Cục hàng không hướng tới giảm tiếng ồn tại cảng hàng không, sân bay

Đại sứ Nhật Bản ở Việt Nam cho rằng sự phát triển của Việt Nam kéo theo ô nhiễm không khí, tiếng ồn, đặc biệt ở các sân bay, bởi vậy, Nhật Bản sẽ đồng hành cùng Việt Nam để giải quyết vấn đề này.
Các đại biểu tham gia hội thảo. (Nguồn: Cục hàng không)

Hội thảo "Hướng tới chính sách môi trường toàn diện về tiếng ồn tàu bay, sân bay tại các cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam" đã được diễn ra ngày 29/11.

Hội thảo do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhập Bản (JICA) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rion và Cục hàng không thuộc Bộ Giao thông, Cơ sở hạ tầng, Đất đai và Du lịch Nhật Bản tổ chức; đây cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Theo ông Umeda, Đại sứ toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Việt Nam đang đạt được những con số tăng trưởng về kinh tế vĩ mô ấn tượng, có lượng vốn đầu tư từ nước ngoài lớn, đặc biệt là lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông. Đây là thời điểm tốt để Việt Nam đón những cơ hội mang tính lịch sử.

Sự phát triển đó kéo theo vấn đề về ô nhiễm không khí, không khí tiếng ồn, đặc biệt tại các cảng hàng không, sân bay. Nhật Bản với nhiều kinh nghiệm trong xử lý ô nhiễm tiếng ồn sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong vấn đề này.

Thách thức trong quản lý tiếng ồn tại Việt Nam

Số liệu của Viện Khoa học Công nghệ và giao thông vận tải ITST cho biết ô nhiễm tiếng ồn quanh khu vực sân bay ở Việt Nam dao động ở khoảng 48-71dB.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Sức khỏe Thế giới WHO, con người không nên tiếp xúc với tiếng ồn tàu bay trên 45dB vào ban ngày, 40dB vào ban đêm. Ở trên hai mức này, con người có thể chịu tổn hại tới thính giác, cản trở giao tiếp bằng hội thoại, ảnh hưởng tới giấc ngủ, thể chất, tim mạch, sức khỏe tâm thần...

Hiện nay QCVN 26:2010/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn) chỉ quy định về mức độ ồn cho phép cho môi trường xung quanh nói chung, như vậy là không đầy đủ và thiếu chính xác để áp dụng cho ô nhiễm tiếng ồn ở các sân bay và cảng hàng không.

Thiết bị quan trắc tiếng ồn NA39A (trái), micro nhận dạng hướng bay - bên phải. (Nguồn: Cục hàng không)

Theo bà Vũ Thị Thanh, Phó phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng không Việt Nam, việc mở rộng diện tích cảng hàng không, sân bay có thể gây ra tình trạng gia tăng cư trú ở khu vực lân cận. Đồng thời, mở rộng như vậy các kiến nghị, khiếu nại về tiếng ồn cũng có khả năng gia tăng.


Hướng giải quyết cho Việt Nam

Đầu tiên, Việt Nam có thể tham khảo các biện pháp xử lý tiếng ồn của Nhật Bản, bao gồm giảm tiếng ồn tại nguồn (cải thiện chất lượng tàu bay, cải thiện phương pháp điều hành bay, hạn chế cất/hạ cánh vào ban đêm); cải tạo cấu trúc các cảng hàng không (dịch chuyển đường băng, triển khai đường băng trên biển, tái cấu trúc các cảng hàng không bằng tường chắn ồn..; và quản lý, quan trắc tiếng ồn để đưa ra biện pháp phù hợp; thực hiện triển khai các biện pháp môi trường xung quanh cảng hàng không (hỗ trợ hoàn thiện các cơ sở công cộng, hỗ trợ thi công nhà chống ồn, hỗ trợ hoàn thiện các công trình hạ tầng lân cận, đảm bảo vụng đêm không gian xanh để giảm tiếng ồn).

Đồng thời, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thành xây dựng mô hình tiếng ồn theo thông tư 53 để có thể dự đoán xu hướng, tình trạng phơi nhiễm tiếng ồn tàu bay, xác định khu vực chịu tác động bởi tiếng ồn để đảm bảo sức khỏe.

Cuối cùng, Cục hàng không cũng cần nhanh chóng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ sở phù hợp theo khuyến nghị của ICAO, các quy trình bắt buộc của Chính phủ Việt Nam, WHO,... /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục