Cúm H5N1 vẫn đe dọa sức khỏe người và động vật

FAO cho biết tuy cộng đồng quốc tế đã loại trừ cúm gia cầm H5N1 thành công, nhưng virus H5N1 vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia.
Ngày 20/4, Tổ chức Lương-Nông của Liên hợp quốc (FAO) cho biết, tuy cộng đồng quốc tế đã thành công trong nỗ lực phối hợp loại trừ cúm gia cầm H5N1 ở gần như toàn bộ 63 quốc gia bị lây nhiễm vào đỉnh cao của đợt dịch này năm 2006, nhưng virus H5N1 vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia, vì thế vẫn đe dọa sức khỏe con người và động vật.

Trong thông cáo báo chí phát hành tại trụ sở Liên hợp quốc (nhân hội nghị cấp bộ trưởng về vấn đề này diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày 20-21/4), FAO cho biết virus H5N1 hiện vẫn còn tồn tại ở một số nước.

Việc kiểm soát virus H5N1 tiếp tục là ưu tiên của cộng đồng quốc tế. Mặc dù từ năm 2009, mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đã chuyển sang virus cúm A/H1N1, nhưng H5N1 vẫn tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người và ngành chăn nuôi.

FAO lưu ý rằng, đợt bùng phát cúm gia cầm vừa qua đã làm 292 người thiệt mạng, hơn 260 triệu gia cầm bị chết hoặc bị tiêu hủy, gây thiệt hại 20 tỷ USD cho các nền kinh tế toàn cầu, phá hủy nhiều trại chăn nuôi và trang trại gia đình.

Do đó chừng nào virus H5N1 còn tồn tại, dù chỉ ở một quốc gia, thì nó vẫn còn là mối đe dọa đối với sức khỏe con người và cần phải được quan tâm xử lý.

FAO cho biết, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ đợt cúm gia cầm H5N1 vừa qua chính là những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, những người phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ chăn nuôi gia cầm.

Gia cầm và chim muông cũng đồng thời là nguồn cung cấp protein chủ yếu của họ.

FAO lưu ý rằng con người vẫn tiếp tục bị lây nhiễm nhiều loại cúm từ động vật. 75% số ca lây nhiễm mới ở người là từ động vật. 44% số người nhiễm virus H5N1 đã tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, nhiều nước vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ trong trường hợp siêu vi cúm gia cầm H5N1, vốn nguy hiểm hơn virus cúm A/H1N1, bùng phát trên phạm vi rộng lớn.

FAO cho biết trong giai đoạn 5 năm, từ 2005-2009, các nước tài trợ đã hứa đóng góp 4,3 tỷ USD cho nỗ lực phòng chống cúm gia cầm và gia súc, trong đó 2,7 tỷ USD đã được giải ngân.

Trong diễn biến liên quan đến cúm A/H1N1, hiện WHO vẫn tiếp tục phải hứng chịu những chỉ trích xung quanh quyết định tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1 hồi tháng Sáu năm ngoái, cho rằng thế giới phải chịu tổn thất không nhỏ về tiền của cũng như khiến người dân trên toàn cầu hoang mang không cần thiết.

Ông Paul Flynn, người đứng đầu một hội đồng điều tra của châu Âu về vấn đề này, cho rằng quyết định của WHO dẫn đến việc thay đổi những ưu tiên trong công tác y tế, tập trung vào cúm A/H1N1 thay vì tập trung vào các vấn đề cứu người quan trọng hơn.

Những chỉ trích còn cho rằng phản ứng của cộng đồng quốc tế do WHO chỉ đạo trước đại dịch cúm A/H1N1 là "thái quá" và có thể "bị chi phối" bởi một số hãng dược phẩm muốn kiếm lời từ việc sản xuất vắcxin phòng dịch mới.

Kết quả là nhiều chính phủ đã phải chi những khoản tiền hàng trăm triệu USD để mua vắcxin, song đó lại là sự lãng phí vô cùng lớn bởi nhiều người dân từ chối tiêm phòng.

Ủy ban khẩn cấp do WHO lập ra để điều tra những cáo buộc liên quan phản ứng của quốc tế trước đại dịch cúm A/H1N1 trong năm qua dự kiến đưa ra báo cáo kết luận cuối cùng về vấn đề này vào mùa Thu năm nay.

Cúm A/H1N1, tuy nhẹ hơn H5N1, nhưng cũng đã làm nhiều người chết và đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của phụ nữ mang thai.

Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm cúm A/H1N1 tử vong cao gấp 10-15 lần so với nhiễm cúm theo mùa.

Kể từ khi bùng phát hồi tháng 4/2009, cúm A/H1N1 đã lan ra gần khắp thế giới.

Tính đến ngày 14/3 vừa qua, số ca nhiễm cúm A/H1N1 đã được ghi nhận tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục