Tại Hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2024 diễn ra ngày 2/8, Cục Dân số (Bộ Y tế) thông tin hiện nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp bị cắt giảm nhiều. Ở Trung ương, kinh phí được cấp năm 2024 chỉ bằng 17% so với bình quân năm trong giai đoạn 2016-2020 và đến hết 6 tháng đầu năm 4/8 chương trình, đề án về dân số vẫn chưa có kinh phí để triển khai.
Một khó khăn nữa đó là tổ chức bộ máy, cán bộ ở cả trung ương và địa phương biến động, một số tỉnh, thành phố có chủ trương chuyển Chi cục thành phòng Dân số; các địa phương khó khăn trong việc mua phương tiện tránh thai miễn phí, đặc biệt là thuốc tiêm, thuốc cấy; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ dân số chưa kịp thời và tương xứng với nhiệm vụ. Kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cho thấy nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp và sẽ không đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030.
Việt Nam có nhiều nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm dân số
Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người, hiện là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, quy mô dân số Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ giảm dần.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của công tác dân số trong thời gian qua. Công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao; tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ) dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra; 6/8 chỉ tiêu chuyên môn đạt tỉ lệ thấp và dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời, cố gắng, nỗ lực.
Đặc biệt, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm nhiều; tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số ở cả trung ương và địa phương còn biến động; kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cho thấy nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp và sẽ không đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Dân số và phát triển tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh những kết quả công tác dân số đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh… Các tỉnh trong đó có Hưng Yên sẽ tiếp thu kinh nghiệm, có các giải pháp cụ thể khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác dân số, để đạt các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Cục Dân số, đến hết tháng 6/2024, các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực truyền thông, điều chỉnh mức sinh, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Đặc biệt đã có 25 tỉnh, thành phố đã xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết quy định về chính sách dân số trong tình hình mới.
Các tỉnh, thành phố đã bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, đề án về dân số đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện. Trong bối cảnh vừa kiện toàn tổ chức bộ máy của Cục Dân số và một số địa phương, kết quả thực hiện chỉ tiêu 6 tháng đầu năm về dân số cho thấy các hoạt động về dân số được triển khai khá đồng bộ ở các tuyến và dự kiến một số chỉ tiêu sẽ đạt được trong năm.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về công tác dân số năm 2024 cũng như cả giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Dân số khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tập trung vào hoàn thiện thể chế, cụ thể là chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Dự án Luật Dân số để đề xuất đưa dự án Luật Dân số vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2026. Cục Dân số phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.
Đối với sở y tế, chi cục các tỉnh, thành phố bà Hương đề nghị tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, hoạt động về truyền thông, điều chỉnh mức sinh, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tâm soát, điều trị bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 được giao.
Các đơn vị làm công tác dân số cần vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể và đặc biệt là việc phát huy vai trò của Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển các cấp, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao của ngành trong bối cảnh khó khăn chung của ngành y tế./.