Có một hình ảnh mà hơn một lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới khi nhìn lại năm 2017 là “lãnh đạo ngành tài chính xách cặp đi đốc thu cả tháng trời.” Điều ấy có lẽ phần nào lý giải, không phải ngẫu nhiên, thu ngân sách trong năm 2017 lại được hoàn thành xuất sắc đến thế, vượt dự toán 71.000 tỷ đồng (tương đương 5,9% dự toán).
Trong một năm như lời Thủ tướng đã nhấn mạnh nhiều lần là nhiều kỷ lục, ngành tài chính cũng tự đánh dấu một năm kỷ lục của riêng mình khi lần đầu tiên trong 10 năm, bội chi ngân sách giảm khoảng 4.000 tỷ đồng so dự toán. Điều đáng mừng nữa là, nợ công từ mức ngấp nghé trần 65%GDP đã lùi về ngưỡng 61,3% GDP. Và, như cách nói của vị tư lệnh ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việt Nam đã đủ bản lĩnh để từ chối những khoản vay lãi cao, hiệu quả thấp.
Trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong những ngày cuối cùng của năm cũ, ông nhắc lại những con số trên nhưng mọi thứ không hề nhẹ nhàng như báo cáo. Đã có những lúc ngân sách gặp không ít khó khăn vì kinh tế tăng trưởng chậm, một số khoản thu không hoàn thành dự toán hay việc chậm giải ngân vốn đầu tư,…
Một năm nhiều cảm xúc đã khép lại và câu hỏi đặt ra với vị Bộ trưởng quản lý “túi tiền quốc gia” là ngành tài chính sẽ làm gì trong năm 2018, một năm nhiều thách thức khi nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm thuế mạnh nhất.
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Tài chính để nghe ông tâm sự về chặng đường dài phía trước.
[Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 'Đã tới lúc phải thúc ép các bộ, ngành']
- Nhìn lại năm 2017, về điều hành ngân sách, Bộ trưởng cảm thấy hài lòng với kết quả nào và đâu là điểm chưa được như kỳ vọng của ngành tài chính?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nhìn lại năm 2017, có thể nói, công tác điều hành ngân sách cũng gặp không ít khó khăn, đáng chú ý là những tháng đầu năm kinh tế tăng trưởng chậm, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tiến độ giao kế hoạch vốn đầu tư chậm, kéo theo việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn của các chủ đầu tư bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những tháng cuối năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã chuyển biến tích cực, nhiệm vụ thu, chi ngân sách đã về đích thắng lợi.
Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước tính đến cuối năm 2017 ước đạt trên 1,283 triệu tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Đây là kết quả rất tích cực. Có được kết quả này là nhờ việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là công tác quản lý thu.
Đặc biệt, áp lực nợ công đã giảm lớn, đến ngày 31/12/2017 nợ công ở mức 61,3% GDP trong phạm vi cho phép và cơ cấu nợ Chính phủ chuyển biển rất tích cực. Nếu như năm 2011, trong cơ cấu nợ Chính phủ thì nợ nước ngoài chiếm tới hơn 60%, nợ trong nước khoảng 40%, đến nay thì ngược lại. Đây là chuyển biến quan trọng và đang đi đúng hướng.
Ngoài ra, năm nay cũng lần đầu tiên trong 10 năm chỉ tiêu bội chi ngân sách Nhà nước được đảm bảo trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định, giảm khoảng 4.000 tỷ đồng so dự toán.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại chế như: Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước vượt dự toán Quốc hội giao nhưng một số khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh không hoàn thành dự toán; thu ngân sách Trung ương khó khăn, một số địa phương hụt thu cân đối ngân sách cần có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương để đảm bảo cân đối. Ngoài ra, công tác xử lý thuế nợ đọng chưa đạt kết quả mong muốn. Công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển rất chậm, đến hết năm nguồn vốn ngân sách Nhà nước mới giải ngân được khoảng 75,9% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 23,5% dự toán.
- Năm 2018 là năm được Chính phủ, Quốc hội nhìn nhận là nước ta vẫn tiếp tục đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Đặc biệt, nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm thuế mạnh nhất. Điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến thu, chi ngân sách của năm 2018, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi cho rằng bối cảnh kinh tế xã hội trong nước và thế giới năm 2018 có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, tác động hai mặt tích cực và tiêu cực tới hoạt động thu chi ngân sách. Cụ thể, mặt tích cực là kinh tế tiếp tục tăng trưởng, hoạt động xuất nhập khẩu tăng, dẫn đến số thu ngân sách tăng.
Trong khi đó các yếu tố tiêu cực như cắt giảm thuế quan theo các cam kết, giá dầu thế giới diễn biến khó lường, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hạn hẹp trong khi nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn,...
Dự toán ngân sách năm 2018 đã tính đến các yếu tố nêu trên. Chúng tôi sẽ tập trung vào điều hành chính sách tài khóa thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải pháp khác cần nhắc tới là quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Toàn ngành cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Trong điều kiện các nguồn thu ngân sách khó khăn hơn trước, các biện pháp giảm chi sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào trong năm 2018, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Kế thừa xu hướng tích cực về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2017, ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp.
Trong số này, một trong những giải pháp được chú trọng là siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành tài chính như: triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm ôtô công và trang thiết bị đắt tiền; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài,...
Ngoài ra, một vấn đề cần chú trọng là triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên ngân sách Trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2018 chưa phân bổ, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trong trung và dài hạn, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển gắn với tăng cường hiệu quả đầu tư công. Ngược lại, chúng ta cần giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước ở mức hợp lý theo tinh thần của Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị.
- Dư luận thời gian qua rất quan tâm tới một số đề xuất điều chỉnh tăng các loại thuế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu cơ quan chức năng quản lý tốt, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước thì chưa nhất thiết phải tăng thuế. Xin Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về ý kiến này và Bộ Tài chính sẽ làm gì để phát huy dư địa, tăng thu ngân sách trong thời gian tới?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong bối cảnh thu từ dầu thô giảm, thu từ xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan mà Việt Nam đã ký kết tại các Hiệp định thương mại, điều này sẽ tác động đáng kể đến cơ cấu thu ngân sách Nhà nước. Vì vậy, từ cuối năm 2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 trong đó có giải pháp tăng tỷ trọng thu nội địa, điều tiết hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu.
Qua công tác chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý thuế đối với cơ sở kinh doanh, Bộ Tài chính thấy rằng việc chống thất thu, đảm bảo công bằng thuế có trọng điểm, đúng người và đúng lúc là cần thiết. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế ở nhiều lĩnh vực cũng còn phải hoàn thiện, xây dựng chính sách thuế chặt chẽ, minh bạch. Có như vậy, câu chuyện thất thu thuế mới có cơ hội bớt dài kỳ.
Theo đó, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật về thuế, thu thập kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở đó định hướng sửa đổi một số nội dung. Việc sửa đổi các Luật thuế hướng tới các mục tiêu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước, qua đó mở rộng cơ sở thu.
Việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Việc sửa đổi, bổ sung cũng phải đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế; đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu ngân sách nhà nước, chống gian lận thương mại, chuyển giá,...
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!