Chỉ trong vòng 3 ngày, một loạt sự kiện văn hóa-giải trí được cho là đình đám phải đối mặt với lệnh cấm hoặc bị tẩy chay do có liên quan đến hình ảnh “đường lưỡi bò.”
Trong thời kỳ bùng nổ các phương tiện thông tin giải trí, môi trường kinh doanh online, với sự hỗ trợ của vô số thiết bị và nền tảng mạng xã hội, sẽ khó có thể thống kê có bao nhiêu vụ hay số lần người tiêu dùng, khán giả Việt vô tình bị “ngộ độc” bởi những hình ảnh “đường lưỡi bò” liên tiếp xuất hiện theo cái cách đầy kỹ xảo.
Khi thì núp vào dưới bóng những cảnh phim rời rạc, cách xa nhau theo kiểu thoắt ẩn, thoắt hiện như ở bộ phim truyền hình lê thê "Flight to you" (tựa Việt: Hướng gió mà đi). Khi thì tình cờ trên trang web nhà tổ chức show diễn theo trường phái "tưởng phải mà không phải, tưởng không phải lại là phải..." để nhờ sự hào nhoáng và đình đám của thương hiệu BlackPink có thể che khuất tầm mắt... Hoặc như ở một thế giới không có thật, ngắt đường 9 đoạn thành 18, 21 khúc nhỏ...đầy ngây thơ, vô tội y như cô nàng búp bê Barbie yêu kiều.
['Đường lưỡi bò' xuất hiện nhiều lần trong phim 'Flight to you']
Khi những nền tảng mua sắm trực tuyến hiệu quả và có sức xuyên phá mọi đường biên giới, vào một ngày đẹp trời, ai đó trong chính chúng ta cũng có thể vô tình nhận được bao bì một vật phẩm có in hình đường chín đoạn phi pháp mà khi đặt mua, chốt đơn trên mạng không thể nhìn thấy được.
Cần phải khẳng định, việc quảng bá sử dụng các ấn phẩm, sản phẩm có 'đường 9 đoạn' tại Việt Nam là vi phạm pháp luật và không được chấp nhận tại Việt Nam", như lời khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/7 vừa qua.
Trở lại với BlackPink, nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất thế hệ thứ 3 K-pop và cũng được công nhận là nghệ sỹ Hàn Quốc có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Sau bảy năm ra mắt, BlackPink với 4 cô gái với tài năng âm nhạc, phong cách độc đáo đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ làn sóng Hallyu ra toàn thế giới.
Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, BlackPink đã trở thành nhóm nhạc nữ được nghe nhiều nhất trong lịch sử trên nền tảng Spotify. Nói một cách khác, sự lan tỏa của làn sóng K-pop cũng được nhìn nhận như thước đo về phát triển kinh tế-xã hội, sự hội nhập văn hóa toàn cầu.
[Ban Tổ chức chương trình của BlackPink phản hồi vụ ‘đường lưỡi bò’]
Không cần nhắc lại sức thu hút như “chất gây nghiện” tại Việt Nam của ban nhạc này sau khi có thông tin BlackPink lưu diễn tại Việt Nam vào cuối tháng Bảy. Tuổi trẻ, không ai cấm sự đam mê, được ngưỡng mộ thần tượng và hướng đến những gì đẹp đẽ nhất trong cuộc sống, nhưng trên tất cả, chủ quyền quốc gia là điều thiêng liêng nhất với mỗi cá nhân và không bao giờ cho phép ai đánh đổi.
Tuy nhiên, sẽ là điều gây tranh cãi rất nguy hiểm với ý kiến cho rằng giới trẻ đang bị buộc phải chọn, giữa chủ quyền quốc gia (đầy mơ hồ) và nhu cầu chính đáng của cá nhân. Điều quan trọng nhất là sự tỉnh táo và ý thức cao độ về chủ quyền dân tộc, thay vì cáo buộc những ai muốn tham dự buổi biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc là “không yêu nước”.
Dưới góc độ pháp lý, lời giải thích hôm 6/7 của đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Âm nhạc IME (IME Vietnam) – đơn vị tổ chức show diễn của BlackPink – rằng bản đồ trên website chính thức của chương trình có “đường lưỡi bò” chỉ là “sự hiểu lầm” sẽ gây ngộ nhận nghiêm trọng cho công chúng. Một công ty đa giải trí quốc gia được thành lập năm 2006 với 11 văn phòng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khắp châu Á không thể không có sự nghiên cứu và hiểu biết pháp luật tối thiểu tại một thị trường cỡ trăm triệu dân như Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí rằng trang website lan truyền hình ảnh bản đồ là website chung liên kết của các văn phòng khu vực tại châu Á và không phải là website chính thức của IME Vietnam, hay cách nói “IME sẽ nhanh chóng rà soát và cam kết thay thế những hình ảnh không phù hợp với người dân Việt Nam” thực sự là kiểu diễn giải “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.”
Trong trường hợp phim Barbie bị Cục Điện ảnh cấm chiếu tại Việt Nam, hành vi kiểm duyệt của Việt Nam đã tạo ra hiệu ứng tốt cho nỗ lực bảo vệ chủ quyền. Việt Nam không chấp nhận những phim nhập nhằng trong quan điểm về chủ quyền lãnh thổ, như lời khẳng định của Tiến sỹ Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim Quốc gia Việt Nam.
Sau khi cơ quan quản lý Việt Nam công bố về quyết định cấm phim sáng ngày 3/7, báo chí nước ngoài như The Guardian, Variety, CNN, BBC... đã đồng loạt đưa tin. Những động thái này đã có thể giúp Việt Nam phần nào truyền tải thông điệp cho toàn thế giới, rằng chúng ta không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, một lần nữa củng cố vị trí pháp lý và bằng chứng từ phía Việt Nam trong lịch sử đối mặt với yêu sách biển Đông từ Bắc Kinh.
Đáng mừng trong trong vài năm trở lại đây, rất nhiều vụ hình ảnh đường lưỡi bò “thoắt ẩn, thoắt hiện” trên một số tựa game, phim ảnh, fanpage… đã bị cộng đồng mạng Việt Nam phát hiện và bóc trần (như vụ website tiếng Trung của thương hiệu H&M, Louis Vuiton, Gucci, UNIQLO, Channel vào tháng 4/2021…; trò game di động Purrfect Tale của nhà phát triển BadMouse hồi tháng 8/2021).
Điều đó cho thấy sức mạnh to lớn của cộng đồng mạng Việt Nam, ý thức về chủ quyền biển đảo đất nước trong đông đảo lớp trẻ đã được nâng cao rõ rệt và điều này là vô cùng quan trọng thời đại thông tin bùng nổ như vũ bão hiện nay.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước không chỉ là nhiệm vụ của những cán bộ ngoại giao, hay các lực lượng đang ngày đêm ghì chắc tay súng trên khắp nẻo biên cương của Tổ Quốc mà còn ở mỗi công dân, họ cần sự tỉnh táo và dứt khoát trong bất kỳ sự kiện thông tin nào trên không gian mạng, khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Trong thời điểm này, nó được ví như “cuộc chiến không tiếng súng” trên các xa lộ thông tin./.