Củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp

Việc Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp thăm Việt Nam làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa Thượng viện Cộng hòa Pháp với Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher. (Ảnh TTXVN phát)

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 đến ngày 9/12.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Pháp là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Quốc hội hai nước ngay sau khi kiểm soát được đại dịch COVID-19.

Chuyến thăm nhằm tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp.

Đây cũng là sự kiện quan trọng hướng tới năm 2023, kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023), 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược (2013-2023).

Quan hệ phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực

Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đang phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973; ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (9/2013).

Hai bên đang phối hợp chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm đối tác chiến lược (2013-2023).

Hai bên đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác như: Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa 2 Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp, do Bộ Ngoại giao chủ trì; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì (phiên họp thứ 7 đã diễn ra tại Hà Nội tháng 1/2022); Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng (phiên họp lần thứ nhất tổ chức tại Paris tháng 7/2019).

[Thắt chặt quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp]

Về kinh tế, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Hà Lan, Anh và Italy). Kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 4,8 tỷ USD, giảm nhẹ so với 4,81 tỷ USD năm 2020.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 6/2022, trao đổi thương mại hai nước đạt 2,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Pháp sang Việt Nam đạt 0,8 tỷ USD, xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD.

Tính đến tháng 9 năm 2019, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 549 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,576 tỷ USD.

Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,04 triệu USD.

Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.

Về hợp tác giáo dục và đào tạo, hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo.

Hằng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới với số lượng trên 10.000 sinh viên Việt Nam hiện du học tại Pháp (tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua).

Về hợp tác văn hóa-du lịch, giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng phát triển. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), Thành phố Hồ Chí Minh (Viện trao đổi văn hóa Pháp-IDECAF).

Về hợp tác y tế, đây là lĩnh vực hợp tác truyền thống với gần 3000 bác sỹ Việt Nam được thực tập tại các bệnh viện Pháp và hợp tác giữa Viện Pasteur Paris và các viện Pasteur Việt Nam.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, hai nước đã có nhiều hỗ trợ lẫn nhau trong đó Việt Nam đã hỗ trợ các địa phương Pháp khẩu trang, Pháp hỗ trợ Việt Nam 5,5 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế.

Hợp tác địa phương là nét đặc thù trong quan hệ Việt-Pháp. Hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh, thành phố Việt Nam.

Từ năm 1990, có 235 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương hai nước, tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, phát triển nông thôn, phát triển bền vững, với quy mô không lớn nhưng nhìn chung có tác dụng tốt.

Tính đến năm 2022, hai nước đã phối hợp tổ chức thành công 11 kỳ họp về hợp tác phi tập trung luân phiên giữa hai nước.

Hai nước đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, nhất là trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học.

Đặc biệt, về hợp tác trong khuôn khổ Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Quốc hội Việt Nam là một thành viên tích cực và hiện đang giữ chức Chủ tịch Vùng châu Á-Thái Bình Dương của APF (gồm Campuchia, Lào, Việt Nam và một số quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương).

Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước

Quan hệ hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước ngày phát triển tích cực và có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị nói chung giữa hai nước.

Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của Quốc hội, các Nhóm nghị sỹ hữu nghị và giữa các nghị sỹ nhằm tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước (hợp tác phi tập trung) trong đó có vai trò rất quan trọng của cá nhân Chủ tịch Thượng viện Pháp và các Thượng nghị sỹ đại diện cho các Vùng/địa phương của Pháp.

Nhóm Nghị sỹ hữu nghị song phương đã được thành lập và triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ nghị viện cũng như hợp tác giữa hai nước.

Tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP) và đặc biệt là tại Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), hai bên thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tham vấn về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Hai nước nhấn mạnh vai trò quan trọng của chủ nghĩa đa phương; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Pháp đã ký Thỏa thuận hợp tác vào tháng 5/2003. Pháp là nước mà Quốc hội đã ký Thỏa thuận hợp tác với cả Thượng viện và Hạ viện. Tại Thượng viện và Hạ viện, Pháp đều thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam.

Về trao đổi Đoàn Quốc hội trong thời gian gần đây có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức (tháng 4/2019); Chủ tịch nhóm hữu nghị Pháp-Việt của Quốc hội Stéphanie Đo (tháng 7/2019); Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt của Thượng viện Catherine Deroche (tháng 9/2019).

Việc Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher thăm chính thức Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa Thượng viện Cộng hòa Pháp với Quốc hội Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher tại buổi hội kiến hồi tháng 11/2021. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp tháng 11/2021, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher khẳng định sự ngưỡng mộ về việc Việt Nam đã rất thành công trong việc cải cách kinh tế, duy tri được tốc độ phát triển nhanh, nhưng đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình.

Chủ tịch Thượng viện Pháp cho rằng vẫn còn "món nợ" với Việt Nam vì chưa có dịp thăm đất nước này kể từ khi nhậm chức và mong muốn sẽ sớm có dịp đến Việt Nam khi điều kiện y tế cho phép.

Ông Gérard Larcher cũng khẳng định Pháp hết sức coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam và mong muốn quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, an ninh quốc phòng đến kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục.

Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher khẳng định Thượng viện Pháp mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Quốc hội Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục