Cung cấp thiết bị bảo hộ hỗ trợ người cao tuổi ứng phó với COVID-19

Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ người cao tuổi trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Lễ bàn giao các thiết bị bảo hộ cá nhân và đồ dùng vệ sinh cá nhân hỗ trợ người cao tuổi trong bối cảnh COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng nay tại Hà Nội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã bàn giao các thiết bị bảo hộ cá nhân và đồ dùng vệ sinh cá nhân hỗ trợ người cao tuổi trong bối cảnh COVID-19 cho Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Hội Người cao tuổi Việt Nam và Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam.

Đây là hoạt động nhằm bảo đảm khả năng sẵn sàng ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Theo đó, UNFPA tài trợ 700 bộ thiết bị bảo hộ cá nhân gồm găng tay, khẩu trang, kính chống giọt bắn; 85 máy đo thân nhiệt; hơn 1.800 lọ dung dịch cồn sát khuẩn tay...

Những thiết bị bảo hộ cá nhân này sẽ được chuyển tới các trung tâm bảo trợ xã hội và các nhân viên, tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ bùng phát dịch cao như Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam. 

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến người cao tuổi, đây cũng là mối quan ngại của xã hội về sức khỏe và quyền của nhóm dân số cao tuổi. Bất kể ai ở độ tuổi nào đều có thể nhiễm COVID-19, tuy nhiên người cao tuổi và những người có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh nghiêm trọng hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Người cao tuổi đang sinh sống tại các cơ sở chăm sóc dài hạn, ví dụ như các trung tâm bảo trợ xã hội, phục hồi chức năng và nhà dưỡng lão cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh nguy cơ lây nhiễm và những hệ quả bất lợi khác từ COVID-19.

[UNFPA hỗ trợ 6.903 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp cho phụ nữ, trẻ em gái]

Người cao tuổi đang sống một mình cũng có thể gặp phải những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận thông tin chính thống, thực phẩm, thuốc men và các vật dụng cần thiết khác trong thời gian cách ly. Đây là lý do mà người cao tuổi rất cần hỗ trợ của cộng đồng.

Phát biểu tại lễ bàn giao, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: “COVID-19 đang đặt ra cho chúng ta những thách thức đầy cam go, khi mà đại dịch này đang làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi. Rõ ràng, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người cao tuổi là cao hơn, và tỷ lệ này ở người trên 80 tuổi cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu. Vì vậy, người cao tuổi cần phải được coi là một ưu tiên trong việc ứng phó với COVID-19, nhằm đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động ứng phó nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển."

Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, với số lượng người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,7% tổng dân số, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là một trong số ít các quốc gia có thể ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một hành động quan trọng mà Việt Nam cần thiết phải làm trong lúc này chính là phải chuẩn bị đầy đủ điểu kiện để đảm bảo các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc cho người cao tuổi luôn tận tình và không bị gián đoạn nhằm bảo vệ nhóm đối tượng này khỏi các tác động từ đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng cần đặc biệt chú ý đến nhóm người cao tuổi sống đang sống một mình, người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc và người cao tuổi là người khuyết tật.

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đánh giá cao sự hỗ trợ từ UNFPA tại Việt Nam.

“Đảm bảo sức khỏe cho người dân, đặc biệt là việc cung cấp các hỗ trợ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết cho người cao tuổi, là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Vấn đề bảo vệ sức khỏe của đội ngũ nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc cho người cao tuổi cũng cần phải được chú trọng tương tự như việc cứu sống con người. Chính vì vậy, họ cũng cần phải được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân,” bà Phạm Thị Hải Hà chốt lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục