Cuba trước cơ hội tạo ra một “thế cờ mới” trong cơ cấu kinh tế

Trong thời gian qua những chiến lược mà Chính phủ Cuba triển khai được đánh giá là kịp thời, mạnh mẽ và phù hợp với đất nước nhưng giới quan sát lại cho rằng những thách thức lớn còn ở phía sau.
Khách du lịch tham quan tỉnh Holguin, Cuba. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuần báo Progreso Semanal (xuất bản tại Mỹ bằng tiếng Tây Ban Nha) dự báo một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đang ngày càng tiến gần tới Cuba, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng trong lãnh thổ đảo quốc Caribe và hiện vẫn chưa thể biết thời điểm đỉnh dịch cùng những tác động cụ thể cuối cùng.

Theo bài viết, mặc dù trong thời gian qua những chiến lược mà Chính phủ Cuba triển khai được đánh giá là kịp thời, mạnh mẽ và phù hợp với những điểm mạnh, yếu của đất nước, giới quan sát lại cho rằng những thách thức lớn hơn đối với Cuba nằm ở sau đó.

Những khó khăn nội tại của nền kinh tế

Một khi xác định và vô hiệu hóa được các ổ dịch trong nước, những ổ dịch bên ngoài vẫn buộc La Habana phải duy trì hạn chế xuất nhập cảnh cho tới khi chấm dứt nguy cơ tái bùng phát.

Và trong một hành tinh không có cơ chế điều tiết toàn cầu, điều kiện này sẽ xảy ra đến khi xuất hiện một phác đồ điều trị hiệu quả hoặc vắcxin phòng tránh mà tất cả các nước có thể tiếp cận và điều này có thể kéo dài tới một năm hay thậm chí hơn. Chính vì vậy, con đường phía trước còn dài và nhiều chông gai.

Ở thời điểm này, một cuộc khủng hoảng sâu sắc cấp độ toàn cầu vẫn đang thành hình, với quy mô, cấp độ chưa thể biết trước. Việc cách ly trên diện rộng trong thời gian không xác định trước - bước đi cần thiết để tránh sự sụp đổ của các hệ thống y tế quốc gia - có thể dẫn tới một vòng tròn luẩn quẩn thường được gọi là bẫy trì trệ.

Khi tác động tới mức độ và cung cách tiêu dùng phổ biến, hiện tượng này dẫn tới việc hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, tụt nguồn cung, đẩy cao tỷ lệ thất nghiệp và kéo mức cầu xuống thấp, rồi từ đó lại gây ra việc giảm bớt tiêu thụ và vòng xoắn ốc kéo tới phá sản và thất nghiệp mới, bên cạnh những yếu tố phụ thuộc phức tạp hơn.

Cuba không thể thoát khỏi tác động của cuộc khủng hoảng này. Mức độ phụ thuộc cao vào yếu tố bên ngoài của kinh tế Cuba sẽ giáng đòn mạnh vào hoạt động của đất nước.

Mặc dù mức độ cách ly chưa ở mức toàn diện và về lý thuyết, người dân vẫn có thể tới chỗ làm, nhưng thế giới không còn vận hành như trước và cách thức hội nhập của Cuba cũng không thể giữ nguyên.

Giờ vẫn còn quá sớm để ước đoán với độ chính xác nhất định những tác động trong phần lớn các lĩnh vực kinh tế của Cuba, trừ một ngành then chốt đó là du lịch.

Ở đây, dự đoán là rất đơn giản sẽ không còn hoạt động du lịch trong phần lớn thời gian còn lại của năm 2020.

[Cuba ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 vượt quá 1.000 người]

Các du khách quốc tế không còn xuất hiện, khoản thu từ hoạt động trong và ngoài khách sạn theo đó "không cánh mà bay," nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng của nhiều xí nghiệp trong nước cũng như nhu cầu nhân công trong các điểm du lịch, các công ty lữ hành, dịch vụ hướng dẫn đều biến mất, những dịch vụ phái sinh dành cho thành phần kinh tế tư nhân cũng không còn.

Bên cạnh đó, hoạt động của khối vận tải, nhà hàng, phục vụ trong nhà, kinh doanh văn hóa phẩm, dịch vụ bảo dưỡng, cùng một loạt những hoạt động liên quan khác đều bị ảnh hưởng mạnh.

Cần phải nói rằng dù chỉ là ngành kinh tế có nguồn thu lớn thứ hai của Cuba (sau xuất khẩu dịch vụ y tế và dược phẩm), nhưng du lịch là ngành có tác động lớn nhất tới hoạt động kinh tế-xã hội trong nước.

Ngày 27/3 vừa qua, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã tuyên bố mức sụt giảm khách quốc tế trên toàn cầu ở mức 20-30% trong năm nay; đồng thời cảnh báo rằng những con số này cũng rất thiếu chắc chắn, do bản chất không thể dự báo của đại dịch.

Thậm chí ngay cả khi COVID-19 được đẩy lùi hoàn toàn, thì lòng tin của khách hàng đối với mức độ an toàn của hoạt động đi lại xuyên biên giới cũng bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, tác động của khủng hoảng kinh tế cũng giảm bớt hoạt động giao thông. Ngành công nghiệp du lịch thế giới sẽ phải mất ít nhất vài năm mới có thể trở lại với mức độ hoạt động mới đây, và có thể phải trải qua những thay đổi cấu trúc chưa thể lường trước.

Về phần Cuba, bản thân hoạt động du lịch trước đại dịch đã có nhiều báo hiệu tiêu cực, đặc biệt là trong năm qua.

Khép lại năm 2019, Cuba ghi nhận mức giảm 436.000  lượt du khách quốc tế so với năm 2018. Sau đó, trong tháng Một và Hai năm nay, trước khi COVID-19 lan rộng toàn cầu, lượng khách tới “hòn đảo tự do” cũng đã giảm 16,5% (156.000 lượt người) so với cùng kỳ năm năm ngoái.

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê và Thông tin quốc gia, trong 3 năm vừa qua, kể cả trong những ngày đông khách nhất của mùa cao điểm cũng có tới gần 40% số phòng khách sạn của Cuba không có khách.

Nếu việc chỉ riêng những số liệu này đã đặt ra không ít nghi vấn cho chiến lược của La Habana dồn vốn đầu tư ít ỏi của mình vào việc xây dựng khách sạn mới, thì việc phân tích bối cảnh hậu đại dịch sẽ gạt bỏ mọi nghi ngờ về tính bất cẩn của tính toán vĩ mô này.

Khách du lịch thăm quan thủ đô La Habana, Cuba. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những khoản đầu tư vẫn còn dang dở cho mục tiêu nâng số phòng khách sạn lên 100.000 vào năm 2030 trong bối cảnh khan hiếm thanh khoản trầm trọng.

Hiện tại Cuba mới có khoảng 70.000 phòng và đang tiến hành xây dựng thêm khoảng 40 khách sạn, hầu hết là bằng nguồn vốn tự có và không liên doanh).

Chỉ có thể lý giải rằng đây là một nước cờ mạo hiểm dựa trên tính toán rằng thị trường du lịch của Cuba tăng trưởng liên tục khi mà thị trường du lịch Cuba đã có 5 năm tăng trưởng liên tục khá nhanh trong giai đoạn 2014-2018.

Thị trường này được dự báo sẽ có bước nhảy vọt một khi thị trường Mỹ được mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ không diễn ra trong tương lai gần.
         
Do vậy, mục tiêu đó chắc chắn là phải xem xét lại bằng việc tiến hành lại các nghiên cứu tiền khả thi đối với hơn 20 dự án dự kiến khởi công trong năm 2020, và thậm chí cả với các khoản đầu tư đang tiến hành dang dở.

Phí tổn cho việc tiếp tục đầu tư vào những dự án không thể thu hồi vốn có thể còn lớn hơn việc tạm dừng và chuyển hướng đầu tư.

Nền kinh tế Cuba đang rất cần những khoản đầu tư cấp thiết từ nguồn lực ít ỏi vào những ưu tiên mang tính sống còn và vào các mục tiêu khả thi về kinh tế hơn trong tương lai. La Habana sẽ phải tính toán thật kỹ lưỡng và chính xác điều chỉnh chiến lược này vì họ không còn nhiều vốn để “đặt cửa.”

Tính cấp bách của việc đa dạng hóa nền kinh tế

Đối với đội ngũ điều hành kinh tế Cuba, thách thức hiện tại là khổng lồ, có lẽ mức độ phức tạp của tình hình có thể so sánh được với thời điểm khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ.

Có thể mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới sẽ thấp hơn so với thời điểm đầu thập kỷ 1990, nhưng chắc chắn rằng các điều kiện và xuất phát điểm hiện tại của Cuba để ứng phó với khủng hoảng cũng khó khăn hơn thời điểm lịch sử năm 1991.

Ngoài chiến dịch săn đuổi về tài chính và thương mại của Mỹ, được tiến hành trong khuôn khổ cấm vận từ hơn 6 thập kỷ qua và siết chặt trong những năm gần đây, năng lực sản xuất nội tại của Cuba giảm thiểu đáng kể so với cách đây 3 thập kỷ, đặc biệt là trong công nghiệp và sản xuất lương thực.

Nông dân làm việc trên cánh đồng ở ngoại ô thủ đô La Habana, Cuba. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong lịch sử, bất lợi lớn của mô hình kinh tế tập trung là sự bất lực trong việc tạo ra sự hài hòa giữa cung và cầu. Tất cả những kinh nghiệm thực hành của các mô hình kinh tế kiểu này đều thiếu hiệu quả trong việc xác định những ưu tiên của cá thể và do đó luôn không nắm bắt được những vận động của nhu cầu, tạo ra những hố ngăn cách giữa các nguồn lực được phân bổ và nhu cầu thực tế.

Thế nhưng, trong bối cảnh khẩn cấp hiện tại và trước nhu cầu tiến hành những thay đổi cấu trúc phục vụ việc chuyển hướng gấp nền kinh tế, mô hình kinh tế tập trung có thể nắm giữ một ưu thế tiềm năng là khả năng vận động những nguồn lực lớn một cách tức thì, không phải mất thời gian thông qua các tiến trình trung gian và cơ chế gián tiếp. Và nó cần được tận dụng ngay lập tức.

Sự phụ thuộc quá lớn hiện tại của nền kinh tế Cuba vào yếu tố bên ngoài chính là một vấn đề, thậm chí thuộc về an ninh quốc gia, từng kéo dài dai dẳng qua nhiều năm không được giải quyết và hiện chính là lúc bùng nổ hậu quả.

Giờ đây không thể trì hoãn việc giảm bớt sự phụ thuộc vào các hoạt động như du lịch để thúc đẩy các lĩnh vực khác mang tính tự cung tự cấp, ít phụ thuộc vào những biến động của nền kinh tế quốc tế và dựa trên những nền tảng nội tại hơn, để khép kín chu kỳ sản xuất-tiêu thụ ngay trong nước, hay ít nhất cũng để khối kinh tế này có đủ sức nặng để chống đỡ với mọi hoàn cảnh bên ngoài.

Tại Cuba, vẫn còn nhiều không gian tiềm năng cho các lĩnh vực kinh tế này chưa được khai thác hết.

Đồng thời, an ninh lương thực phải là ưu tiên phát triển số một. Nếu không có một cuộc cách mạng toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, trải dài từ chính sách, cơ chế chỉ đạo, thể chế sang tới các hình thức khuyến khích, mô hình quản lý, phương pháp thanh toán và cả các hình thức sở hữu nữa, sẽ không thể có cứu cánh khả thi cho Cuba trong khía cạnh này.

Mặt khác, từ thành công dự đoán trước của Cuba trong khả năng xử lý khủng hoảng y tế trong nước, hiệu quả của thuốc Interferon sản xuất theo công nghệ của Cuba, cũng như những các đoàn hợp tác y tế được gửi sang nhiều nơi trên thế giới để đối phó đại dịch COVID-19, “hòn đảo tự do” có thể củng cố hình ảnh cường quốc y tế và công nghệ sinh học của mình. Đặc điểm này ngoài những lợi thế chính trị, có thể được tận dụng như lợi thế cạnh tranh cho việc phát triển hơn nữa ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Tóm lại, Cuba cần phải tận dụng ưu thế hiếm hoi của nền kinh tế tập trung để tái định hướng ngay lập tức các nguồn lực sẵn có còn lại cho nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực và phát triển hơn nữa ngành khoa học-kinh tế đang có sẵn lợi thế, nói cách khác là phải thay đổi mạnh để tạo ra một thế cờ hoàn toàn mới trong thời gian sớm nhất có thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục