Theo trang mạng project-syndicate.org, không giống như chuyến đi vòng quanh thế giới trong vòng 80 ngày của nhà văn Jules Verne, cuộc hành trình của thế giới trong 80 ngày tới sẽ là một chuyến đi khó khăn hơn, chứ không phải là một cuộc du ngoạn.
Chuyến đi này sẽ đi đến đỉnh điểm là một sự kiện có tầm ảnh hưởng toàn cầu và có ý nghĩa lịch sử: bầu cử tổng thống Mỹ.
Còn chưa đầy 3 tháng nữa, nước Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 59. Do Mỹ vẫn mạnh hơn về kinh tế và quân sự so với hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu (là Nga và Trung Quốc) cộng lại, nên các cuộc bầu cử tại Mỹ luôn có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, chưa có cuộc bầu cử nào lại gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với phần còn lại của thế giới như cuộc bầu cử lần này.
Không có gì phải nghi ngờ, việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ gây nguy hiểm cho cả nước Mỹ và thế giới. Hơn nữa, có rất nhiều lý do để lo ngại rằng một cuộc bầu cử với kết quả sít sao sẽ đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp sâu sắc, kéo dài và có thể dẫn đến bạo lực.
Tương tự, nếu ông Trump chỉ giành được đa số phiếu đại cử tri mà có số phiếu phổ thông thấp hơn như trong cuộc bầu cử năm 2016, thì cả đối thủ của ông là Joe Biden cũng như đa số người dân của nước Mỹ sẽ không dễ dàng chấp nhận kết quả này như bà Hillary Clinton đã làm trong năm 2016 và ông Al Gore đã làm trong cuộc bầu cử năm 2000.
[Bầu cử Mỹ: Ông Trump cam kết xây dựng lại nền kinh tế hậu COVID-19]
Và nếu Tòa án Tối cao một lần nữa phải đứng ra chọn người chiến thắng, như đã làm khi chọn ông George W Bush thay vì chọn ông Al Gore, các cuộc biểu tình lớn trên toàn nước Mỹ dường như chắc chắn sẽ xảy ra.
Để đối phó, chắc chắn Tổng thống Trump sẽ điều động lực lượng thực thi pháp luật liên bang đến để giải tán biểu tình, như đã làm đối với thành phố Portland và một số thành phố khác.
Ngoài ra, do ông Biden liên tục dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận, ông Trump có thể cố gắng lấy cớ dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) để trì hoãn hoặc phá hỏng cuộc bầu cử.
Tổng thống Trump đã dành nhiều tháng để bôi nhọ tính hợp lệ của các lá phiếu gửi qua đường bưu điện, qua đó làm mất tính hợp pháp của cuộc bầu cử ngày 3/11 trước khi cuộc bầu cử diễn ra.
Mặc dù những hành động này đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ, ông Trump vẫn đang đặt nền móng để vận động những cử tri trung thành nhằm quyết trụ lại Nhà Trắng bất chấp kết quả bầu cử ra sao.
Các cuộc bạo loạn và cướp bóc gần đây tại Portland và Chicago chắc chắn sẽ giúp ích cho Tổng thống Trump về mặt chính trị khi ông theo đuổi chiến lược này. Ông Trump đã sẵn sàng triển khai lực lược của Bộ An ninh Nội địa ở trung tâm thành phố Portland để đe dọa các nhóm biểu tình tương đối nhỏ (chủ yếu là ôn hòa).
Kết quả có thể dự đoán trước (và nhiều khả năng sẽ xảy ra) là các cuộc biểu tình sẽ mở rộng và bạo lực leo thang. Thông điệp của ông Trump đối với những người dân ngoại ô da trắng thuộc tầng lớp trung lưu rất rõ ràng: Tổng thống Trump là người duy trì trật tự và pháp luật.
Việc sử dụng các lực lượng liên bang để đe dọa người dân cũng phù hợp với câu chuyện của Tổng thống Trump rằng cuộc bầu cử không thể được tổ chức một cách công bằng và bình lặng mà không bị các đối thủ của ông thao túng thông qua gian lận bầu cử.
Hình ảnh các dân quân cánh hữu được trang bị vũ khí hạng nặng xuất hiện tại các cuộc biểu tình ôn hòa là dấu hiệu báo trước những gì sẽ xuất hiện phổ biển ở nước Mỹ trong những tháng tới.
Hình ảnh nước Mỹ với sự chia rẽ sâu sắc về nội bộ, ngày càng tác động mạnh mẽ lên chính sách đối ngoại của nước này, và đây có lẽ là mối đe dọa an ninh lớn nhất mà phần còn lại của thế giới phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay.
Vào thời điểm các rủi ro toàn cầu ngày càng gia tăng, từ đại dịch COVID-19 đến biến đổi khí hậu, phổ biến vũ khí hạt nhân cùng với các hành động quyết đoán của Trung Quốc và Nga, một cuộc khủng hoảng chính trị tại Mỹ sẽ khiến các mối đe dọa an ninh toàn cầu tăng lên gấp bội.
Nước Mỹ quá quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự để có thể vắng bóng trên vũ đài thế giới dù chỉ trong một thời gian ngắn, hay tệ hơn là trở thành một kẻ phá hoại khó lường đối với các cuộc xung đột toàn cầu do chính phủ nước này phải làm hài lòng một bộ phận nhỏ cử tri ở trong nước.
Hy vọng rằng cuộc bầu cử Mỹ sẽ có kết quả chênh lệnh rõ ràng cả về số phiếu đại cử tri và số phiếu phổ thông. Tuy nhiên, ngay cả khi điều đó xảy ra, việc kiểm đếm phiếu bầu có thể mất thời gian do dự kiến sẽ có nhiều người bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Mọi lá phiếu có đóng dấu bưu điện ngày 2/11 hoặc 3/11 (tùy theo quy định của từng bang) sẽ được coi là hợp lệ - điều này có nghĩa là kết quả cuối cùng sẽ không thể xác định cho đến sau ngày bầu cử.
Trong khoảng thời gian này, một trong hai bên hoặc cả hai có thể tuyên bố giành chiến thắng dựa trên số phiếu đã được kiểm đếm.
Dù thế nào đi nữa, chắc chắn không xảy ra khả năng ông Trump ngồi đợi trong Phòng Bầu Dục trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần để nhận được kết quả bỏ phiếu cuối cùng.
Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, ông đã đưa ra những tuyên bố mơ hồ rằng ông sẽ không rời Nhà Trắng nếu thất cử. Quả thực, ông Trump dường như đang tích cực chuẩn bị cho kịch bản này. Nếu điều đó xảy ra, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiến pháp kéo dài và khó có thể giải quyết.
Liên minh của các nước dân chủ, công nghiệp phương Tây đã mắc nhiều sai lầm trong những năm gần đây, và những sai lầm này đã làm suy giảm uy tín quốc tế của họ. Tuy nhiên, việc tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và tự do chính là thiết chế quan trọng nhất đối với uy tín của các quốc gia này.
Nếu như nước Mỹ - lãnh đạo trên thực tế của các nước phương Tây - không còn duy trì được nguyên tắc cơ bản này, phần còn lại của thế giới cũng có thể lựa chọn các hệ thống chính trị khác./.