Tại Hội thảo Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, do Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tổ chức ngày 6/8, Cục Dân số tiếp tục đưa ra đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con và trao quyền quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con cho các cặp vợ chồng.
Kiến nghị việc xử phạt sinh con thứ 3 không còn phù hợp
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay Bộ Y tế trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số, trong đó nổi bật là 6 chính sách mới về dân số được đề xuất bổ sung, xây dựng trong Luật Dân số.
6 chính sách nổi bật được đề xuất trong xây dựng Luật Dân số gồm: Duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số, dân số già; phân bố dân cư hợp lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Lê Thanh Dũng cho hay: “Chúng ta đang ở 1 thời điểm rất quan trọng trong việc xây dựng chính sách dân số, đó là đang xây dựng Dự thảo Luật dân số để trình Quốc hội. Năm 2023, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Dân số, Chính phủ có Tờ trình số 47/TTr-CP ngày 28/02/2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Căn cứ ý kiến thẩm tra, Bộ Y tế được giao tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số, báo cáo Chính phủ; dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới.”
Cục Dân số: Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp bị cắt giảm nhiều
Công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao...
Một trong những chính sách cơ bản của Luật Dân số là “Duy trì mức sinh thay thế” với mục tiêu chính sách bao gồm: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trong phạm vi cả nước, nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng; Quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm thực hiện quyền con người trong thực hiện chính sách dân số.
Theo ông Dũng, để thực hiện mục tiêu chính sách, các giải pháp dự kiến được đề xuất bao gồm như: Các biện pháp điều chỉnh mức sinh trên phạm vi toàn quốc; các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thấp; tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp giảm sinh tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh cao…
Theo Cục trưởng Cục Dân số, quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con đã áp dụng trong nhiều năm nay và mỗi giai đoạn lại có một chính sách khác nhau, trong đó có việc xử phạt do vi phạm các quy định về chính sách dân số như sinh con thứ 3… Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xử phạt đối với những đối tượng sinh con thứ 3 không còn phù hợp. Việt Nam đang có xu thế mức sinh giảm, mặc dù chưa ở mức báo động nhưng sẽ trở thành một vấn đề quan trọng nếu chúng ta không có giải pháp can thiệp từ bây giờ. Vì vậy, việc nới lỏng quy định sinh 1-2 con là cần thiết.
Phó giáo sư Nguyễn Đức Vinh - Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con. Bởi thực tế hiện nay cho thấy dù nới lỏng quy định chỉ sinh từ 1-2 con cũng sẽ có rất ít cặp vợ chồng muốn sinh nhiều hơn 2 con, do vậy không cần quá lo lắng rằng các cặp vợ chồng sẽ sinh quá nhiều con.
Tuy nhiên, để đảm bảo mức sinh thay thế trên toàn quốc, Phó giáo sư Nguyễn Đức Vinh cho rằng cần có những biện pháp đối với những vùng có mức sinh cao để giảm sinh, vùng có mức sinh thấp cần có chính sách khuyến khích sinh.
Tạo cơ sở pháp lý trong tình hình mới
Phó giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá trong thời gian qua, công tác dân số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế thành công, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì từ đó đến nay. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như xuất hiện một số vấn đề dân số thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023), xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, đối tượng chưa được khắc phục.
Bên cạnh đó, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao (tỷ số giới tính khi sinh là 111,8 bé trai/100 bé gái năm 2023); già hóa dân số tăng nhanh; chưa có các giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng (năm 2023 là 74,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa tương xứng; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập. Các yếu tố liên quan đến công tác dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới để có các biện pháp ứng phó với tốc độ già hoá dân số nhanh trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước...
Hiện nay, Bộ Y tế đang được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Dân số và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách của đề nghị xây dựng Luật Dân số.
Tại hội thảo, các đại biểu quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và bài học từ những quốc gia khác đã thành công trong việc xây dựng, thực thi các chính sách dân số; gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số và thảo luận, góp ý về các chính sách trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số.
Trình bày cụ thể về tầm quan trọng của Luật Dân số, Tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra (Cục Dân số) cho biết mục đích xây dựng Luật Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số; khắc phục các hạn chế, tồn tại; đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.
Luật Dân số góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là quan điểm chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển…
Dự kiến, Cục Dân số sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật Dân số trong tháng 12/2024./.