Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có báo cáo đánh giá về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong bảy tháng vừa qua, trong đó chỉ ra hàng loạt các lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu đồng thời cũng phân tích nhiều nhóm nguyên nhân chủ quan, trực tiếp gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay và công tác giám sát bảo đảm an ninh, an toàn hàng không còn hạn chế.
Báo động sự cố an toàn, an ninh
Theo báo cáo của Cục Hàng không, trong bảy tháng qua, cả nước đã xảy ra 175 sự cố an toàn bay, tăng 34 vụ so cùng kỳ năm 2013. Sự cố do lỗi nhân viên hàng không giảm mạnh (24 vụ so 34 vụ cùng kỳ năm 2013); sự cố do chim va chạm tăng cao (22 vụ)…
Đánh giá về tình hình anh toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các đơn vị thực hiện các khuyến cáo, yêu cầu; việc áp dụng chế tài trong trường hợp phát hiện sai lỗi còn hạn chế.
Cụ thể, công tác giám sát trực tiếp của Cảng vụ còn yếu, thiếu nhân lực chuyên môn sâu; sự phối hợp giữa đơn vị thi công, sân bay, đài chỉ huy chưa tốt; hệ thống đánh số sân đỗ chưa khoa học; vẫn còn để xảy sự cố hàng không do lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay, lỗi hệ thống; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cho hành khách còn kém hiệu quả dẫn đến các vụ hành khách không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không tăng mạnh (14 sự cố so với 4 sự cố cùng kỳ năm 2013).
Liên quan đến vấn đề an ninh hàng không, theo số liệu thống kê của Cục Hàng không, cũng trong thời gian trên, cả nước đã ghi nhận 171 vụ việc vi phạm về an ninh hàng không, tăng 77 vụ tương ứng với 82% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, không có vụ việc nghiêm trọng và đều được phát hiện, xử lý kịp thời.
[An ninh hàng không: Vẫn còn có những “lỗ hổng” trong quản lý]
Dẫn chứng, số vụ vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay tăng 450%. Các trường hợp này đều do xác nhận nhân thân không đúng của chính quyền cấp xã, phường vì mục đích kinh tế, hợp thức để sử dụng giá vé rẻ.
Đặc biệt, hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vật phẩm nguy hiểm sai quy định tăng 50%, chủ yếu trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam. Số vụ gây rối, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, nhân viên hàng không thực hiện không đúng nhiệm vụ tăng 182%.
Lý giải về những tồn tại, hạn chế của công tác bảo đảm an ninh hàng không, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam phân tích rõ, các hãng hàng không Việt Nam chưa thực hiện tốt việc triển khai các quy định của pháp luật Việt Nam tại sân bay nước ngoài; chưa thiết lập hệ thống bảo đảm an ninh độc lập của hãng. Một số chính quyền cấp phường, xã vi phạm nghiêm trọng quy định về chứng nhận nhân thân. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, phối hợp của Cục Hàng không, Cảng vụ hàng không về bảo đảm an ninh hàng không còn một số hạn chế.
Hàng không giá rẻ chậm, hủy chuyến cao
Trong bảy tháng vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 86.864 chuyến bay, tỷ lệ chậm là 20,9%, tỷ lệ hủy là 3,0%. Tổng cộng tỷ lệ chậm, huỷ chuyến là 23,9%.
Cụ thể, đứng đầu chậm hủy chuyến là hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (chậm chuyến chiếm 41,5% hủy chuyến 3,4%), xếp ngay sau là Vietjet Air chậm chuyến 40,1% hủy chuyến 3,2%. Vietnam Airlines có tỷ lệ chậm, hủy chuyến thấp hơn, trong đó chậm chuyến là 13,1%, hủy chuyến 2,6%, Vasco chậm chuyến thấp nhất khi chỉ chiếm 10,1%, hủy chuyến 7,5%.
Đánh giá về vấn đề này, Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra nhiều nhóm nguyên nhân chủ quan trực tiếp gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay gồm hạ tầng một số Cảng hàng không, sân bay chưa đáp ứng tốc độ phát triển; sự quá tải tại các sân bay lớn (khu bay, nhà ga); tắc nghẽn không lưu tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; công tác lập kế hoạch, chuẩn bị trước chuyến bay của hãng hàng không còn hạn chế; cách tính thời gian quay đầu tàu bay chưa phù hợp; sự phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trong dây chuyền tại một số Cảng hàng không chưa tốt. Thời tiết phức tạp, chất lượng dịch vụ khí tượng còn hạn chế cũng đã làm 106 chuyến phải bay chờ, đi sân bay dự bị.
“Công tác giám sát bảo đảm an ninh, an toàn hàng không còn hạn chế; việc chỉ đạo, giám sát thực hiện các khuyến cáo, yêu cầu liên quan đến kết cấu hạ tầng, phương tiện tại cảng hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ còn hạn chế,” đại diện Cục Hàng không cho hay.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Hàng không cũng thẳng thắn đề cập đến trách nhiệm của công tác giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền lợi của hành khách, thực hiện trách nhiệm của hãng hàng không trong trường hợp chậm, hủy chuyến bay theo các văn bản pháp luật còn hạn chế; việc thực hiện nghĩa vụ của các hãng hàng không, văn hoá ứng xử của nhân viên hàng không còn nhiều tồn tại, thiếu sót.
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, giảm tình trạng chậm hủy chuyến bay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Cảng Hàng không, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các hãng hàng không tăng cường tuyên truyền cho hành khách về chế tài đối với các hành vi vi phạm để giảm thiểu và quản lý được hành khách gây rối; mở rộng, cải tiến kết cấu hạ tầng Cảng hàng không sân bay; điều chỉnh lịch bay bao gồm thời gian quay đầu tàu bay, thời gian lăn ra, lăn vào phù hợp với năng lực của hãng và điều kiện khai thác thực tế của cảng hàng không, sân bay; bảo đảm giờ bay dự phòng; thực hiện nghiêm các nghĩa vụ của hãng trong điều kiện chậm, huỷ chuyến; loại bỏ việc huỷ chuyến vì lý do thương mại…/.
Trong tháng Bảy, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 15.844 chuyến bay, tỷ lệ chậm là 20,7%, tỷ lệ hủy là 1,4%, tổng cộng tỷ lệ chậm hủy chuyến là 22,1%, giảm so với bình quân Bảy tháng đầu năm là 23,9%. Trong đó, không còn huỷ chuyến vì lý do thương mại.