Cung cấp thông tin về dự án, quy hoạch để ngăn chặn 'sốt đất' ảo

Việc sửa đổi Nghị định số 117/2015/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ là công cụ hiệu quả để người dân tiếp cận thông tin chính xác về quy hoạch, tránh bị lôi kéo vào các cơn “sốt' đất ảo.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhận định về các đợt “sốt” đất ảo trong thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có vấn đề thiếu thông tin.

Trên thực tế, khi người dân thiếu thông tin về quy hoạch, về kế hoạch sử dụng đất, nhất là các dự án đang trong giai đoạn khảo sát, cho chủ trương hoặc chuẩn bị triển khai, sẽ dẫn đến tình trạng một số đối tượng “cò đất” cố tình “thổi giá” để… trục lợi.

[Chưa xử lý được "sốt đất" ảo đang diễn ra từ năm này qua năm khác]

Theo ông Khởi, để hạn chế vấn đề trên, một trong những giải pháp đặt ra là cần phải cung cấp đầy đủ thông tin về dự án, quy hoạch, đảm bảo cho người dân, khách hàng tiếp cận được thông tin chính xác, biết được pháp lý của từng dự án.

Xuất phát từ thực tế đó, vừa qua, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; trong đó có những quy định cho các địa phương cung cấp thông tin liên thông từ địa phương lên Bộ kịp thời và chính xác hơn.

Điểm đáng chú ý của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản là tối thiểu sẽ có những thông tin về quy hoạch dự án, dự án đủ điều kiện được bán...

Hiện, Chính phủ đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ; Bộ Xây dựng cũng đã có báo cáo giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ trong tháng 12/2021. Với quyết tâm của Chính phủ, dự kiến trong 1-2 tháng tới có thể sẽ ban hành.

Nói thêm về Nghi định 117, đại diện Bộ Xây dựng cho biết mục tiêu của Nghị định này là cung cấp thông tin một cách cơ bản, kịp thời, chính thống không chỉ trong cơ quan quản lý nhà nước từ địa phương đến Trung ương nắm được mà còn cung cấp thông tin cho khách hàng, người dân các thông tin liên thông thị trường.

Thế nhưng, Nghị định 117 đã ban hành từ năm 2015, nhưng đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu; thậm chí có nhiều thông tin rất khó cập nhật, phức tạp...

Rút kinh nghiệm từ Nghị định 117 nêu trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết việc sửa đổi Nghị định 117 là giải pháp cấp thiết để đơn giản hóa thông tin, cập nhật thông tin cần thiết, trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan. Sau khi ban hành, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức tập huấn để triển khai hệ thống thông tin tại các địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục