Theo trang mạng asiatimes.com, thế giới đang bị cuốn vào cuộc chiến chống dịch bệnh và có vẻ hơi lơ là vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài.
Phần lớn dư luận dường như đã tạm quên biến đổi khí hậu, một vấn đề sống còn đối với loài người và cả hành tinh này.
Tất cả đều đang dồn tâm trí cho mối đe dọa khác là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2), gọi tắt là COVID-19.
Người ta còn mải quay cuồng với những câu hỏi như "Làm thế nào để tránh bị lây nhiễm?" hay "Đối mặt thế nào nếu mắc phải căn bệnh này?" hoặc "Cần làm gì để sống sót khi nền kinh tế suy thoái?" trong bối cảnh nhiều cửa hàng và trường học đóng cửa, các hãng hàng không đứng trước nguy cơ phá sản và thị trường chứng khoán tràn ngập sắc đỏ hoảng loạn.
[Giờ Trái đất 2020-khoảnh khắc của sự đoàn kết toàn cầu giữa đại dịch]
Các bản tin thời sự thế giới ở thời điểm hiện tại không dành thời lượng để đưa tin về tình trạng băng tan ở hai cực hay nồng độ carbon dioxide trong không khí.
Thậm chí, lời cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres rằng các chính phủ đang thể hiện rõ việc họ không thể đương đầu cùng lúc với 2 cuộc khủng hoảng lớn cũng chỉ được đưa tin một cách qua loa.
Ngày 10/3, Tổng Thư ký Guterres đã có bài phát biểu tại New York trong buổi công bố báo cáo thường niên về tình trạng khí hậu của Cơ quan Khí tượng Quốc tế, với nhiều thông điệp ảm đạm mà nếu ở những thời điểm đó chắc chắn sẽ là các nội dung nóng trên bản tin truyền hình.
Về cơ bản, báo cáo chỉ ra rằng bất chấp kế hoạch và tuyên bố của chính phủ các nước trên thế giới, nền nhiệt toàn cầu vẫn đang tăng lên.
Năm 2019 được ghi nhận là năm nắng nóng kỷ lục thứ hai và thập kỷ qua là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử nhân loại.
Mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang ở mức cao nhất trong 3 triệu năm qua - nhiệt độ Trái đất hiện đã tăng 3 độ C và mực nước biển cao hơn 15m so với mức tiền công nghiệp.
Nhiệt độ trung bình của nước biển cũng đang ở mức cao kỷ lục và tăng lên nhanh chóng.
Thậm chí nếu không bị sao nhãng bởi dịch COVID-19, dịch bệnh mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố là đại dịch toàn cầu, rõ ràng các nhà lãnh đạo thế giới vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói: “Chúng ta không còn nhiều thời gian nếu muốn ngăn chặn thảm họa khí hậu… 2020 là năm then chốt đối với công cuộc ứng phó khẩn cấp tình trạng khí hậu... chúng ta cần tất cả các quốc gia nỗ lực để đảm bảo cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới 45% so với mức năm 2010 trong thập kỷ này và tiến tới mục tiêu đạt mức khí thải bằng không vào giữa thế kỷ này.”
Ông Guterres đã nói nhiều lần trước đó rằng đây là cách duy nhất để kiềm chế nền nhiệt Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C.
Tuy nhiên, rủi ro ở chỗ không chỉ lây nhiễm tới một phần lớn dân số thế giới, dịch COVID-19 hiện nay cũng có thể nguy cơ làm tăng nhiệt độ Trái đất.
Ông nói: “Cả virus Corona và biến đổi khí hậu đều là những vấn đề rất nghiêm trọng,… cả hai đều cần đến các giải pháp quyết đoán của các chính phủ, các thể chế như Liên hợp quốc và cả phản ứng của người dân.”
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Guterres, khác nhau căn bản giữa hai cuộc khủng hoảng này là ở chỗ dịch COVID-19 chỉ là một vấn đề tạm thời và chắc chắn sẽ bị đẩy lùi ở thời điểm nào đó, trong khi biến đổi khí hậu “là vấn đề đã tồn tại trong rất nhiều năm và sẽ song hành với chúng ta trong vài thập kỷ tới, đòi hỏi những hành động không ngừng nghỉ.”
Ông cho rằng nếu nhân loại để dịch bệnh hiện nay lấn át và lơ là vấn đề biến đổi khí hậu, nhân loại hiện nay và trong tương lai sẽ bị đe dọa.
Liên hợp quốc đã nhiều lần nhấn mạnh năm 2020 là năm then chốt trong trận chiến chống biến đổi khí hậu.
Hy vọng được đặt vào Hội nghị chống biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) dự kiến được tổ chức tại thành phố Glasgow (Scotland) vào tháng 11 năm nay.
Hội nghị sẽ có sự tham dự của khoảng hơn 30.000 đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới, và là nơi các quốc gia dự kiến công bố kế hoạch nhằm đạt tiêu chuẩn khí carbon vào năm 2050.
Liên hợp quốc coi đây là cơ hội cuối cùng để “cứu” Trái Đất.
Rất có thể COVID-19 sẽ “phá hỏng” COP26 và hủy hoại những nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó biến đổi khí hậu khi hoạt động di chuyển bằng đường hàng không bị hạn chế, bất chấp việc Tổng thư ký Liên hợp quốc Duterres kêu gọi các chính phủ “cam kết giải quyết cả 2 vấn đề với cùng quyết tâm chính trị mạnh mẽ.”
Nghịch lý là ở chỗ cuộc chiến chống dịch bệnh càng kéo dài và càng nhiều các chuyến bay bị hủy, người ta càng nhận thấy rõ những bằng chứng cho thấy ngành hàng không đã góp phần vào việc biến đổi khí hậu đến thế nào.
Nhiều nhà phân tích trên thế giới đang tận dụng cơ hội này để thu thập các dữ liệu và thông tin quý giá mà trước nay chỉ có thể ước đoán bằng các thuật toán máy tính.
Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, việc đối phó với biến đổi khí hậu không phải là một cuộc chiến vội vã và gấp rút.
Ông nói: “Chúng ta không chiến đấu với biến đổi khí hậu như chiến đấu với virus.”
Thực tế là, cả thế giới đang phải chiến đấu trên hai mặt trận, chống lại hai kẻ thù khác nhau.
Cả hai đều đã gây nhiều mất mát về người và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nếu loài người đương đầu với sự tàn phá có thể chỉ là trong ngắn hạn của dịch COVID-19, và chùn bước trước cuộc chiến lâu dài với biến đổi khí hậu, chiến thắng trước virus cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì./.