Ngày 7/11, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã hoan nghênh sự ủng hộ gần như tuyệt đối của cộng đồng quốc tế đối với việc chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế-thương mại kéo dài hơn nửa thế kỷ qua mà Mỹ áp đặt chống Cuba.
Trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Cuba nêu rõ: "Những tiếng nói của thế giới đoàn kết chống lại sự phong tỏa Cuba."
Trước đó, ngày 6/11, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã lên án lệnh cấm vận kéo dài gần 60 năm của Mỹ đối với Cuba và ra nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận này thông qua bỏ phiếu với sự đồng thuận áp đảo 187/3. Brazil và Israel là hai nước cùng với Mỹ bỏ phiếu chống lại nghị quyết này. Hai đồng minh khác của Mỹ là Ukraine và Colombia bỏ phiếu trắng.
Trong hai ngày thảo luận, các thành viên Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã lên án lệnh cấm vận Cuba của Mỹ là “vô nhân đạo” và “lỗi thời."
[Mỹ áp đặt trừng phạt với Cuba, chủ tịch Diaz-Canel lên tiếng chỉ trích]
Trong lần bỏ phiếu ra nghị quyết thường niên về vấn đề này hồi năm 2016, Mỹ đã lần đầu tiên bỏ phiếu trắng trong bối cảnh hai nước đạt được thỏa thuận dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, mối quan hệ hai nước đã trở nên lạnh nhạt từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba, ông Bruno Rodriguez, tố cáo chính quyền Mỹ hiện tại đã leo thang gây hấn với Cuba và cho biết lệnh cấm vận của Mỹ đã khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại khoảng 138 tỷ USD.
Đây là lần thứ 28 Đại Hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết kêu gọi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Tuy nhiên các nghị quyết này không có tính ràng buộc.
Đây cũng là lần đầu tiên Brazil, hiện do lãnh đạo phe bảo thủ Jair Bolsonaro đứng đầu, bỏ phiếu chống nghị quyết cùng với Mỹ./.