Cuba vừa tiến hành thanh toán đợt 3 khoản nợ 2,6 tỷ USD với 14 nước phương Tây trong Câu lạc bộ Paris, đồng thời ký kết 10 thỏa thuận đầu tư như một phần của gói tái cơ cấu nợ đầu tiên từ năm 1959.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, năm 2015, Cuba đạt được thỏa thuận khung với Câu lạc bộ Paris, trong đó các nước chủ nợ đồng ý xóa 8,5 tỷ USD trong tổng nợ 11,1 tỷ USD, gồm nợ gốc, lãi suất và tiền phạt thanh toán chậm từ năm 1986.
Thỏa thuận này cũng ấn định việc trả nợ được chia thành từng gói, thanh toán hằng năm tới năm 2033, theo hướng tăng dần.
Trong năm ngoái, La Habana đã thanh toán được khoảng 60 triệu USD và năm nay là gần 70 triệu USD. Từng nước chủ nợ thành viên được phép bán hoặc đổi một tỷ lệ lớn nợ của mình theo thỏa thuận khung này.
[Nông nghiệp Cuba chịu thiệt hại nặng nề do lệnh cấm vận của Mỹ]
Từ năm 2015, Australia, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Anh, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ đã tiến hành thương lượng song phương với Cuba.
Các thỏa thuận đang được đàm phán này thường quy định việc Cuba phải lập quỹ vốn đối ứng - tổng giá trị có thể đạt tới 750 triệu USD - cho các dự án đầu tư của các nước chủ nợ vào đảo quốc Caribe này, như một hình thức để trừ dần khoản nợ tổng 2,6 tỷ USD.
Theo các nguồn tin ngoại giao châu Âu được Reuters trích dẫn, tới nay mới chỉ có Tây Ban Nha và Pháp, hai trong số các chủ nợ chính, là những nước đã kết thúc thành công đàm phán song phương với Cuba về việc chuyển nợ thành đầu tư.
Cụ thể, Tây Ban Nha và Cuba đã ký 9 thỏa thuận đầu tư để thành lập các công ty liên doanh sản xuất bìa carton, vật liệu bằng nhôm, dịch vụ đường sắt, giàn giáo xây dựng và những sản phẩm khác, trong đó phần đóng góp của Cuba - gồm cả tiền và các tài sản khác quy đổi - là 24 triệu USD.
Trong khi đó, Pháp và Cuba ký kết một dự án phát triển ngành chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ sữa tại tỉnh miền Trung Camagüey, có tổng vốn đầu tư là 46 triệu USD, trong đó phần đối ứng trừ nợ của Cuba là 6 triệu USD./.