiến diễn ra tháng 11 năm nay.

Hiện Saudi Arabia và Qatar vẫn còn do dự. Ông Bashar al-Assad, giống như cha ông là Hafez, luôn biết cách khai thác mâu thuẫn trong nội bộ các liên minh nên đã đẩy mạnh tiếp xúc riêng với từng nước.

Mặt khác, nếu Mỹ-Iran ký được thỏa thuận hạt nhân mới, điều đó sẽ tác động đến Syria. Iran không rút khỏi Syria nhưng điều chỉnh sự can thiệp trên thực địa.

Còn Mỹ, gần đây đã mở kênh tiếp xúc trực tiếp với Damascus để tìm cách giải thoát nhà báo Austin Tice, người bị Damascus giam giữ 10 năm nay, có thể sẽ nhắm mắt làm ngơ cho những nước muốn xích lại gần ông Assad.

Trở ngại lớn nhất hiện nay là Quốc hội Mỹ vẫn phản đối kịch liệt mọi ý đồ nhằm cho phép Tổng thống Syria tái hội nhập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục