Cuộc chạy đua giữa Mỹ và châu Âu để duy trì mức sống mơ ước

Trong nhiều thập kỷ, người châu Âu đã tìm thấy niềm an ủi từ thực tế là mặc dù mức độ giàu có tuyệt đối ở Mỹ cao hơn nhưng tiêu chuẩn sống của châu Âu lại được đánh giá tốt hơn.

Thực khách dùng bữa tại một nhà hàng ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thực khách dùng bữa tại một nhà hàng ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những người Mỹ giàu có dự kiến sẽ đổ xô tới châu Âu vào mùa Hè này, nơi họ sẽ vung tiền vào những khách sạn đắt tiền tại Thế vận hội mùa Hè Paris hoặc ở các nước Địa Trung Hải, tranh giành vé xem buổi trình diễn ca nhạc của Taylor Swift và đưa ra những khoản tiền tip (boa) hào phóng khi đi ăn nhà hàng.

Ngành du lịch, vốn đóng góp 10% Tổng sản phẩm quốc nội của Liên minh châu Âu (EU), sẽ vui mừng chào đón những du khách này.

Tuy nhiên, người dân châu Âu ngày càng khó khăn, ít nhất là về mặt tài chính.

Mặc dù tiền không phải là tất cả, nhưng mức sống cao của châu Âu rất được coi trọng và giúp lý giải tại sao nơi này thu hút hơn một nửa tổng số khách du lịch quốc tế mỗi năm.

Trong nhiều thập kỷ, người châu Âu đã tìm thấy niềm an ủi từ thực tế là mặc dù mức độ giàu có tuyệt đối ở Mỹ cao hơn nhưng tiêu chuẩn sống của châu Âu lại được đánh giá tốt hơn khi xét đến các yếu tố khác.

Người dân châu Âu được hưởng kỳ nghỉ phép có trả lương dài hơn Mỹ, ít tội phạm súng đạn hơn tại Mỹ, chế độ ăn uống lành mạnh hơn và các con đường đẹp để có thể đi bộ - những yếu tố góp phần kéo dài tuổi thọ.

Tuổi thọ trung bình của người dân ở EU ước tính là 81,5 tuổi, so với mức tương ứng khoảng 77,5 tuổi ở Mỹ.

Nhưng những thành tựu đang tự hào này đang bị đe dọa nếu các chính trị gia của khu vực này không hành động nhiều hơn để tăng năng suất và duy trì sự thịnh vượng.

Tuy nhiên, gần đây, châu Âu bắt đầu lo lắng về sự khác biệt ngày càng lớn về tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh công nghệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

ttxvn_2606_dan my.jpg
Người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Nashville, Tennessee, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Nicolai Tangen, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia trị giá 1.600 tỷ USD của Na Uy, nói với The Financial Times rằng: “Người Mỹ làm việc chăm chỉ hơn, trong khi người châu Âu ít tham vọng hơn và ngại rủi ro hơn."

Trước khi từ chức Giám đốc điều hành của "gã khổng lồ" sản xuất chip Hà Lan ASML Holding NV, ông Peter Wennink đã cảnh báo vào năm ngoái rằng châu Âu đang tụt hậu và phải vượt qua tâm lý tự mãn.

Với việc dân số trong độ tuổi lao động của châu Âu dự kiến sẽ giảm do nhân khẩu học bất lợi, việc duy trì các hệ thống phúc lợi và lương hưu hào phóng, cũng như triển vọng khôi phục khả năng phòng thủ của lục địa cũng trở nên khó khăn hơn sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Những cử tri cảm thấy bị bỏ lại phía sau về mặt kinh tế có thể dễ dàng bị phe cực hữu lôi kéo và đổ lỗi cho người di cư về những khó khăn của họ.

Đức đang cân nhắc các cách để khuyến khích người dân làm việc nhiều giờ hơn, trong khi Đảng Lao động Anh đặt tăng trưởng kinh tế và tạo ra của cải làm trung tâm của chiến dịch tranh cử.

Nhưng để đuổi kịp "gã khổng lồ" kinh tế Mỹ là điều không hề dễ dàng. Các hội đồng quản trị doanh nghiệp Anh đang phải chịu áp lực phải tăng lương cho Giám đốc Điều hành (CEO) để bằng với mức lương của vị trí tương đương tại Mỹ nhằm tránh việc đánh mất nhân tài và chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn giao dịch New York, nơi cổ phiếu có thể được định giá tốt hơn.

Trong khi đó, phóng viên của báo Le Monde (Pháp) tại New York than thở vào hồi tháng Tư vừa qua rằng nước Mỹ đã trở nên quá đắt đỏ đối với người châu Âu.

Dù vậy, chắc chắn là không phải mọi thứ tại "Lục địa Già" đều ảm đạm, còn Mỹ cũng không phải là "thiên đường hoàn hảo."

Ví dụ, tỷ lệ thất nghiệp của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang ở mức thấp kỷ lục.

ttxvn_2606_that nghiep.jpg
Người dân tham gia hội chợ việc làm tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phần lớn khoảng cách giữa hai bờ Đại Tây Dương về GDP được giải thích bằng biến động tỷ giá hối đoái, dân số tăng nhanh hơn và sự hào phóng về tài chính của Washington (có thể không bền vững).

Người lao động Mỹ cần mức lương cao để đủ khả năng chi trả cho việc chăm sóc trẻ em, học phí đại học và chăm sóc sức khỏe đắt đỏ một cách đáng kinh ngạc.

Và mức độ giàu có trung bình cao hơn của người Mỹ không nên khiến chúng ta quên đi thực tế rằng sự giàu có này không đồng đều, với chênh lệch mức sống của người dân rất lớn.

Tuy nhiên, xét trên một số thước đo, người Mỹ đang có kết quả tài chính tốt hơn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), sau khi điều chỉnh theo chi phí sinh hoạt, GDP bình quân đầu người của Mỹ cao hơn khoảng 28% so với của Eurozone.

Trong khi đó, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương trung bình hàng năm tại Mỹ cũng cao hơn và thuế lao động tương đối thấp.

Đáng chú ý, theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, hơn 1/3 số hộ gia đình Mỹ hiện kiếm được hơn 100.000 USD/năm.

Theo bảng xếp hạng tài sản toàn cầu năm 2023 của UBS Group AG, nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện có khoảng 23 triệu triệu phú, so với chưa tới 3 triệu triệu phú ở Anh, Pháp và Đức.

Khoảng cách này một phần là kết quả của cách người Mỹ đầu tư tiền nhàn rỗi của họ.

Nhờ các tài khoản được ưu đãi về thuế, họ có nhiều khả năng mua cổ phiếu hơn, trong khi người châu Âu tích trữ hàng nghìn tỷ euro tiền gửi ngân hàng với lãi suất thấp.

Khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn của người Mỹ đã được đền đáp.

Năm 2008, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp thuộc chỉ số Stoxx Europe 600 gần bằng với các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500, nhưng hiện tại thì khoảng cách này đã rất lớn.

Cụ thể, giá trị vốn hóa thị trường của nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo Nvidia Corp. hiện cao hơn toàn bộ giá trị của thị trường chứng khoán Pháp.

Ông Mario Draghi, cựu thủ tướng Italy và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lưu ý: "Sự thiếu hụt các công ty công nghệ hàng đầu châu Âu khiến tôi lo lắng rằng khoảng cách tài chính xuyên Đại Tây Dương có thể ngày càng gia tăng. Khoảng 70% mô hình AI cơ bản đang được phát triển ở Mỹ, trong khi chỉ riêng ba công ty Mỹ đã chiếm tới 65% thị trường điện toán đám mây toàn cầu."

Ông Draghi sẽ công bố một báo cáo được nhiều người mong đợi về khả năng cạnh tranh của châu Âu vào tháng tới.

Chủ tịch ECB cảnh báo rằng, bên cạnh chi phí năng lượng tương đối cao và thị trường chung bị phân mảnh, vấn đề chính của châu Âu là tăng trưởng năng suất yếu.

Một báo cáo gần đây của Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu (ECIPE) đã đưa ra kết luận tương tự: “Thách thức kinh tế của châu Âu không phải là làm việc nhiều giờ hơn hay nghỉ lễ ngắn hơn mà là cải thiện giá trị gia tăng mà nền kinh tế tạo ra.”

Báo cáo của ECIPE lưu ý rằng một lĩnh vực rõ ràng cần châu Âu tập trung vào là chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Từ năm 2014-2021, chi tiêu cho R&D của Mỹ đã tăng gấp đôi so với chi tiêu cho R&D của EU.

Việc huy động thêm khoản vay chung của EU để tài trợ cho những khoản đầu tư như vậy có thể khó khăn nếu đảng Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen thành lập chính phủ tiếp theo của Pháp. Đó càng là lý do để khai thác vốn tư nhân, bao gồm cả việc thúc đẩy người châu Âu đầu tư nhiều tiền tiết kiệm hơn vào thị trường chứng khoán và từ đó hỗ trợ các công ty trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục