Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc không có vùng cấm

Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, bao phủ toàn diện, không khoan nhượng, kiên định “đả hổ, diệt ruồi,” “săn cáo,” đan chặt chiếc lồng “3 không”.
Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc không có vùng cấm ảnh 1Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: THX/TTXVN)

Báo cáo chính trị được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) Tập Cận Bình trình bày tại Đại hội XIX đã nhấn mạnh vấn nạn tham nhũng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền tảng cầm quyền của CPC.

Mặc dù Trung Quốc đã giành được những thắng lợi quan trọng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng song tình hình hiện nay vẫn còn hết sức cam go và phức tạp. Chính vì vậy, CPC sẽ tiếp tục kiên trì chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, bao phủ toàn diện, không khoan nhượng, kiên định “đả hổ,” “diệt ruồi,” “săn cáo,” đan chặt chiếc lồng “ba không” (không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng - PV), quyết tâm truy bắt và trừng trị mọi phần tử tham nhũng...

Sau khi Đại hội XIX kết thúc, toàn bộ hệ thống chính trị của Trung Quốc ngay lập tức bắt tay hiện thực hóa cam kết của CPC về đi sâu triển khai toàn diện công tác đấu tranh ngặn chặn và đẩy lùi tham nhũng ở cả hai mặt “phòng” và “chống” với quyết tâm tiếp tục duy trì trạng thái áp lực cao.

Không dừng tay với “hổ lớn”

Trái ngược với một số nghi ngờ của dư luận về sự “chùn tay” của CPC trong công tác đấu tranh chống tham nhũng sau Đại hội XIX, Trung Quốc thời gian qua đã đưa một loạt “hổ lớn” ra trước ánh sáng của kỷ luật và công lý.

Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ sau Đại hội XIX đến nay đã có trên 30 trường hợp quan chức ở cả cấp trung ương và địa phương bị chính thức tuyên bố điều tra hoặc thi hành kỷ luật, điển hình là Lỗ Vĩ - Phó Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Lưu Bắc Hiến - nguyên Tổng Biên tập China News Services (cơ quan truyền thông nhà nước lớn thứ hai của Trung Quốc sau Tân Hoa xã), Trương Dương (đã tự sát) - nguyên Chủ nhiệm Chính tri Quân ủy Trung ương, Lưu Cường - Phó Tỉnh trưởng Liêu Ninh...

Đẩy mạnh giám sát

Cơ chế giám sát được coi là “kiếm sắc,” là một trong những công cụ hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng của CPC. Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) khóa XII ngày 4/11/2017 đã thông qua nghị quyết mở rộng công tác thí điểm cải cách hệ thống giám sát quốc gia từ ba địa phương hiện nay - gồm Bắc Kinh, Chiết Giang và Sơn Tây - ra quy mô toàn quốc, trong đó các ủy ban giám sát mới sẽ được đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của CPC và thực hiện công tác giám sát toàn diện đối với toàn bộ đội ngũ công chức và nhân viên tại các cơ quan công quyền.

[Trung Quốc truy bắt hàng nghìn quan tham chạy trốn ra nước ngoài]

Đi sâu cải cách hệ thống giám sát quốc gia và mở rộng công tác thí điểm trên quy mô toàn quốc là sự bố trí chiến lược quan trọng đã được đề ra tại Đại hội XIX. Đây là yêu cầu tất yếu của quá trình đi sâu thực hiện chủ trương “trị Đảng nghiêm minh toàn diện” và giành được thắng lợi mang tính áp đảo trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công tác thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản lý đất nước của CPC.

Nếu quyết tâm đưa “hổ và ruồi” ra ánh sáng được coi là đại diện cho mặt “chống”, thì nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia chính là lát cắt tiêu biểu cho mặt “phòng”trong công tác đấu tranh với vấn nạn tham nhũng của Trung Quốc trong thời gian qua.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc không có vùng cấm ảnh 2Toàn cảnh phiên bế mạc Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 24/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các dự án hỗ trợ thoát nghèo - trọng tâm của công tác chống tham nhũng

Hỗ trợ thoát nghèo là một bộ phận quan trọng của mục tiêu xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những lĩnh vực công tác có tình trạng tham nhũng xảy ra một cách hết sức phổ biến, gây bức xúc lớn trong dư luận quần chúng nhân dân.

Trước tình hình này, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) Triệu Lạc Tế trong chuyến thị sát tỉnh Phúc Kiến trong tháng 12/2017 đã nhấn mạnh tới quyết tâm trấn áp mạnh tay đối với những hành vi tham nhũng và vi phạm kỷ luật trong các dự án hỗ trợ thoát nghèo.

CCDI cũng đã yêu cầu cơ quan kiểm tra kỷ luật các cấp trong thời gian tới cần phải bám sát “Phương án công tác liên quan hoạt động triển khai xử lý các vấn đề tham nhũng và tác phong trong lĩnh vực hỗ trợ thoát nghèo, giai đoạn 2018-2020” để đẩy mạnh hoạt động giám sát đối với các quỹ hỗ trợ sinh kế, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và những dự án hỗ trợ thoát nghèo khác, đồng thời đưa ra những hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các cán bộ tham ô và chiếm đoạt quỹ, đưa và nhận hối lộ, làm giả báo cáo để chiếm đoạt tiền hỗ trợ…, trong lĩnh vực hỗ trợ thoát nghèo.

Trước đó, CCDI ngày 14/12/2017 đã công bố danh sách về​ 8 vụ tham nhũng điển hình trong lĩnh vực hỗ trợ thoát nghèo.

Theo CCDI, 27 cán bộ, đã nghỉ hưu và đương nhiệm, liên quan tới tám vụ việc nói trên đã thực hiện những hành vi như tham ô quỹ hỗ trợ sinh kế, làm giả báo cáo để chiếm đoạt trái phép tiền trợ cấp hoặc quỹ hỗ trợ sinh kế phục vụ hoạt động cải tạo nhà cửa cũ nát, và ngăn chặn người nông dân tiếp cận với các khoản trợ cấp xã hội. Các cán bộ này đều phải nhận những hình thức kỷ luật hết sức nghiêm khắc.

Không ngừng mở rộng “Lưới trời”

Số liệu thống kê chính thức cho thấy kể từ năm 2014 đến giữa tháng 10/2017, thông qua chiến dịch “Lưới trời” (Sky Net), Trung Quốc đã truy bắt được 3.453 phần tử tham nhũng lẩn trốn tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về nước quy án, và thu hồi 9,5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,44 tỷ USD).

Bên cạnh đó, nước này đến nay đã phê chuẩn và tham gia nhiều công ước quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự chẳng hạn như “Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng” và “Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”; ký kết 54 hiệp định song phương có liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc không có vùng cấm ảnh 3Liu Changkai, một trong những nhân vật bị truy nã gắt gao ở Trung Quốc, bị cảnh sát áp giải về Trung Quốc để xét xử. (Nguồn: Global Times/TTXVN)

Tuy nhiên, quá trình triển khai quan hệ hợp tác trấn áp tội phạm xuyên quốc gia giữa Trung Quốc với các nước khác vẫn tồn tại một số rào cản về chế độ, chẳng hạn như nền tảng pháp lý trong nước phục vụ việc thực thi các điều ước quốc tế còn chưa đầy đủ, ý thức và năng lực của các cơ quan tư pháp nước này trong việc chủ động vận dụng điều ước để triển khai hợp tác quốc tế cũng chưa đủ mạnh, công tác phối hợp truy bắt các nghi phạm tham nhũng tại những “miền đất hứa” của các đối tượng này như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Australia và New Zealand đến nay hầu như chưa có nhiều kết quả rõ nét…

Kỳ họp lần thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa XII ngày 22/12/2017 đã lần đầu tiên đưa ra thảo luận về dự luật tương trợ tư pháp hình sự quốc tế nhằm mục đích tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác truy bắt các nghi phạm lẩn trốn ở nước ngoài và thu hồi tài sản phi pháp.

Theo bà Phó Doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại NPC, “Luật tương trợ tư pháp hình sự quốc tế” là một nội dung quan trọng trong công tác lập pháp chống tham nhũng của Trung Quốc. Luật mới, sau khi được thông qua và đi vào triển khai, sẽ giúp giải quyết hiệu quả về mặt chế độ đối với những “nút thắt cổ chai” nói trên, đồng thời tạo ra nền tảng pháp lý để Trung Quốc thực thi những nghĩa vụ được quy định trong các điều ước quốc tế.

Có thể khẳng định rằng quyết tâm triển khai toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong toàn bộ hệ thống cơ quan, tổ chức của Đảng và chính quyền các cấp là một lựa chọn hết sức đúng đắn của CPC.

Cuộc chiến không khoan nhượng này đã và đang góp phần tích cực tạo ra những chuyển biến rõ nét về môi trường chính trị, nâng cao sức hiệu triệu và sức chiến đấu của CPC, giữ ổn định và củng cố vị thế lãnh đạo của CPC đối với đất nước.

Kết quả trong cuộc khảo sát do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tiến hành vào năm 2016 cho thấy tỷ lệ hài lòng của người dân nước này đối với công tác xây dựng tác phong, tinh thần liêm chính và chống tham nhũng của CPC đã tăng lên mức 92,9%, cao hơn rõ rệt so với 81% của năm 2013./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục