Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Cảnh báo sớm, hành động sớm

Trong 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng trên 400 người chết và mất tích vì thiên tai, thiệt hại kinh tế khoảng từ 1-1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Cảnh báo sớm, hành động sớm ảnh 1Một dãy phòng chức năng tại Trường trung học cơ sở Tạ Khoa, Sơn La ngập trong bùn và nước do cơn lũ diễn ra hồi đầu tháng Chín. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

“Cùng em hành động sớm - Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu” là nội dung chính của chiến dịch truyền thông được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức từ tháng 10 đến tháng 12/2022 nhằm lan tỏa thông điệp hành động sớm, không bị động trước các rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

Mục tiêu của chiến dịch là thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu của trẻ em, nhà trường, gia đình và cộng đồng.

"Cảnh báo sớm, hành động sớm cho mọi người" cũng là chủ đề của Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10) năm 2022.

Đợt lũ lụt kinh hoàng giữa tháng 6/2022 đã khiến khoảng 30% diện tích Pakistan chìm trong nước, ảnh hưởng đến khoảng 33 triệu người, gây thiệt hại khoảng 30 tỷ USD.

[Việt Nam kêu gọi tiếp cận toàn diện giải quyết thách thức về khí hậu]

Đến tháng Bảy, nắng nóng cực điểm bao trùm một loạt thành phố đông dân ở lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc, làm con sông khô cạn xuống mức thấp nhất kể từ năm 1865.

Tại châu Âu, hai đợt nắng nóng gay gắt vào mùa Hè dẫn đến nhiệt độ cao kỷ lục làm bùng phát các vụ cháy rừng có sức tàn phá hủy diệt, đồng thời khiến mực nước sông, hồ không ngừng hạ thấp, gây thiệt hại lớn cho nhiều lĩnh vực.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, trong khi miền Tây và Trung Tây nước Mỹ hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt khiến các hồ chứa quan trọng khô cạn, một số khu vực như công viên Death Valley (California) tới phía Đông bang Kentucky lại chứng kiến lũ lụt kinh hoàng.

Trong khi đó, những cơn bão lớn cũng có xu hướng gia tăng, với cường độ mạnh hơn và khó dự đoán hơn.

Cuối tháng Chín vừa qua, siêu bão Noru đổ bộ các nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Thái Lan…, gây thiệt hại về người ở Philippines, gây ngập lụt và lở đất nghiêm trọng, phá hủy mùa màng và nhiều công trình.

Cùng thời điểm, người dân Mỹ và các đảo quốc vùng Caribe đương đầu với bão Ian.

Sau khi gây mất điện trên diện rộng tại Cuba, bão Ian đã quét qua khu vực bang Florida của nước Mỹ, với sức tàn phá được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử nước này, gây thiệt hại ước tính từ 70 tỷ-120 tỷ USD.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 21 trong 22 loại hình thiên tai trên thế giới, trừ sóng thần, khiến cho 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng từ 1-1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Từ đầu năm nay, tình hình thiên tai tại Việt Nam diễn ra phức tạp, cực đoan, trái quy luật như mưa lũ trái mùa kèm theo dông, lốc lớn trên diện rộng, bão gây mưa lớn...

Trước những cảnh báo rằng các thảm họa tự nhiên sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên và gây hậu quả nặng nề hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chủ đề của Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay tập trung vào mục tiêu G của Khung hành động Sendai (2015-2030) là “Tăng cường đáng kể tính sẵn có và khả năng tiếp cận các hệ thống cảnh báo sớm đa hiểm họa, thông tin và đánh giá rủi ro thiên tai cho người dân vào năm 2030.”

Thảm họa động đất sóng thần Ấn Độ Dương ngày 26/12/2004 khiến hơn 200.000 người thiệt mạng là một trong những thiên tai tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.

Thảm họa này đã tàn phá trên diện rộng ở các quốc gia không có hoặc có ít hệ thống cảnh báo sóng thần vào thời điểm đó.

Nếu có một hệ thống cảnh báo sớm giúp người dân nắm được tình hình và nhanh chóng sơ tán, thảm họa có lẽ đã không gây ra hậu quả kinh hoàng đến như vậy.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Cảnh báo sớm, hành động sớm ảnh 2Người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ở Hyderabad, Pakistan ngày 19/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), một cảnh báo sớm trước 24 giờ có thể giúp giảm thiệt hại lên tới 30%, cứu sống nhiều sinh mạng.

Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Giáo sư Petteri Taalas khẳng định: “Hệ thống cảnh báo sớm là một biện pháp thích ứng với khí hậu hiệu quả, khả thi, giúp tiết kiệm sinh mạng và tiền bạc.”

Nhờ vào thành công của các hệ thống cảnh báo sớm, cũng như do dự báo thời tiết chính xác hơn và quản lý thiên tai chủ động và phối hợp, số người thiệt mạng do các thảm họa khí hậu đã giảm gần 3 lần trong 50 năm qua.

Tuy nhiên, hiện 30% dân số thế giới, chủ yếu sống ở những nước kém phát triển nhất và các đảo quốc nhỏ, vẫn chưa được bảo vệ bởi hệ thống cảnh báo sớm. Con số này ở châu Phi thậm chí lên tới 60%.

UNDRR cho rằng cần tăng cường hỗ trợ cho các nước kém phát triển và các đảo quốc nhỏ đang phát triển để xây dựng và mở rộng hệ thống cảnh báo sớm.

Ước tính, khoản đầu tư trị giá 800 triệu USD vào các hệ thống cảnh báo sớm ở các nước đang phát triển có thể giúp giảm thiệt hại từ 3 tỷ - 16 tỷ USD mỗi năm.

UNDRR cũng nhấn mạnh rằng hệ thống cảnh báo sớm không chỉ cần phát hiện được nhiều loại hiểm họa, mà còn phải phát đi những cảnh báo rõ ràng và dễ hiểu, giúp các cộng đồng đối mặt nguy cơ có đủ thời gian để hành động. Một cảnh báo sớm phải kích hoạt hành động sớm. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo sớm phải lấy con người làm trung tâm.

Các cộng đồng gặp nguy cơ phải nhận thức được những rủi ro thực sự mà họ phải đối mặt, cách thức hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm và sẵn sàng hành động theo các cảnh báo.

Nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai, UNDRR kêu gọi các nước thực hiện Mục tiêu G của Khung hành động Sendai, tăng cường khả năng tiếp cận các hệ thống cảnh báo sớm. “Cùng nhau, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu toàn cầu về việc tất cả mọi người trên hành tinh đều được bảo vệ bởi hệ thống cảnh báo sớm trong vòng 5 năm,” chống lại biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Cảnh báo sớm để hành động sớm, sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu là những công cụ quan trọng để giảm thiểu rủi ro từ thiên tai và hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây cũng là lộ trình hiện thực hóa tầm nhìn của WMO là đến năm 2030, tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nơi dễ bị tổn thương nhất, có khả năng chống chịu tốt hơn trước những tác động cực đoan do thời tiết, khí hậu, nước và môi trường gây ra cho kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục