Củng cố khối đại đoàn kết và phát huy nguồn lực trí thức Kiều bào

Phát huy nguồn lực Kiều bào là một trong những nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
Củng cố khối đại đoàn kết và phát huy nguồn lực trí thức Kiều bào ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với Kiều bào tiêu biểu dự Chương trình Xuân Quê hương 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và hướng về quê hương, thực sự trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước.

Phát huy nguồn lực Kiều bào, nhất là nguồn lực trí thức trong tổng thể nguồn lực quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, sự hưởng ứng của nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, nhận thức, ý thức trách nhiệm trong triển khai công tác đại đoàn kết từ cả phía các cơ quan trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều có những chuyển biến tích cực.

Các quan điểm nhất quán và xuyên suốt: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài “là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân,” “thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc” đã được khẳng định ngay từ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; sau đó là các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và gần đây nhất Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận số 12-KL/TW).

[Thu hút nguồn lực, tạo động lực để Kiều bào Trẻ hướng về đất nước]

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết một trong những điểm mới của Kết luận số 12-KL/TW là thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

"Đảng và Nhà nước luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào ta ở nước ngoài, song đây là lần đầu tiên quan điểm này được chỉ rõ trong một văn bản của Bộ Chính trị," Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Trong các chuyến công tác nước ngoài, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành thời gian gặp cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo sở tại quan tâm tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bà con.

Đáng chú ý, Kết luận số 12-KL/TW đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc,” từ đó “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, sau 2 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đạt được một số kết quả quan trọng.

Công tác tham mưu, xây dựng chính sách có những chuyển biến tích cực, ngày càng đáp ứng tốt hơn những nguyện vọng chính đáng của bà con.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các chính sách liên quan đến Kiều bào, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của Kiều bào như chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, đầu tư, sở hữu tài sản…

Công tác đại đoàn kết, vận động Kiều bào hướng về quê hương tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết và tinh thần hướng về quê hương đất nước của Kiều bào. Kiều bào ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước và có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho Tổ quốc.

Việc phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được chú trọng. Công tác hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại tiếp tục được quan tâm. Công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được triển khai mạnh mẽ. Công tác thông tin tới người Việt Nam ở nước ngoài được đổi mới về nội dung và hình thức, chú trọng phát triển nội dung trên nền tảng số để Kiều bào có thể dễ dàng tiếp cận thông tin.

Củng cố khối đại đoàn kết và phát huy nguồn lực trí thức Kiều bào ảnh 2Các Kiều bào xúc động thực hiện nghi lễ chào cờ tại Trường Sa. (Ảnh: Thuỳ Giang/TTXVN)

Cùng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin, lòng tự hào dân tộc của mỗi Kiều bào không ngừng được củng cố.

Sức mạnh trí thức của Kiều bào

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, mỗi một dân tộc.

Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng không tách rời với dân tộc, đất nước; có đóng góp quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn được Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao.

Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của gần 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại, đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…

Hiện Kiều bào có 385 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và có vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn kiều hối về nước liên tục tăng bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19 và biến động của tình hình thế giới. Kiều hối năm 2022 đạt 19 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ, đưa Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Đánh giá phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế khoa học và công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết thời gian gần đây, số chuyên gia, trí thức Kiều bào tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300 lượt người/năm. Trí thức Kiều bào ngày càng tham gia trực tiếp và sâu rộng vào các quá trình hợp tác, cùng đồng hành tích cực với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi vào những vấn đề phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp sáng tạo, các vấn đề về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhiều chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài đang cộng tác, cố vấn, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, 4 chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài được lựa chọn tham gia Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và đã có những đóng góp ý nghĩa như đưa ra các khuyến nghị về các lĩnh vực kinh tế-xã hội, động lực tăng trưởng, tăng vốn đầu tư khu vực Nhà nước, khai thác tài nguyên...

Số trí thức, chuyên gia Kiều bào về nước khởi nghiệp hoặc làm việc tại các tập đoàn, công ty tư nhân trong nước, đặc biệt là các công ty của Kiều bào có xu hướng tăng mạnh. Đây là những tín hiệu đáng mừng, cần được khuyến khích trong bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước.

Chú trọng trí thức Kiều bào Trẻ

Trong tổng thể trí thức Việt Nam ở nước ngoài, lực lượng Kiều bào Trẻ luôn được quan tâm và là một trong những ưu tiên trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

“Tiềm lực của thế hệ Kiều bào Trẻ ngày càng được khẳng định, thể hiện qua 3 khía cạnh là trí lực, tài lực và đặc biệt là tình yêu, tấm lòng dành cho quê hương, nguồn cội. Do đó, việc tạo sự kết nối người trẻ với cội nguồn, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống, lịch sử, văn hóa, lối sống của dân tộc cũng như tạo điều kiện thu hút, khuyến khích thế hệ trẻ Kiều bào hướng về quê hương, đất nước rất quan trọng,” ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin-Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, khẳng định.

Củng cố khối đại đoàn kết và phát huy nguồn lực trí thức Kiều bào ảnh 3Đoàn thanh niên Kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Hiện có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thu hút và phát huy nguồn lực của Kiều bào Trẻ như: Nghị định 87/2014/NĐ-CP về thu hút cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam; Quyết định số 1314/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ giai đoạn 2022-2030. Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 05/2023/TT-BKHCN về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học công nghệ; đang xây dựng Đề án thu hút và phát huy hiệu quả các nhà khoa học, công nghệ, chuyên gia giỏi người Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ Nội vụ đang xây dựng Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài với các giải pháp tổng thể nhằm thu hút nguồn lực từ cộng đồng, nhất là các Kiều bào Trẻ, trong tham gia xây dựng quê hương đất nước.

Ông Đinh Hoàng Linh cho biết các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cũng chú trọng đồng hành, hỗ trợ các hoạt động của thế hệ trẻ Kiều bào hướng về đất nước. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang bảo trợ cho các cuộc thi khởi nghiệp do các hội đoàn thanh niên, sinh viên ở nước ngoài tổ chức, hỗ trợ kết nối các trí thức, doanh nhân Kiều bào với các cơ quan khi về nước hoạt động.

Nhiều bộ ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh… có các trung tâm, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó các nhà khởi nghiệp trẻ người Việt Nam ở nước ngoài cũng được nhận rất nhiều hỗ trợ, ưu đãi.

Đáng chú ý, môi trường hoạt động khoa học công nghệ, đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam hiện có nhiều cải thiện, có dư địa phát triển lớn, là thị trường tiềm năng dành cho nhà đầu tư và start-up.

Qua các chương trình này, Kiều bào Trẻ có thể nắm bắt và tận dụng tốt những ưu thế của Việt Nam, một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất để làm điểm cất cánh cho những ý tưởng sáng tạo cũng như sự nghiệp của mình.

Kết quả, những năm gần đây, số lượng Kiều bào Trẻ tham gia các hoạt động đóng góp cho đất nước tăng lên đáng kể, dưới rất nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Các Kiều bào Trẻ còn tích cực trau dồi chuyên môn và trở thành đại diện văn hóa tích cực của Việt Nam khi ở sở tại.

Hoan nghênh các thanh niên, sinh viên người Việt Nam ở nước ngoài có những hành động thiết thực hướng về đất nước, ông Đinh Hoàng Linh chia sẻ: “Dù là đóng góp trực tiếp hay gián tiếp đều rất đáng quý. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao sẽ luôn là mái nhà chung, hết lòng hỗ trợ, kề vai sát cánh cùng các Kiều bào trẻ về nước lập nghiệp”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục