Cuba tìm hướng đi cho một quá trình chuyển đổi kinh tế sâu sắc

Chính phủ Cuba vừa thông báo về gói 30 biện pháp kinh tế, với hy vọng đó sẽ là tiền đề cho một quá trình chuyển đổi sâu sắc hơn mô hình kinh tế, mang tới sự thịnh vượng.
Quang cảnh đường phố La Habana, Cuba. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Tuần báo Progreso Semanal, Chính phủ Cuba ngày 27/6 thông báo về gói 30 biện pháp kinh tế nhằm đối phó với tình thế kinh tế-xã hội nhạy cảm của đất nước.

Trong số này có nhiều biện pháp khuyến khích xuất khẩu bao gồm cả từ các thành phần ngoài quốc doanh, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực trong doanh nghiệp nhà nước, linh hoạt hóa các kế hoạch kinh tế, tạo ra những lựa chọn mới để đưa nguôn kiều hối vào sản xuất, kiểm soát ngân sách và chi tiêu chặt chẽ hơn, ngăn bớt dòng ngoại tệ chạy ra ngoài từ hoạt động mua sắm cá nhân đối với các sản phẩm thiếu hụt ở thị trường trong nước.

Một số ít biện pháp được công bố với mô tả chi tiết, còn đa số các trường hợp thông báo của chính phủ chỉ đề cập tới lĩnh vực sẽ được xem xét áp dụng các đề xuất điều chỉnh.

[Cuba điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2018]

Theo nhận định của tuần báo Progreso Semanal, tính tích cực của gói biện pháp này là không phải bàn cãi. Đầu tiên, việc tăng lương áp dụng cho bộ phận hưởng ngân sách (khoảng hơn 1,4 triệu người, chiếm khoảng gần 1/3 lực lượng lao động, trong khi bộ phận lao động trong doanh nghiệp nhà nước với thu nhập một phần phụ thuộc vào sản phẩm cũng chiếm khoảng 1/3 và lực lượng lao động “tự do” chiếm 1/3 còn lại) được song hành cùng các biện pháp mang tính cơ cấu mà theo tuyên bố hướng tới việc tăng nguồn cung và cải thiện quá trình hội nhập nội bộ trong nền kinh tế.

Tương tự, một số các biện pháp điều chỉnh hướng tới hai lĩnh vực đang tụt hậu nhất trong tiến trình cải cách của Cuba: xuất khẩu - hoạt động then chốt trong một nền kinh tế nhỏ, và khối doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, đã có những tuyên bố khuyến khích mối quan hệ giữa thành phần kinh tế công, tư và hợp tác xã (tập thể), và tất cả những điều này tạo nên một bước đi theo hướng đúng đắn.

Qua những giải thích của giới quan chức kinh tế trên truyền hình quốc gia vào đầu tháng Bảy về gói biện pháp này, nổi lên ý tưởng rằng nền kinh tế Cuba sẽ dịch chuyển dần sang hướng dựa trên các cơ chế kinh tế-tài chính, thay thế cho các mệnh lệnh hành chính hiện tại.

Những điểm mới được vạch ra còn có thể kể tới vai trò lớn hơn của hệ thống tài chính, vị trí trung tâm của hoạt động xuất khẩu, và các nhà lãnh đạo Cuba cũng gợi mở rằng sẽ có những thay đổi còn lớn hơn trong công tác hoạch định và dẫn dắt nền kinh tế. Tuy nhiên, khó có thể đánh giá tầm vóc của những đề xuất được thông báo, khi chúng không được mô tả một cách chi tiết đầy đủ.

Trong hầu hết các trường hợp, có thể nói ý định là tốt đẹp nhưng giai đoạn triển khai mới là yếu tố quyết định. Tuy vậy, trong một số trường hợp vẫn có thể đưa ra phân tích sơ bộ.

Việc tăng lương đối với bộ phận lao động nhà nước hưởng ngân sách, trong con mắt của người dân nói chung, là biện pháp có ảnh hưởng nhất. Đây là những khoản tăng đáng kể đối với phần lớn những người hưởng chính sách này, hơn nữa đây mới chỉ là xuất phát điểm.

Một tàu du lịch của Mỹ rời La Habana, Cuba, sau khi chính quyền Mỹ áp đặt những biện pháp hạn chế du lịch đối với Cuba. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo các số liệu được công bố, quyết định tăng lương này tương đương với khoản ngân sách phụ trội 7,05 tỷ pesos (khoảng 293 triệu USD, nhưng đây chỉ là con số tính theo tỷ giá quy đổi trong sinh hoạt, vì Cuba quy định tới 5 tỷ giá chính thức, dao động 24 lần) mỗi tháng, tương đương mức tăng hơn 400 pesos (gần 20 USD)/tháng đối với mỗi lao động (đây là con số khá lớn nếu so với mức lương trung bình chỉ khoảng 30 USD/tháng của khối hưởng ngân sách), mặc dù chênh lệch về lương sẽ bị nới rộng.

Để dễ hình dung hơn, khoản ngân sách để tăng lương nói trên tương đương 10,7% tổng số chi tiêu được hoạch định trong năm 2019 theo Luật Ngân sách, và 18,2% của tổng số chi phí hoạch định cho khối hưởng ngân sách. Biện pháp này khó có thể chê trách về mặt chính trị và xã hội.

Tuy nhiên, thành công của nó lại phụ thuộc vào giải pháp sản xuất mà trước mắt khó có thể thực thi. Hoàn toàn độc lập với những ý định và mong ước của những người ra quyế định, bảo đảm duy nhất rằng việc tăng lương sẽ thực sự cải thiện điều kiện sống của những người được hưởng lợi phụ thuộc vào việc tăng cường nguồn cung hàng hóa và dịch vụ với mức độ tương đương như mức tăng nhu cầu do quyết định tăng lương tạo ra.

Những thay đổi này không chỉ phải tương thích với nhau về quy mô, mà còn phải tương thích cả về cấu trúc, nói cách khác là cần phải tăng nguồn cung của những sản phẩm mà người dân muốn mua với số tiền được bổ sung nói trên.

Và đây chính là thách thức lớn nhất. Những tiền lệ cho tới nay đều cho thấy rõ rằng, nguồn cung tại Cuba luôn bế tắc và thường thích ứng chậm với những thay đổi về nhu cầu, xuất phát từ nhiều hạn chế, từ hoạt động của doanh nghiệp cho tới thiếu hụt nguồn vật lực. Đặc điểm của các dây chuyền sản xuất trong nước của Cuba đòi hỏi phải nhập khẩu một phần vật tư nguyên liệu, và đặc điểm này chưa thể thay đổi trong trung hạn.

Nguồn cung cũng có thể tăng qua việc nhập khẩu trực tiếp các hàng hóa tiêu thụ đã thành phẩm, nhưng tình hình cán cân thanh toán hiện tại của Cuba không cho thấy việc gia tăng theo chiều hướng này là khả thi. Rõ ràng là trong bất kỳ trường hợp nào, cơ chế vận động nguồn cung đều phụ thuộc rất nhiều vào sự sẵn có của các sản phẩm nhập khẩu, cho dù là nguyên liệu hay thành phẩm, và điều này đòi hỏi phải có ngoại tệ. Cho dù ở thời điểm này không diễn ra một sự sụp đổ trong thương mại nội địa của Cuba như những năm 1990 thì tình hình dự trữ ngoại hối cũng không cho phép một sự gia tăng nhập khẩu đáng kể nào.

Trong khi đó, những lời kêu gọi duy trì giá cả ở mức hiện tại đi ngược lại dự định triển khai các cơ chế kinh tế. Thị trường, trong một bộ khung điều tiết nhất định, vận động cùng lúc cho cả cung lẫn cầu. Nếu nguồn cung không tăng, việc tăng giá là cơ chế điều chỉnh không thể tránh khỏi khi nhu cầu tăng. Việc phủ nhận nó sẽ làm phát sinh theo dây chuyền một loạt những hiện trạng tiêu cực khác như thiếu thốn hàng hóa, kéo dài những hàng người trước các cửa hàng hay gia tăng nạn “chợ đen.”

Nếu phải chọn giữa hai con đường này, thì thị trường rõ ràng là một lựa chọn tốt hơn về mọi mặt, vì nó mang lại sự minh bạch; ta có thể biết được ngay giá cả tăng lên bao nhiên và tất cả các thể chế và cấp ra lãnh đạo đều tiếp cận được thông tin đó, đồng thời việc tăng giá khiến cho các nguôn tiền phụ trội được chuyển cho các nhà sản xuất và cho phép họ đầu tư nâng cao sản lượng, và qua đó điều tiết lại giá cả.

Thật không may là mắt xích cuối cùng này lại thường xuyên bị khuyết trong bối cảnh Cuba, và điều này không chỉ do những hạn chế về nguồn lực, mà còn do cả những cấm chế hành chính. Việc mở rộng sản xuất đòi hỏi phải gia tăng mua sắm vật tư và phương tiện sản xuất, nhưng theo quy định các nhà sản xuất lại không có quyền này.

Bên cạnh đó vẫn còn cách hiểu sai lầm khá phổ biến trong giới lãnh đạo Cuba rằng việc gia tăng lợi nhuận nhất thời của các nhà sản xuất là yếu tố tiêu cực, vì bị hiểu là không chính đáng, thế nhưng ta không thể mong các cơ chế kinh tế thị trường chỉ giúp chúng gia tăng sản xuất mà lại không vận động theo bản chất của chúng ở các khía cạnh khác. Và đó là còn chưa kể tới cuộc tranh luận phức tạp về tích lũy của cải và tư bản. Nếu muốn thực sự giải thoát cho một tiến trình tăng trưởng mạnh mẽ, Cuba sẽ buộc phải thừa nhận sự chênh lệch thu nhập ở cấp độ nhất định là không thể tránh khỏi.

Những vấn đề mà nền kinh tế Cuba đang đối diện, trên thực tế đã được biết tới khá rõ, nhưng thường bị phân tích lẫn lộn trong những nghiên cứu về các mô hình kế hoạch hóa tập trung. Việc phân bổ các nguồn lực từ cấp trung ương làm suy yếu một cách trầm trọng những quan hệ theo chiều ngang giữa các thành phần và các thể chế của nền kinh tế: bộ phận xuất khẩu và các nhà cung cấp, thành phần kinh tế nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, và những cặp quan hệ khác mà người ta có thể kể ra.

Tình trạng này còn song hành với sự thay thế hầu như toàn bộ các cơ chế kinh tế - tài chình bằng những cơ chế hành chính “tương đương.” Vai trò thụ động của giá cả và các dụng cụ tham chiếu tài chính khác đã “quét sạch” khỏi hệ thống kinh tế các dấu hiệu đo lường và dự báo vốn cần thiết với các tác nhân liên quan, kể cả chính phủ, để có thể đưa ra các quyết định đúng lúc và linh hoạt, điều kiện tiên quyết để cải thiện hiệu quả.

Những đặc điểm này và những méo mó khác mà chúng tạo ra theo hiệu ứng dây chuyền, thậm chí tác động qua lại và củng cố lẫn nhau, làm phát sinh các hiện tượng mà bề ngoài là “không thể hiểu nổi” như “tư duy nhập khẩu,” sự “chung sống” của tình trạng thiếu hụt và sự bỏ hoang đất nông nghiệp và các cơ sở sản xuất, hay việc xóa bỏ tưởng thưởng cho việc làm việc chăm chỉ và sáng tạo.

Những điểm yếu của mô hình, vốn gây ra tình trạng tụt hậu, thiếu thốn và bóp nghẹt cơ hội phát triển, về cơ bản không phải là kết quả của các hành động đơn lẻ của những công dân thờ ơ, những “cán bộ thiếu năng lực” hay các doanh nhân thiếu sáng tạo. Đúng hơn là những hành xử của họ là kết quả của một môi trường kinh tế-xã hội đã rập khuôn họ từ vài thập kỷ qua. Quả là các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã hạn chế đáng kể không gian phát triển của nền kinh tế Cuba, nhưng mô hình kinh tế hiện tại của đảo quốc Caribe này đã từng thất bại cả ở những nước không bị áp đặt các biện pháp trừng phạt này và có nguồn lực còn lớn hơn Cuba, đặc biệt là các nước Đông Âu thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây, và cả Trung Quốc lẫn Việt Nam trước khi đi theo con đường cải cách.

Vì lợi ích thực sự của những thành phần xã hội khiêm tốn nhất trong nhân dân Cuba, mong rằng gói 30 biện pháp vừa được công bố sẽ thành công. Quan trọng hơn, hy vọng rằng đó sẽ là tiền đề cho một quá trình chuyển đổi sâu sắc hơn mô hình kinh tế, mang lại những không gian rộng rãi hơn để vươn tới sự thịnh vượng, chứ không chỉ thêm một lần “điều chỉnh” mang tính chiến thuật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục