Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: Cùng nhau vượt hành trình gian nan

Tổng Giám đốc WHO khẳng định chống đại dịch COVID-19 là một trong những "cuộc chiến" lớn nhất của nhân loại bởi “dù muốn hay không, cả thế giới sẽ thắng hoặc thua cuộc chiến này cùng nhau."
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thế giới đã ghi nhận 90 triệu ca mắc bệnh COVID-19 sáng 10/1, chỉ khoảng 2 tuần sau khi vượt mốc 80 triệu ca. Đây cũng là quãng thời gian nhiều nước trải qua kỳ nghỉ lễ cuối năm 2020 và đầu năm 2021 trong tình trạng siết chặt biện pháp phòng dịch.

Tuy nhiên, những biện pháp đó dường như chưa đủ để cản bước virus SARS-CoV-2, đặc biệt trong bối cảnh biến thể mới của virus phát hiện tại Anh và Nam Phi có khả năng lây lan cao hơn nhiều. Hậu quả là hệ thống y tế của nhiều nước lần lượt “kêu cứu” vì mỗi ngày số ca nhập viện lại gia tăng, gây nguy cơ quá tải cả về nhân lực và vật lực.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuần tính đến ngày 5/1 là tuần thứ ba liên tiếp thế giới ghi nhận hơn 4 triệu ca bệnh mới. Trong khi số ca nhiễm mới có vẻ giảm nhẹ so với tuần trước đó thì số ca tử vong lại tăng 3% và thực tế này được cho là do thời điểm nghỉ lễ, công tác xét nghiệm chậm lại nên số ca mắc mới được báo cáo cũng giảm.

Hai khu vực chiếm tỷ lệ cao nhất về số ca mắc mới và tử vong trong giai đoạn này là châu Mỹ và châu Âu, với châu Mỹ chiếm lần lượt 47% và 42% tổng số ca nhiễm và ca tử vong của toàn thế giới và châu Âu là 38% và 43%. 

Những ngày gần đây, các thống kê ở Mỹ đều gia tăng đáng báo động. Ngày 7/1, Mỹ ghi nhận thêm một dấu mốc buồn với 299.904 ca nhiễm mới và 4.194 ca tử vong do COVID-19, những số liệu cao nhất từng ghi nhận, khiến số ca nhiễm mới theo ngày trung bình trong 1 tuần tăng lên con số chưa từng có, hơn 228.000 ca/ngày. Bên cạnh đó, số người phải nhập viện trong một ngày cũng lên mức cao mới là hơn 132.400 ca.

[Thế giới vượt qua mốc 90 triệu ca mắc bệnh COVID-19]

Thành phố Los Angeles cứ mỗi 8 phút lại có 1 người tử vong vì COVID-19. Các dịch vụ cấp cứu tại thành phố này thậm chí còn được khuyến cáo không tiếp nhận vận chuyển bệnh nhân có cơ hội sống sót quá thấp, hạn chế sử dụng khí oxy để giảm tải các nguồn lực y tế. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thời điểm tồi tệ nhất vì các chuyên gia y tế đều cảnh báo số ca mắc, tử vong và nhập viện sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới sau các buổi tụ tập dịp nghỉ lễ vừa qua.

Mỹ cũng đã phát hiện ít nhất 50 ca nhiễm biến thể mới của virus (loại xuất hiện ở Anh) và các chuyên gia cảnh báo việc thiếu một giải pháp đồng bộ giữa các bang sẽ khiến tình hình dịch bệnh tại Mỹ thêm nhiều thách thức một khi biến thể này hoành hành trên quy mô rộng.

Còn tại châu Âu, dịch diễn biến nghiêm trọng nhất tại Anh khi quốc gia này ghi nhận hơn 343.700 ca mắc mới và hơn 4.165 ca tử vong trong tuần lễ đầu tiên của năm 2021. Ngày 5/1, số ca mắc mới ở Anh lần đầu tiên vượt quá 60.000 trường hợp kể từ khi đại dịch bùng phát và đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc tính theo ngày trên 50.000 người. Sau đó 1 ngày, số ca tử vong theo ngày tại Anh vượt mốc 1.000 ca/ngày.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: Cùng nhau vượt hành trình gian nan ảnh 1Giao thông thưa thớt tại trung tâm thủ đô London, Anh trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 29/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo WHO, biến thể mới của virus gây ra hơn 50% số ca bệnh mới phát hiện ở Anh. Tốc độ lây lan nhanh kéo theo các ca nhập viện cũng tăng khiến các bệnh viện tại London phải cảnh báo hết giường bệnh trong khi giới chức England, Scotland, Wales và Bắc Ireland đều lo ngại các hệ thống y tế tại một số vùng sẽ quá tải trong tháng 1 này.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 7/1 cho rằng tình hình hiện nay là "thời điểm mấu chốt của đại dịch” khi tình trạng gia tăng các ca nhiễm mới và sự xuất hiện các biến thể của virus là vấn đề mà cả châu Âu đang phải đối mặt. Ông nhấn mạnh nếu các nước trong khu vực không tăng cường biện pháp nhằm kiềm chế tốc độ lây lan thì các cơ sở y tế vốn đã căng thẳng vì áp lực sẽ đứng trước nguy cơ quá tải.

Tại châu Phi, với sự xuất hiện của biến thể mới, số ca mắc COVID-19 tại Nam Phi vượt mốc 1 triệu ca từ ngày 28/12 và hiện ghi nhận hơn 1.192.000 ca bệnh, cao nhất tại “lục địa Đen.” Nghiêm trọng hơn, tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi đã tăng đáng báo động, từ 900.000 ca lên mốc 1 triệu chỉ trong vòng 9 ngày, ngắn hơn đáng kể so với khoảng cách 2 tuần để tăng từ 800.000 lên 900.000 trường hợp.

Tại châu Á, ngày 7/1, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày lên tới hơn 2.000 ca trong khi số ca mắc mới trên cả nước cũng vượt quá 7.000 ca lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại nước này. Đây cũng là ngày Nhật Bản chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số tỉnh phụ cận nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Dù số ca mắc mới còn thấp so với mặt bằng chung nhưng ngày 9/1, Trung Quốc đại lục ghi nhận 69 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ tháng 7 vừa qua, với 48 ca lây nhiễm cộng đồng, trong bối cảnh giới chức nước này nỗ lực siết chặt các biện pháp để khống chế ổ dịch lớn ở tỉnh Hà Bắc, gần thủ đô Bắc Kinh. Tại Đông Nam Á, Indonesia vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực.

Hiện vấn đề gây lo ngại là các biến thể mới của virus được phát hiện tại Anh và Nam Phi đã xuất hiện tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 12 quốc gia có lây nhiễm ra cộng đồng. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, biến thể này xuất hiện ở Australia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và cả Việt Nam.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: Cùng nhau vượt hành trình gian nan ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kyoto, Nhật Bản, ngày 4/1/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tuy chưa có bằng chứng cho thấy những biến thể này nguy hiểm hơn hay có thể kháng các loại vắcxin mới phát triển, nhưng để đề phòng virus lây lan nhanh, hơn 70 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh và các khu vực đã ghi nhận biến thể mới. Pháp sẽ tiếp tục đóng biên giới với Anh, trong khi Anh cũng thực hiện xét nghiệm với mọi hành khách quốc tế nhập cảnh nước này, kể cả công dân Anh và yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Kiểm tra thân nhiệt, tiến hành xét nghiệm cho hành khách tại sân bay là những biện pháp kiểm tra y tế tăng cường mà Trung Quốc đang thực hiện. Hàn Quốc cũng đã quyết định gia hạn lệnh tạm ngừng khai thác các chuyến bay từ Anh cho đến ngày 21/1. Ấn Độ đã cấm các chuyến bay thương mại quốc tế đến và đi từ nước này cho đến ngày 31/1.

Trước tình hình trên, việc siết chặt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã được nhiều nước thực hiện. Xứ England chiếm phần lớn dân số Vương quốc Anh bước vào đợt phong tỏa 6 tuần cấp độ cao nhất kể từ tối 4/1, tất cả mọi người đều bắt buộc ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài 1 lần trong ngày để tập thể dục hoặc đi mua các nhu yếu phẩm. Tất cả các trường học từ bậc phổ thông đến đại học buộc phải đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến ít nhất đến ngày 15/2.

Đức cũng kéo dài các biện pháp phòng chống dịch đang áp dụng hiện nay cho tới ngày 31/1, đồng thời siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa. Tại Mỹ, các truờng học ở New York đã lùi lịch khai giảng học kỳ mùa Xuân 2021. Từ ngày 29/12, Nam Phi áp dụng lệnh phong tỏa cấp độ 3 trong thang cấp độ từ 1-5 trong khi vẫn duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Nhật Bản cũng ban bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận từ ngày 8/1-7/2. Trung Quốc đưa thành phố Thạch Gia Trang với 11 triệu dân ở tỉnh Hà Bắc vào trạng thái thời chiến, theo đó đóng cửa trường học và cấm đi lại giữa các khu dân cư, 10 tuyến đường cao tốc nối thành phố với phần còn lại của Trung Quốc và bến xe khách chính cũng bị đóng cửa...

Việt Nam tính đến sáng 10/1 ghi nhận 693 ca lây nhiễm trong nước, trong đó 553 ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ca nhiễm biến thể mới của virus phát hiện ngày 2/1 (ở một người trên chuyến bay từ Anh về ngày 22/12 đã được cách ly ngay khi nhập cảnh), cũng như tình trạng nhập cư trái phép qua đường mòn, lối mở ở biên giới có xu hướng gia tăng thời gian qua khiến các cơ quan chức năng luôn phải đề cao cảnh giác, tiếp tục thực hiện chiến thuật phòng, chống dịch “giữ thật chặt từ bên ngoài, tăng cường các giải pháp ở bên trong.” Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, quản lý chặt hoạt động cách ly... chính phủ tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: Cùng nhau vượt hành trình gian nan ảnh 3Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Germering, Đức, ngày 27/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dù 42 nước đã triển khai các chương trình tiêm chủng vắcxin phòng bệnh sau khi ít nhất 2 loại vắcxin được cấp phép đưa vào sử dụng đại trà, song giới chuyên gia cảnh báo thế giới sẽ còn phải đương đầu với những đợt bùng phát mới trong ít nhất là 6 tháng tới. WHO khẳng định dù đã có vắcxin nhưng mọi người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác, tránh tâm lý chủ quan phó mặc cho vắcxin và các chính phủ cần tiếp tục duy trì những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong giai đoạn mấu chốt này.

Việc triển khai vắcxin hiện đang ở giai đoạn đầu, chủ yếu ưu tiên các nhân viên tuyến đầu và những nhóm có nguy cơ cao để tránh gia tăng ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Điều này chỉ có hiệu quả tối đa khi được triển khai song song với các biện pháp hạn chế và tinh thần tự giác tuân thủ các quy định phòng dịch của mỗi người để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

WHO đặc biệt khuyến cáo miễn dịch cộng đồng là kết quả mơ ước sau cùng, nhưng trước khi đạt được đích đến đó, việc đầu tiên cần làm là hạn chế lây lan vì kể cả khi đã có vắcxin, chưa ai có thể chắc chắn hiệu quả bảo vệ sẽ kéo dài bao lâu, virus trước áp lực mới từ vắcxin sẽ biến đổi ra sao. Chính vì vậy, ngay lúc này và ngay khi còn có thể, mỗi người trên thế giới cần đề cao tinh thần chủ động tham gia phòng dịch.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định rằng phòng chống đại dịch COVID-19 là một trong những "cuộc chiến" lớn nhất của nhân loại cho tới thời điểm này mà ở đó, kết quả thành bại cuối cùng nằm trong tay mỗi người dân và quyết định của họ có hay không tham gia những nỗ lực chung, bởi “dù muốn hay không, cả thế giới sẽ thắng hoặc thua cuộc chiến này cùng nhau”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục