Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vừa đề xuất kế hoạch loại bỏ bệnh cúm gia cầm H7N9 đang tiếp tục lây lan ở nước này, với hơn 100 trường hợp tử vong kể từ khi phát hiện bệnh ở người lần đầu tiên.
Trong kế hoạch trên, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc kiến nghị phải nâng cao năng lực theo dõi cúm gia cầm trong phòng thí nghiệm thú y ở cả ba: cấp tỉnh, thành phố và huyện; thực hiện theo dõi toàn diện những nơi trọng điểm; kịp thời phát hiện và loại bỏ virus cúm H7N9 trong các khâu lưu thông trên thị trường và chăn nuôi gia cầm.
Bộ sẽ nỗ lực giảm nguy cơ virus lây lan sang người; giảm nguy cơ virus lây lan từ thị trường gia cầm sống sang nơi chăn nuôi; giảm những rủi ro thị trường mà ngành gia cầm phải đối mặt.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng nêu rõ phải phân khu và phân loại để theo dõi. Theo đó căn cứ vào việc đã từng phát hiện ra virus hay chưa để xác định các tỉnh, khu vực, thành phố, cần được theo dõi trọng điểm hay theo dõi thông thường. Nếu là theo dõi trọng điểm phải chú ý tới mọi khâu, theo dõi thông thường tập trung vào khâu lưu thông và nơi chăn nuôi gia cầm giống.
Trường hợp đầu tiên mắc bệnh cúm gia cầm H7N9 ở người được phát hiện tại Trung Quốc vào năm 2003. Tính đến ngày 18/2 vừa qua, ở nước này đã có gần 350 người mắc bệnh này; trong đó có gần 110 người đã tử vong.
Theo thống kê của Hiệp hội vật nuôi Trung Quốc, thiệt hại trực tiếp do cúm H7N9 gây ra đối với ngành gia cầm nước này trong nửa đầu năm 2013 là 60 tỷ NDT và từ đầu năm đến nay là 20 tỷ NDT.
Kết quả điều tra bệnh học lưu hành và theo dõi trên toàn Trung Quốc cho thấy virus cúm H7N9 có thể lây lan từ người mắc bệnh, gia cầm mắc bệnh và môi trường bị ô nhiễm. Các mẫu dương tính với loại cúm này chủ yếu đến từ những điểm buôn bán gia cầm sống nhưng cũng không loại trừ một số nơi chăn nuôi bị ô nhiễm./.