Vận động viên khuyết tật của Việt Nam ghi dấu ấn ở đấu trường thể thao quốc tế

Cung thủ Nguyễn Thị Ngọc Dung và hành trình dùng tay giả "hái" thành công

Từ chối để chấn thương từ một tai nạn lao động "đánh bại" mình, Nguyễn Thị Ngọc Dung với sự hỗ trợ từ cánh tay công nghệ cao đã xuất sắc giành vị trí thứ 4 môn Bắn cung tại Giải Cybathletics Quốc tế.
Vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Dung thi đấu ở Giải Vô địch Cybathletics Quốc tế năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)

Chặng đường đến với thành công trong thể thao vốn chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. Đối với những vận động viên khuyết tật, thử thách lại càng thêm chông gai hơn, không chỉ đòi hỏi nghị lực phi thường để vượt qua giới hạn về thể chất mà còn phải tôi rèn một ý chí sắt đá, kiên cường gấp bội.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12), phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus thực hiện cuộc phỏng vấn với vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Dung, cô gái trẻ đến từ tỉnh Long An đã vượt qua một tai nạn lao động khiến cô mất đi 1/3 cánh tay phải để xuất sắc giành vị trí thứ 4 môn Bắn cung cùng Đội tuyển Việt Nam tại Giải Vô địch Cybathletics Quốc tế (giải đấu dành cho các vận động viên khuyết tật sử dụng các phương tiện áp dụng kỹ thuật hiện đại để phục hồi chức năng) được tổ chức tại Kazan (Nga) hồi tháng 4/2024.

- Đầu tiên, xin chúc mừng Nguyễn Thị Ngọc Dung với thành tích tại Giải đấu Cybathletics Quốc tế. Được biết ở giải đấu tổ chức tại Kazan (Nga) vừa qua, bạn đã sử dụng một cánh tay giả công nghệ cao của Công ty Motorica để thi đấu ở bộ môn Bắn cung. Vậy trải nghiệm của bạn trong lần đầu tiên áp dụng công nghệ hỗ trợ trong thi đấu như thế nào?

Vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Dung: Cánh tay Motorica đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu. Lực giữ của cánh tay giả giúp tôi chống lại sự rung, lắc trong quá trình kéo cung, giữ thăng bằng để ngắm bắn đồng thời cũng giảm độ rung-giật khi bắn cung. Khi chỉ còn một tay, sẽ rất khó khăn nếu tôi không có sự hỗ trợ của cánh tay giả.

- Vậy Ngọc Dung đã biết đến công nghệ hỗ trợ phục hồi chức năng như thế nào? Và bạn mất bao nhiều thời gian để làm quen với cánh tay giả mới?

Vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Dung: Hai tháng sau khi vết thương từ tai nạn lao động của tôi bắt đầu lành lại, tôi được một người bạn là anh Đào Hồng Đức, chuyên gia tại Trung tâm Chỉnh hình Việt Đức tư vấn lắp đặt công nghệ tay điện của Công ty Motorica. Nhận cánh tay giả sau khi chế tác hoàn thành, chỉ mất một buổi để tôi ghi nhớ và học các chức năng cầm nắm cơ bản để điều khiển cánh tay mới.

Sau đó, để các thao tác điều khiển thêm nhuần nhuyễn, tôi đã sử dụng cánh tay mới để hoàn thành những công việc trong sinh hoạt hằng ngày như cầm nắm, di chuyển các đồ vật nhẹ, phơi quần áo, đi xe máy... Điều quan trọng là làm sao điều chỉnh lực cầm nắm phù hợp để không làm biến dạng hay hư hỏng đồ vật mà mình tác động.

- Bắn cung là một trong những bộ môn thể thao yêu cầu nhiều thao tác liên quan đến vận động của tay. Vậy đâu là lý do khiến bạn vẫn tiếp tục theo đuổi bộ môn này, thay vì lựa chọn một môn thể thao khác?

Vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Dung: Tôi được tiếp xúc với bộ môn Bắn cung từ khi còn là một sinh viên khoa Công nghệ Hoá học và cảm thấy, đây là môn thể thao đòi hỏi sự tập trung tinh thần ở mức cao. Sau tai nạn, tôi tự nhủ với bản thân rằng mình vấp ngã ở đâu thì sẽ đứng lên ở đó, tôi muốn sử dụng cánh tay giả để tiếp tục thực hiện những việc mà người bình thường có thể làm được.

Nguyễn Thị Ngọc Dung (trên, bên trái) cùng các đồng đội giành vị trí thứ 4 môn Bắn cung tại Giải Vô địch Cybathletics Quốc tế được tổ chức tại Kazan (Nga) hồi tháng 4/2024. (Ảnh: sputnik)

- Sau tai nạn, quá trình luyện tập cũng như sinh hoạt của bạn chắc chắn đã trở nên vất vả hơn. Vậy bạn đã khắc phục và vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Dung: Tai nạn bất ngờ là một cú sốc tinh thần đối với tôi. Thời gian đầu của quá trình điều trị tại bệnh viện, tôi đã cảm thấy rất suy sụp, rằng giấc mơ theo đuổi niềm đam mê thể thao của tôi có thể phải từ bỏ.

Tuy nhiên sau khi được chuyển đến trung tâm hồi sức và phục hồi chức năng, nhờ được các bác sỹ cũng như gia đình động viên, tôi dần dần vực lại được tinh thần. Ngoài thời gian tập vật lý trị liệu, các bác sỹ cũng hướng dẫn tôi những động tác để tôi có thể tự vận động, nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục sau chấn thương.

Những ngày đầu làm quen với cánh tay giả để luyện tập bắn cung, tôi gặp khá nhiều khó khăn để học cách giữ thăng bằng và điều chỉnh lực đúng theo mong muốn. Các thao tác cầm nắm, tháo-lắp các thiết bị cũng chưa được trơn tru. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của các đồng đội cũng như những chuyên viên hướng dẫn kỹ thuật, quá trình tập luyện của tôi với cánh tay mới diễn ra suôn sẻ hơn. Hiện tại, tôi đã có thể sử dụng cánh tay giả để tham gia các nội dung thi đấu như những đồng nghiệp khác.

- Ngọc Dung đã vượt qua trở ngại tâm lý sau chấn thương như thế nào?

Vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Dung: Thời gian đầu thực sự rất khó khăn, tôi không ngừng suy nghĩ về việc chấn thương đã lấy đi của tôi sự tự tin, lấy đi cơ hội được sống một cuộc sống như bao người bình thường.

Tuy nhiên sau khi "sắp xếp" được cảm xúc, tôi nhận ra rằng khi một cánh cửa khép lại cũng là lúc những cơ hội khác được mở ra. Tôi được tiếp xúc và gặp gỡ thêm nhiều vận động viên có hoàn cảnh như mình, thậm chí có những người còn mất cả hai cánh tay và vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê. Đó là những tấm gương giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục hành trình của mình.

Nguyễn Thị Ngọc Dung tập sử dụng chiếc tay giả công nghệ cao.

- Và giải đấu Cybathletics Quốc tế chắc chắn là một bước ngoặt trong sự nghiệp của bạn. Vậy cơ duyên nào đã đưa bạn đến với thế vận hội dành cho người khuyết tật và trải nghiệm tại đây mang đến cho bạn những gì?

Vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Dung: Quả thực, Giải Cybathletics đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm tuyệt vời, nơi tôi được giao lưu, tiếp xúc với những người bạn, người đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia, giúp tôi tự tin hơn và mở rộng lòng mình hơn.

Năm nay cũng là năm đầu tiên giải đấu được tổ chức, do đó tôi và các đồng đội cũng không nắm rõ yêu cầu cụ thể trong từng hạng mục của cuộc thi để chuẩn bị. Quá trình tập luyện chuẩn bị cho giải đấu diễn ra luân phiên giữa các đội của các quốc gia, mỗi đội sẽ tập luyện trong một khoảng thời gian nhất định.

Để rút kinh nghiệm cho những thiếu sót mà chúng tôi gặp phải trong lúc tập luyện, toàn đội thường dành thời gian ở lại sau các buổi tập để quan sát thêm những đội khác.

Trong suốt thời gian diễn ra giải đấu, chúng tôi theo dõi, cổ vũ, động viên lẫn nhau trong từng nội dung thi đấu, tận hưởng cảm giác hòa mình vào từng hạng mục của mỗi thành viên.

Khi Đội tuyển Việt Nam đạt hạng thứ 4 chung cuộc, các thành viên đều cảm thấy vô cùng tự hào. Cá nhân tôi cảm nhận bản thân đã vượt qua được nỗi ám ảnh sau tai nạn bất ngờ, rằng tôi đã không trở thành một gánh nặng, tôi đã cống hiến hết sức mình cho công việc tôi đang làm và tôi đã không phụ sự kỳ vọng của mọi người, để cảm thấy xứng đáng hơn với cơ hội thứ hai mà cuộc sống đã trao cho tôi.

Nếu tiếp tục có cơ hội tham dự giải đấu trong tương lai, cả đội chắc chắn sẽ phấn đấu để có thể đạt thứ hạng cao hơn nữa.

Ngọc Dung chia sẻ việc tham dự giải đấu quốc tế giúp cô được giao lưu, tiếp xúc với những người bạn, người đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia, giúp cô tự tin và mở rộng lòng mình hơn. (Ảnh: Vietnam+)

- Sau thành tích tại Giải Cybathletics, gia đình và người thân của chị phản ứng như thế nào?

Vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Dung: Ban đầu khi tôi quyết định tham gia cuộc thi này, gia đình tôi cũng có những băn khoăn nhất định về khoảng cách địa lý, điều kiện thời tiết hay tình hình sức khỏe của tôi. Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình, hướng dẫn và chăm sóc chu đáo của ban quản lý đội, gia đình đã ủng hộ cho quyết định tham gia thi đấu của tôi.

Hành trình đáng nhớ tại thành phố Kazan của Nga đã cải thiện cuộc sống của tôi rất nhiều. Tôi đã học được nhiều điều từ những người bạn quốc tế, đó là sự lạc quan, yêu cuộc sống, nỗ lực vì gia đình và vì chính bản thân mình để vượt qua những khoảng thời gian khó trăn, không để bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

- Sau thành công trong năm 2024, bạn đặt mục tiêu và kỳ vọng gì với những dự định tiếp theo?

Vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Dung: Cánh tay Motorica đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều cả trong thi đấu cũng như trong cuộc sống. Hy vọng trong tương lai khi công nghệ ngày càng phát triển, tôi có thể sở hữu một cánh tay phiên bản nâng cấp có thể điều khiển cử động của từng ngón tay như một bàn tay thật - thay vì chỉ giới hạn ở chức năng đóng-mở của cả bàn tay. Như vậy, tôi có thể cải thiện thành tích cá nhân và đóng góp nhiều hơn cho gia đình cũng như xã hội.

- Xin cảm ơn Ngọc Dung về những chia sẻ thú vị này!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục