Sau hơn một tháng từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên (ngày 5/5), dưới sự trợ giúp từ Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và sự vào cuộc chủ động, quyết liệt, sáng tạo của các cấp chính quyền, đến nay, tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh cơ bản được khống chế.
Bắc Ninh đang tổng tiến công, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh trong khoảng 10 ngày tới.
40 ngày khống chế
Ngay sau khi phát hiện bệnh nhân COVID-19 đầu tiên trong đợt này tại thị xã Từ Sơn và huyện Lương Tài liên quan đến ổ dịch ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), Bắc Ninh khẩn trương truy vết những người từng đến, đi từ ổ dịch bệnh viện này, liên tiếp phát hiện các ca mắc tại huyện Tiên Du và chùm lây nhiễm ở xã Mão Điền (huyện Thuận Thành).
Tỉnh đã tập trung cao độ cho việc khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly dập dịch.
Xác định tính chất phức tạp khi số ca mắc tại chùm lây nhiễm Mão Điền liên tục tăng nhanh, trở thành ổ dịch, Bắc Ninh đã mời chuyên gia của Bộ Y tế giàu kinh nghiệm để tư vấn, giúp địa phương có hướng đi đúng.
Với phương châm "khoanh vùng diện rộng, cách ly diện hẹp," "thần tốc truy vết, thần tốc lấy mẫu, xét nghiệm nhanh và trả kết quả sớm," tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh... đến nay, Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn có tính chất quyết định trong cuộc chiến chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết đợt dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh hết sức đặc biệt và khác với những địa phương khác, đó là Bắc Ninh có 2 "đợt sóng" lây nhiễm liên tiếp xảy ra trên địa bàn.
"Đợt sóng" thứ nhất vào ngày 5/5, khi tỉnh phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên tại thị xã Từ Sơn và huyện Lương Tài, sau đó là ở xã Mão Điền (huyện Thuận Thành) liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Đặc biệt, ổ dịch tại xã Mão Điền khá phức tạp do được ghi nhận trong bối cảnh sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, trong khu tổ chức nhiều đám cưới, đám giỗ, cuộc gặp mặt, liên hoan…
Bên cạnh đó, Bắc Ninh có mật độ dân số đông, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp thu hút gần 450.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành trên cả nước, một số ca mắc không có triệu chứng, thời gian ủ bệnh ngắn... Bởi vậy, công tác khoanh vùng, dập dịch rất vất vả. Đây là yếu tố khiến ổ dịch Thuận Thành phát ra lớn, đến nay, ghi nhận gần 600 ca bệnh.
Trong khi Bắc Ninh đang dồn sức chống dịch tại Thuận Thành, triển khai giải pháp bảo vệ khu công nghiệp thì "đợt sóng" thứ 2 xuất hiện liên quan đến ổ dịch ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Ngay khi đó, tỉnh tập trung rà soát được hơn 30.000 công nhân của Bắc Giang làm việc, đi lại hằng ngày tới Bắc Ninh và trên 3.000 công nhân từ Bắc Ninh sang Bắc Giang.
Khác với Bắc Giang, dịch xảy ra chủ yếu trong các khu công nghiệp, tại Bắc Ninh do đặc thù khu công nghiệp và dân cư đan xen nên dịch bệnh có sự chuyển dịch từ khu dân cư sang khu công nghiệp.
Đến nay, tỷ lệ bệnh nhân trong các khu dân cư chiếm 77% và trong khu công nghiệp chiếm 23%. Tỉnh đang tập trung lực lượng dập dịch tại hai "trận tuyến" này.
Mặc dù cuộc chiến chống dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn nhưng với "chỗ dựa vững chắc" về chuyên môn và tinh thần của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch tại tỉnh cùng sự vào cuộc mạnh mẽ, chung sức, đồng lòng của toàn tỉnh, đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết thực tế để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, tỉnh đã phát huy tốt vai trò của các Tổ COVID-19 cộng đồng, tạo thế trận phòng dịch trong cộng đồng dân cư và khu công nghiệp. Cùng với việc truy vết, khoanh vùng, chiến thuật thần tốc trong xét nghiệm đã cách ly kịp thời, không tạo sự lây lan lớn trong cộng đồng.
Thực tế, đến nay, mỗi ngày, Bắc Ninh đều ghi nhận các ca mắc mới nhưng chủ yếu là những trường hợp đã được cách ly hoặc trong vùng phong tỏa, ít khả năng lây lan.
Từ việc tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với 4 trong tổng số 8 huyện, thành phố, thị xã và thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương còn lại, phong tỏa hơn 100 thôn, làng, khu dân cư, đến nay, chỉ còn thành phố Bắc Ninh, một số địa phương thuộc các huyện Quế Võ, Thuận Thành áp dụng theo Chỉ thị số 16.
Ngoài ra, tỉnh đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg đối với huyện Yên Phong; áp dụng theo Chỉ thị 19 đối với hai huyện Lương Tài, Tiên Du... Hàng chục thôn, làng, khu phố được gỡ bỏ phong tỏa..., Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Thực hiện "mục tiêu kép"
Bắc Ninh gặp nhiều khó khăn khi ghi nhận ca mắc COVID-19 lây lan từ khu dân cư vào các khu công nghiệp. Lúc này, nếu để các doanh nghiệp hoạt động bình thường nguy cơ lây lan từ khu dân cư vào doanh nghiệp và từ doanh nghiệp vào khu dân cư khi người lao động về nơi lưu trú là rất lớn. Tuy nhiên, nếu "đóng băng" khu công nghiệp để dập dịch hiệu quả, các doanh nghiệp sẽ thiệt hại nặng nề, "đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng," thậm chí khó phục hồi sau dịch...
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đầu tháng 6/2021, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn, tiêu biểu.
Cụ thể, tỉnh tháo gỡ khó khăn cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Việt Nam, đưa 4.600 người lao động là người Bắc Giang sang làm việc tại Bắc Ninh sau 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Bắc Ninh đề xuất với Chính phủ chỉ đạo tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện cho chuỗi các công ty vệ tinh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Việt Nam hoạt động trở lại.
Bắc Ninh kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp có ca mắc, xử lý khoanh vùng, làm sạch cho doanh nghiệp quay trở lại sản xuất nhanh nhất như, đưa người lao động của phân xưởng khác để thay thế, khôi phục sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp xuất, nhập, lưu thông hàng hóa trong các khu công nghiệp…
Song song với đó, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ và đưa ra quyết định "chưa có tiền lệ" là yêu cầu doanh nghiệp bố trí công nhân lưu trú làm việc tại các nhà máy trên địa bàn; quản lý chặt chẽ công nhân trong nhà máy và những lao động khác được theo dõi, giám sát như các trường hợp F2. Chủ trương này nhanh chóng được doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.
[Bắc Ninh: Thêm nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh]
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, để triển khai theo phương án này, các doanh nghiệp giảm tối thiểu 50% người lao động làm việc và đảm bảo điều kiện để công nhân có thể ăn, ở sinh hoạt tại nhà máy. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết tất cả những người ra vào công ty đều phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch; giảm số lượng công nhân, tổ chức test nhanh, nếu âm tính mới cho vào làm việc.
Sau 3 ngày, công nhân sẽ phải được xét nghiệm bằng PCR. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về chỗ ở, tỉnh đã rà soát toàn bộ trường học, khu nhà ở bố trí chỗ ở tạm thời cho công nhân.
Tỉnh đã thành lập nhóm Zalo "Nhóm thông tin COVID các khu công nghiệp Bắc Ninh" với 1.000 thành viên và nhóm Zalo của từng khu công nghiệp để thuận lợi trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành các doanh nghiệp. Bắc Ninh thiết lập hệ thống Zoom Meeting để thực hiện họp online với tất cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc họp nhóm với từng khu công nghiệp để triển khai các chỉ đạo, lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp một cách nhanh nhất...
Về việc phòng, chống dịch bệnh trong các khu nhà trọ của công nhân, tỉnh giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện quản lý chặt chẽ tất cả khu nhà trọ trên địa bàn, thành lập Tổ an toàn COVID tại các nhà trọ, xây dựng phương án cách ly công nhân ở khu nhà trọ.
Để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, Bắc Ninh đã thành lập 40 tổ công tác kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện an toàn phòng, chống dịch tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Chiến dịch tổng tiến công
Từ triển khai truy vết, khoanh vùng, dập dịch, căn cứ tình hình cụ thể, Bắc Ninh linh hoạt, sáng tạo trong điều chỉnh "sách lược" phù hợp. Đến nay, tỉnh đang chuyển sang giai đoạn tổng tấn công dập dịch. Trước mắt là những ổ dịch lớn tại Thuận Thành, thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ, trong đó, xét nghiệm, sàng lọc toàn dân là giải pháp tích cực. Dự kiến, đến hết ngày 15/6, tỉnh sẽ xét nghiệm sàng lọc hết ở các địa bàn này.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, trên cơ sở từng nhóm cộng đồng nguy cơ khác nhau, địa phương có phương án lấy mẫu xét nghiệm cụ thể.
Các thôn có ca mắc COVID-19 trong vòng 7 ngày được coi là có nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 3 đợt vào các ngày 1, 4, 7, lấy mẫu toàn dân gộp theo hộ gia đình để kịp thời phát hiện ca mắc mới đưa đi điều trị, thực hiện truy vết người tiếp xúc gần F1, F2, cách ly theo quy định. Các địa phương này đồng thời vẫn triển khai các biện pháp như phong tỏa và thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Các địa điểm có nguy cơ thấp hơn, tỉnh sẽ lấy mẫu xét nghiệm 2 đợt vào ngày 1 và 7. Các thôn trong 14 ngày không có ca mắc được xét nghiệm 1 đợt, hình thức lấy mẫu xét nghiệm là mẫu gộp theo hộ gia đình.
"Riêng với những thôn, xã chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 tỉnh sẽ triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc nhưng chỉ lấy mẫu đại diện một người trong hộ gia đình để làm xét nghiệm. Năng lực xét nghiệm của tỉnh hiện đạt trên 10.000 mẫu đơn và trên 100.000 mẫu nếu xét nghiệm gộp 10, Bắc Ninh sẽ sàng lọc kỹ, triệt để, nhanh chóng xác định nguồn lây để có biện pháp dập dịch kịp thời. Dự kiến, khoảng 10 ngày tới, Bắc Ninh cơ bản chấm dứt tình trạng dịch lây lan, sớm ổn định tình hình," Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm.
Song song với công tác xét nghiệm, tỉnh tập trung nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19. Đây được coi là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, để chủ động đối phó với tình hình dịch bệnh, tỉnh đã xây dựng kịch bản đáp ứng từng yêu cầu cụ thể.
Tỉnh xây dựng các bệnh viện dã chiến đáp ứng nhu cầu 1.600 giường bệnh và đưa vào vận hành khu điều trị tích cực (ICU) với 150 giường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đó phân loại bệnh nhân có triệu trứng nhẹ và vừa sẽ điều trị tại bệnh viện dã chiến và bệnh nhân có triệu trứng nặng hơn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tỉnh ưu tiên đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Tính đến nay, Bắc Ninh đã có hơn 500 bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện, đạt 33% so với tổng số bệnh nhân điều trị, bệnh nhân nặng diễn biến xấu và chuyển tuyến trên giảm.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, đồng thời với nhiệm vụ phòng, chống dịch, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện "mục tiêu kép."
Tỉnh tiếp tục duy trì mô hình cho người lao động vừa sản xuất, vừa lưu trú. Với doanh nghiệp đã ổn định tình hình dịch bệnh, tỉnh tính đến phương án dần trở lại mô hình hoạt động bình thường đảm bảo số lao động trở lại làm việc 100%; đảm bảo người lao động không phải ăn ở tại doanh nghiệp mà về nơi lưu trú nhưng sẽ quản lý nghiêm ở nơi lưu trú, phải cách ly tại nhà.
Bắc Ninh khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục chăm lo điều kiện sinh hoạt cho công nhân ngay tại doanh nghiệp như tổ chức ăn sáng, ăn ca và ăn tối cho công nhân...
"Hiện nay, mặc dù dịch bệnh đã cơ bản được khống chế; tuy nhiên, nguy cơ luôn hiện hữu. Vì vậy, Bắc Ninh luôn đề cao cảnh giác, kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch. Bắc Ninh đề nghị Trung ương quan tâm cấp vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân, trước hết ưu tiên cho công nhân tại các khu công nghiệp. Đây mới là giải pháp lâu dài, căn cơ để tỉnh thực hiện mục tiêu kép," Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Vương Quốc Tuấn nêu rõ./.