Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết những ngày qua, thông tin về dịch tả lợn châu Phi xuất hiện gần nhất tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng đây là vấn đề cần thiết phải đề phòng.
Theo ông Dương, thời điểm này, các doanh nghiệp và người chăn nuôi lợn cần bình tĩnh, không chủ quan trong việc phòng, chống dịch bởi dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vắc xin đặc trị. Đặc biệt là các sản phẩm từ lợn phải kiểm soát nghiêm ngặt, ngăn chặn ngay từ bên ngoài.
Ông Dương cũng khuyến cáo: "Quan trọng nhất là doanh nghiệp và người chăn nuôi chủ động phòng ngừa từ xa, chăm sóc tốt đàn lợn để tăng sức đề kháng, tiêm phòng bệnh đầy đủ; đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi cần hạn chế khách tham quan."
Đối với việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y cũng đã yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp phòng nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Theo đó, tăng cường chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.
Bên cạnh đó, tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường kiểm dịch động vật; theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu trứng, bệnh tích điển hình của dịch tả lợn châu Phi, hoặc nghi là lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Ngoài ra, thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu và các địa bàn có nguy cơ cao. Tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia vào các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; không mua bán lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế và phát sinh lây lan dịch bệnh.
Cục Thú y cũng yêu cầu các Chi cục thú y vùng và trung tâ chẩn đoán thú y Trung ương khẩn trương rà soát năng lực, xây dựng và ban hành quy trình chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi để thống nhất áp dụng trong phạm vi toàn quốc; chuẩn bị các điều kiện, trang thiết bị và nguyên vật liệu cần thiết để thực hiện chẩn đoán, xét nghiệm dịch bệnh tả lợn châu Phi...
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1/8/2018, bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever – viết tắt là ASF) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng đã có 4 ổ dịch tả lợn châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con.
Mặt khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Latvia, Mondova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraine và Zambia báo cáo có dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã). Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
Vi rút gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Do vậy, nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.
Hiện nay, chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng./.