Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hiện đã tăng lên hơn 120.000 người, khiến quốc gia Nam Á vượt qua Trung Quốc trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 11 thế giới và thứ hai châu Á, sau Iran.
Ngày 22/5, Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 6.500 ca nhiễm mới, số ca nhiễm mới tăng cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Diễn biến phức tạp này cho thấy Ấn Độ vẫn đối mặt với thách thức nặng nề phía trước dù quốc gia Nam Á đang thực hiện lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới để ngăn chặn virus lây lan.
Mặc dù ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên từ ngày 30/1 tại bang Kerela ở miền Nam, là sinh viên trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc, song có thể nói ở giai đoạn đầu, Ấn Độ đã kiểm soát được tình hình lây nhiễm nhờ áp dụng nhanh biện pháp ngăn chặn.
Ngày 2/2, Ấn Độ quyết định (có hiệu lực ngay lập tức) hủy tất cả thị thực đã được cấp cho công dân Trung Quốc và những người từng đến Trung Quốc trong 14 ngày trước đó. Cuối tháng Hais, quy định tương tự được áp dụng đối với công dân Iran và những người từng đến Iran trong vòng 28 ngày.
Trong thời gian tiếp theo, các biện pháp hạn chế thị thực và sàng lọc y tế tại sân bay được áp dụng đối công dân nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia… với các mức độ khác nhau.
Biện pháp hạn chế này khiến những nguồn bệnh đầu tiên chỉ xuất hiện tại miền Nam xa xôi của Ấn Độ và không tiếp tục lây lan. Các bệnh nhân đều được chữa khỏi và cuộc sống yên bình tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới vẫn kéo dài đến những ngày đầu tháng Ba, cho tới khi Ấn Độ liên tiếp ghi nhận 25 trường hợp dương tính mới trong các ngày 2, 3 và 4/3, chủ yếu liên quan tới một nhóm du khách đến từ Italy và những người tiếp xúc với họ.
Ngày 11/3, Ấn Độ hủy tất cả thị thực đã cấp đối với người nước ngoài và ngày 22/3 chính thức đóng cửa các chuyến bay quốc tế và cấm người nước ngoài nhập cảnh.
Ở trong nước, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng đã ngay lập tức hủy hoặc hoãn các sự kiện tập trung đông người, đóng cửa nhiều dịch vụ như cơ sở giáo dục, thể thao…. Sự kiện văn hóa lớn là lễ hội sắc màu Holi hồi trung tuần tháng Ba cũng đã không được tổ chức.
Cùng ngày 22/3 khi đóng cửa các chuyến bay quốc tế, Thủ tướng Modi kêu gọi toàn quốc giới nghiêm tự nguyện để hạn chế sự lây lan của virus. Ngày 25/3, Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, đóng cửa hầu như toàn bộ các hoạt động kinh tế xã hội và đi lại. Hơn thế, trước thời điểm này, hầu hết các bang cũng đã ban hành lệnh phong tỏa của riêng mình.
Cho đến nay, qua ba lần gia hạn, Ấn Độ đang bước vào giai đoạn bốn lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài tới ngày 31/5.
Những biện pháp trên cho thấy Chính phủ Ấn Độ đã rất quyết đoán trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với các quy định đều có hiệu lực ngay lập tức và mạnh mẽ.
[Ấn Độ sắp mở lại đường bay thương mại nội địa từ ngày 25/5 tới]
Là quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa từ rất sớm, khi số ca nhiễm bệnh chỉ là 519 người, làm 10 người tử vong - một tỷ lệ rất nhỏ so với quy mô dân số gần 1,4 tỷ dân, Thủ tướng Modi và chính phủ của ông tuyên bố đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên trên lợi ích kinh tế. Thực tế, Ấn Độ đã chấp nhận cái giá kinh tế phải trả khổng lồ.
Mỗi ngày phong tỏa, kinh tế Ấn Độ được đánh giá bị thiệt hại khoảng 4,64 tỷ USD và chỉ trong 21 ngày phong tỏa đầu tiên (25/3-14/4) nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 100 tỷ USD.
Thu ngân sách tại nhiều bang sụt giảm mạnh. Tháng 4/2020, thuế hàng hóa và dịch vụ GST - một nguồn thu ngân sách chính đã bị sụt giảm lên tới mức 80-90% so với cùng kỳ năm 2019 tại một số địa phương.
Tại thủ đô New Delhi, thuế GST tháng 4/2020 chỉ đạt 300 crore (khoảng 41 triệu USD) so với 3.500 crore hồi tháng 4/2019. Tương tự thu GST của bang Assam chỉ đạt 200 crore so với mức một nghìn crore trước đó một năm.
Lo ngại về sự sụt giảm mạnh nêu trên, chính quyền trung ương đã không công bố số liệu thu thuế GST toàn quốc trong tháng Tư, dù theo thông lệ điều này sẽ được thực hiện vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ tăng đột biến lên hơn 27% trong tuần kết thúc vào ngày 3/5, so với mức dưới 7% trước khi đại dịch bùng phát tại nước này hồi giữa tháng Ba.
Trung tâm theo dõi kinh tế Ấn Độ (CMIE) có trụ sở tại Mumbai cho biết tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở các khu vực thành thị với 29,22%, trong khi ở nông thôn là 26,69%. Chính phủ Ấn Độ đánh giá nợ xấu của các ngân hàng có thể tăng gấp đôi lên mức 18-20% tính đến cuối tài khóa hiện nay, khi 20-25% số nợ xấu đang đứng trước nguy cơ không thể hoàn trả. Hồi tháng 9/2019, các khoảng nợ xấu chỉ chiếm khoảng 9,1% tổng giá trị tài sản của các ngân hàng, tương đương khoảng 123 tỷ USD.
Các tổ chức tài chính và nghiên cứu quốc tế liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng của Ấn Độ. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 28/4 dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ năm 2020 chỉ là 0,2%, từ mức 2,5% đưa ra hồi tháng Ba.
Ngày 8/5 Moody's tiếp tục hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ xuống "0" với các nguy cơ tăng thâm hụt ngân sách, nợ công cao, cơ sở hạ tầng yếu kém và lĩnh vực tài chính mong manh. Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra dự báo tiêu cực hơn khi cho rằng GDP của Ấn Độ năm tài khóa hiện nay sẽ tăng trưởng âm 5%, thấp hơn so với tất cả các cuộc suy thoái mà Ấn Độ từng trải qua.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Modi khẳng định lệnh phong tỏa là để "cứu Ấn Độ" và là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nếu không xử lý tốt trong 21 ngày phong tỏa (giai đoạn một) đất nước Ấn Độ sẽ thụt lùi 21 năm.
Chính phủ Ấn Độ nhận thức rằng với quy mô dân số khổng lồ và năng lực y tế hạn chế, nước này sẽ mất khả năng kiểm soát dịch bệnh nếu không sớm có biện pháp kiềm chế và ngăn chặn tốc độ lây lan. Theo Viện khoa học dân số quốc tế (IIPS), khoảng 3 triệu người Ấn Độ sẽ nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng nếu không áp dụng biện pháp phong tỏa, con số này sẽ là trên 17 triệu.
Trước đó, giới chức Ấn Độ lập luận rằng nếu không áp dụng lệnh phong tỏa, Ấn Độ sẽ có tới 820.000 trường hợp nhiễm bệnh vào ngày 15/4, gấp gần 1.000 lần so với con số 883 ca nhiễm ghi nhận trong thực tế. Ít nhất, việc phong tỏa toàn quốc đã làm chậm quỹ đạo lây truyền virus, dù đã không làm phẳng đường cong mà các điểm nóng như Tây Ban Nha và Italy đã đạt được với lệnh phong tỏa. Điều này giải thích rằng việc phong tỏa là cần thiết dù số bệnh nhân vẫn ngày càng gia tăng.
Sau 21 ngày phong tỏa giai đoạn một (25/3-14/4), số ca nhiễm bệnh tại Ấn Độ tăng từ 517 lên gần 12.000 người; 19 ngày phong tỏa giai đoạn hai (14/4-3/5), số ca tăng thêm là trên 28.000, đưa tổng số bệnh nhân vượt mức 40.000. Kết thúc 14 ngày phong tỏa giai đoạn ba hôm 17/5, số ca nhiễm đã là hơn 95.000 và sắp chạm ngưỡng 200.000 tại thời điểm hiện nay.
Giới chuyên gia cho rằng việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại một quốc gia như Ấn Độ luôn là thách thức lớn và lệnh phong tỏa trên cả nước từ ngày 25/3 có thể vẫn chưa đủ. Ấn Độ có gần 1,4 tỷ dân, với mật độ dân cư tập trung đông đúc, hệ thống cơ sở hạ tầng vệ sinh nghèo nàn, tỷ lệ người dân từ nông thôn lên thành phố mưu sinh cao. Đây là những "điều kiện lý tưởng" để dịch bệnh COVID-19 lây lan.
[Ấn Độ chi thêm 2 tỷ USD cho cuộc chiến chống COVID-19]
Chính phủ Ấn Độ cũng đang "đau đầu" với bài toán phong tỏa các khu ổ chuột tập trung đông người, bởi yêu cầu các cư dân tại những khu ổ chuột chấp hành lệnh phong tỏa cũng đồng nghĩa với việc buộc họ phải chống chọi với nắng nóng khi ở trong những ngôi nhà chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, kèm nỗi lo không có kế sinh nhai. Chưa kể việc truy vết tại những khu vực này là hết sức khó khăn.
Khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách được nới lỏng, người ta lo ngại dịch bệnh có thể lây lan nhanh hơn trong những tuần tới. Với số lượng lớn người di cư trở về quê hương trong thời gian gần đây, một đợt bùng phát lớn dịch bệnh có thể diễn ra tại khu vực nông thôn. Mức độ lây nhiễm cao ở những người di cư rất đáng lo ngại.
Tại bang Bihar, khoảng 8% người di cư được xét nghiệm dương tính, riêng tỷ lệ trong số những người trở về từ thủ đô New Delhi là 26%. Nói cách khác, những vấn đề đang diễn ra tại các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai cũng có thể sẽ tái diễn ở các vùng nông thôn, với thực tế là hầu hết khu vực nông thôn không được trang bị đầy đủ để giải quyết vấn đề này.
Trước diễn biến dịch phức tạp và số ca nhiễm tăng cao, New Delhi dường như đã thay đổi chiến lược trong đối phó với dịch COVID-19. Ấn Độ ngày 9/5 đã sửa đổi quy định cho phép các trường hợp nhiễm bệnh triệu chứng nhẹ và tiền triệu chứng có thể xuất viện mà không cần xét nghiệm, thay vì phải xét nghiệm âm tính hai lần liên tiếp như trước đó nhằm giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế. Sau đó, Ấn Độ tiếp tục nới lỏng quy định cho phép những bệnh nhân triệu chứng nhẹ hoặc tiền triệu chứng được cách ly tại nhà mà không cần nhập viện.
Theo một số chuyên gia, hướng dẫn mới tạo ra nguy cơ một số bệnh nhân xuất viện có thể truyền virus sang người khác và chiến lược này đang được xây dựng cho trường hợp miễn dịch cộng đồng. Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal cho rằng mọi người sẽ phải học cách sống chung với virus.
Lệnh phong tỏa lần thứ tư sẽ kết thúc vào ngày 31/5 và các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ từng bước được xem xét mở cửa trở lại. Tuy nhiên, khác với phần lớn các quốc gia hứng chịu nặng nề tác động của COVID-19 chỉ nới lỏng các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội khi sự lây lan của dịch bệnh đã có dấu hiệu đi xuống, số ca nhiễm mới Ấn Độ tại thời điểm hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà ngược lại còn tiếp tục gia tăng với mức tăng theo ngày dao động khoảng 6.000 ca. Rõ ràng là Ấn Độ sẽ phải căng mình đối mặt với chặng đường cam go phía trước trong cuộc chiến với COVID-19./.