Cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu ngày càng gian nan

Lạm phát đang chậm lại ở nhiều nước sau nhiều đợt nâng lãi suất trong hơn một năm qua, nhưng lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2% mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đặt ra.
Cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu ngày càng gian nan ảnh 1Người dân mua sắm tại chợ ở Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang phát đi một thông điệp: Nếu chậm chân, các ngân hàng trung ương sẽ không thể giành phần thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Sau khi bất ngờ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm hồi tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Andrew Bailey nhận định: “Nếu chúng ta không nâng lãi suất bây giờ, tình trạng lạm phát cao sẽ kéo dài lâu hơn.”

Dù lạm phát đang chậm lại ở nhiều nước sau nhiều đợt nâng lãi suất trong hơn một năm qua, nhưng lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2% mà nhiều ngân hàng trung ương đặt ra.

Nâng lãi suất là công cụ chủ yếu mà các ngân hàng trung ương có để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng có một độ trễ ít nhất 12 tháng từ lúc ngân hàng trung ương hành động cho đến khi hành động đó phát huy tác dụng lên nền kinh tế.

[Chủ tịch Lagarde: Cuộc chiến chống lạm phát của ECB chưa có hồi kết]

Đó là lý do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Sáu sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng Ba năm ngoái.

Nhưng nhiều quan chức Fed phát đi tín hiệu rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng lên vào tháng tới, vì cùng giống như ông Bailey, Fed không muốn đứng trước nguy cơ mất khả năng kiểm soát lạm phát nếu không hành động ngay từ bây giờ.

Một trong những lý do các ngân hàng trung ương gặp khó khăn trong kiềm chế lạm phát là nhiều khu vực nhất định của nền kinh tế đang không phản ứng với việc tăng lãi suất.

Ví dụ, giá dịch vụ tại Mỹ, không tính năng lượng, trong tháng Năm tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 5,2% ghi nhận vào tháng 5/2022, cho thấy xu hướng tăng giá trong lĩnh vực dịch vụ vẫn kéo dài.

Khi lạm phát trở nên dai dẳng hơn, các ngân hàng trung ương sẽ càng khó để kiềm chế.

Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Vấn đề chỉ là các ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng để nền kinh tế chịu bao nhiêu tổn thất từ việc tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức mong muốn.

Ông Michael Bordo, Giáo sư kinh tế kiêm giám đốc Trung tâm Lịch sử Tài chính và Tiền tệ của Đại học Rutgers, cho rằng việc mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định này cũng có những hậu quả của nó.

Theo ông, “càng chờ lâu, các ngân hàng trung ương sẽ càng phải thắt chặt nhiều hơn để kìm hãm lạm phát,” vì nghiên cứu chỉ ra rằng nếu không được giải quyết, lạm phát có thể dai dẳng hơn và các ngân hàng trung ương sẽ càng khó kiểm soát bằng việc nâng lãi suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục