Cuba gồng mình trong cuộc khủng hoảng năng lượng

Trong thông điệp tới toàn dân, Chủ tịch Cuba Díaz-Canel thừa nhận vấn đề đã tới mức “mà chúng ta cần áp dụng những biện pháp ngoại lệ để tránh việc đất nước bị tê liệt.”
Một cây xăng ở thủ đô La Habana, Cuba. (Nguồn: AFP)

Theo Tuần báo Brecha, báo mạng La Joven Cuba, từ ngày 11/9, Cuba chính thức đối diện với “tình thế năng lượng” mới.

Đây là khái niệm do chính Chủ tịch Miguel Díaz-Canel đưa ra trong chương trình truyền hình đặc biệt đầu tiên về vấn đề tài này, bao gồm 2 buổi phát trong 2 ngày liên tiếp qua các kênh truyền hình và phát thanh quốc gia.

Đồng hành cùng các bộ trưởng, thành viên Bộ Chính trị và Hội đồng Nhà nước và ghi hình trực tiếp từ Cung Cách mạng tại La Habana, ông Díaz-Canel gửi thông điệp trực tiếp tới người dân về những “hành động truy đuổi của Chính phủ Mỹ chống lại Cuba đã gia tăng mạnh trong những tuần qua, đặc biệt nhắm tới việc ngăn chặn đất nước ta nhập khẩu nhiên liệu cần thiết từ bên ngoài.”

Chiến lược của Washington trong trường hợp này khá đơn giản: gây áp lực tới các công ty vận tải hàng hải và các hãng bảo hiểm thuộc nước thứ 3 để buộc họ từ chối cung cấp dịch vụ cho Cuba và Venezuela.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Cuba Jorge Legañoa, người được cho là thân cận với Văn phòng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, cho biết thêm rằng: “Dưới sức ép đó, dễ hiểu là đa phần các hãng vận tải cuối cùng đều rút lui, và một số ít hãng còn lại tăng gấp 2 thậm chí gấp 3 cước phí, chỉ còn các hãng của Nga và Trung Quốc là vẫn hoạt động bình thường.”

Trong thông điệp tới toàn dân, Chủ tịch Díaz-Canel thừa nhận vấn đề đã tới mức “mà chúng ta cần áp dụng những biện pháp ngoại lệ để tránh việc đất nước bị tê liệt.” Ông cũng cho biết thêm sau một vài tháng với nhiều biến động về các đợt cập cảng của các tầu chở dầu (chủ yếu từ Venezuela), thì tới cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2019, đã không có chiếc tàu vận tải dầu nào vào Cuba, và trước tháng 10 hoạt động này chưa thể trở lại bình thường.

Thậm chí không có những sức ép từ Nhà Trắng, thì trao đổi giữa La Habana và Caracas đã đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Một báo cáo công bố hồi cuối năm 2018 của nhà kinh tế và giáo sư Đại học Pittsburgh Carmelo Messa-Lago cho biết, hoạt động nhập khẩu dầu thô từ “đất nước Bolivar” đã giảm từ mức xấp xỉ 105.000 thùng “ở thời kỳ đỉnh cao quan hệ song phương” vào năm 2013, xuống mức khoảng 55.000 thùng vào cuối năm 2017.

Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu của Cuba đã tăng 13% trong giai đoạn 2010-2016, nhưng sản lượng khí đốt đã giảm 16% sau khi đạt đỉnh vào năm 2015. Những diễn biến này dẫn tới một “chương trình tiết kiệm và cắt giảm nguồn cung năng lượng cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

Cho tới giữa mùa Hè, giới chức Cuba đã tránh được tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đồng thời tiến hành các đợt cắt điện trên diện rộng. Chính vì thế, khi vào giữa tháng 7 vừa qua, khi biện pháp cắt điện luân phiên được áp dụng trở lại tại một số nơi, tình trạng này đã gây ra một sự pha trộn đầy bùng nổ giữa cảm giác bực bội và thất vọng trong dân chúng.

Theo một logic nào đó, tới nay vẫn chưa thể giải thích nổi, khi đó Chính phủ đổ lỗi tình trạng cắt giảm dịch vụ thiết yếu này cho “một số sự cố tại các nhà máy điện, trùng khớp với thời điểm bảo dưỡng định kỳ.”

Đó là một lời bào chữa mà không mấy người tin, đặc biệt khi sau đó chính giới chức Cuba lại đưa ra một phiên bản khác, khẳng định rằng tình hình sẽ được xoa dịu với một tàu chở dầu siêu trọng tải từ Venezuela cập cảng tại Cienfuegos, phía Nam Cuba.

Cho tới tháng 8/2019, vấn đề đã lan sang hoạt động phân phối khí hóa lỏng, với biện pháp điều tiết, hạn chế tại toàn bộ các tỉnh thành. Một lần nữa, các quan chức lại lẩn tránh nhắc tới từ “xăng dầu.”

Thiếu vắng một tuyên bố chính thức, người tiêu dùng chỉ có thể “nắm bắt” thông tin qua các con đường khác rằng dường như các khó khăn này xuất phát từ việc thiếu bình chứa, chứ không phải từ nguồn dầu khí nguyên liệu.

Lựa chọn khó khăn giữa giao thông và điện năng

Sau khi Chủ tịch Díaz-Canel công bố “tình thế năng lượng” mới trên truyền hình, đã có một nỗi âu lo phổ biến và không phải vô cớ trong người dân rằng cuộc sống vốn đã tứ bề khốn khó của họ sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Trong khi chờ đợi “nguồn cung bình ổn trở lại,” được dự báo là vào đầu tháng 10/2019, Chính phủ đã ra lệnh áp dụng một loạt biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tiêu thụ nhiên liệu. Một trong số những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất dĩ nhiên là giao thông vận tải.

Chỉ mới đầu tháng 9, trung bình mỗi ngày bến xe khách trung tâm của thủ đô La Habana có 150 xe liên tỉnh xuất phát đi mọi điểm nút quan trọng trên cả nước, hiện giờ con số này chỉ còn 16 và chỉ đi tới các thành phố thủ phủ của mỗi tỉnh cùng 1-2 trường hợp ngoại lệ.

Người dân xếp hàng mua xăng dầu ở La Habana. (Nguồn: AFP)

Nhưng những chuyến xe liên huyện thậm chí còn bị cắt giảm thê thảm hơn, khi bị xóa bỏ “tạm thời” tại hầu hết các địa phương. Một lãnh đạo cấp Tỉnh ủy còn tuyên bố rõ trên đài phát thanh: “chúng tôi đang duy trì hoạt động vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện cùng một số dịch vụ ưu tiên như tang lễ, nhưng các tuyến đường giữa các cộng đồng dân cư bị đình hoãn cho tới thông báo lần tới.”

Tại thủ đô La Habana, tình hình đỡ bi quan hơn, những cũng không có cơ sở cho bất cứ sự lạc quan nào: từ 7.000 chuyến mà công ty xe khách nội đô thực hiện mỗi ngày tụt xuống còn 4.000. Trong khi đó, phần lớn các xe ôtô cho thuê hay thuộc về các hợp tác xã vận tại phải “nằm bãi” hoặc chỉ làm việc với nửa công suất thường lệ do thiếu dầu diesel.

Chính sự phụ thuộc vào sản phẩm phái sinh từ dầu thô này khiến cho việc vượt qua tình thế khan hiếm hiện nay trở nên khó khăn hơn, như nhà kinh tế học và cố vấn của UNESCO Pedro Monreal đã cảnh báo: “Mức tăng trưởng gần như theo chiều thẳng đứng của khối lượng diesel nhập khẩu trong giai đoạn 2012-2017, mới mức trung bình 14%/năm, đã biến sản phẩm này trở thành ‘vua’ của kim ngạch nhập khẩu nhiên liệu.”

Phần lớn lượng diesel gia tăng này có đích đến là các nhà máy nhiệt điện, mà theo Monreal, khối lượng diesel mà các nhà máy này sử dụng đã có mức tăng vọt tới 92% chỉ trong vòng 1 năm (2016-2017).

[Mỹ trừng phạt các thực thể vận chuyển dầu của Venezuela tới Cuba]

Nguyên nhân của mức tăng đột biến này không phải do nhu cầu điện năng của Cuba tăng vọt, mà do tình trạng xuống cấp của các nhà máy nhiệt điện tại đảo quốc Caribe này. Trong số 9 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, có tới 8 nhà máy được khánh thành từ giai đoạn 1960-1980 và đáp ứng 60% nhu cầu quốc gia.

Một khoản tín dụng của Nga trị giá 1,2 tỷ euro đã được để đầu tư xây dựng 4 đơn vị máy mới cho một trong số các nhà máy đặt tại miền Tây, nơi có thủ đô La Habana. Các đơn vị máy mới này sẽ có công suất khoảng 800 MW (hơn 1/5 nhu cầu điện trong giờ cao điểm), nhưng sẽ không đi vào hoạt động trước năm 2021.

Yếu tố bên ngoài: một vị tổng thống đang tranh cử

Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố khởi động chiến dịch tái cử tại bang Florida. Rõ ràng, vị nguyên thủ tài phiệt này lại một lần nữa đặt cược vào 29 phiếu đại cử tri của bang chiến địa này, được cho là mang tính cốt yếu trong nỗ lực giữ chiếc ghế của ông tại Phòng Bầu dục thêm 4 năm nữa. Việc giành được mục tiêu này phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ của giới vận động hành lang chống Castro và chống Maduro hùng mạnh tại Miami, những kẻ luôn theo đuổi chính sách trừng phạt La Habana và Caracas.

Đối diện với cuộc bầu cử đang tới gần, hẳn các cố vấn của vị tỷ phủ người New York này đã có tính toán rõ ràng. Tháng 11/2016, có 52% cử tri Mỹ gốc Cuba tại Florida bỏ phiếu cho ông Trump, bước ghi điểm mang tính quyết định trong cuộc đấu tại hòm phiếu ở địa phương chiến lược này. Nó cũng trở thành vô nghĩa khi kết quả cấp toàn quốc lại hoàn toàn ngược lại.

Bà Hillary Clinto giành được hơn nửa lượng phiếu ủng hộ của cộng đồng gốc Cuba này (“tỷ lệ cao nhất mà một ứng viên tổng thống phe Dân chủ từng giành được,” theo hãng thăm dò Latino Decisions), và hòa tan lợi thế hiếm có đó vào con số 3 triệu phiếu bầu mà nữ Thượng nghị sỹ này giành được nhiều hơn so với ông Trump tính theo phổ thông đầu phiếu cấp toàn quốc - một chỉ số mà hệ thống bầu cử “bác học” của Mỹ không mấy khi tính tới.

Rất biết “nương theo chiều gió,” ngay từ giữa chiến dịch tranh cử đầu tiên của mình, ông Trump đã trở thành tiếng nói chỉ trích gay gắt nhất tiến trình bình thường hóa quan hệ mà Tổng thống khi đó Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raúl Castro thúc đẩy.

Trong vai trò ông chủ Nhà Trắng, đây lại là miền đất màu mỡ để vị nguyên thủ tài phiệt chứng minh được khả năng “nói đi đôi với làm” của mình, vì dẫu sao bóp nghẹt Cuba cũng không gây được tổn hại chính trị gì đáng kể đối với ông.

Chỉ chưa đầy 1 năm sau khi bắt đầu nhiệm kỳ, ông Donald Trump đã mở ra câu chuyện huyễn hoặc về các cuộc “tấn công sóng âm” vào Đại sứ quán Mỹ tại Cuba và sau đó là bài diễn văn hùng hồn tại Miami khẳng định “cam kết với sự nghiệp tự do của Cuba.”

Sau đó, ông đã tiếp tục đường lối đối đầu bằng cách kích hoạt toàn bộ Luật Helms-Burton, gia tăng cấm công dân Mỹ tới Cuba và lập ra một danh sách “các tổ chức Cuba bị cấm” làm ăn với doanh nghiệp hoặc chính phủ nước khác, cùng một loạt các biện pháp thù địch khác với mục tiêu công khai là chấm dứt “chế độ Castro.” Và chắc chắn Cuba sẽ còn phải tiếp tục đương đầu với những biện pháp trừng phạt mới của Washington trong bối cảnh ông Donald Trump muốn đảm bảo sự hậu thuẫn của giới tài phiệt hùng mạng chống Castro tại Miami vào tháng 11/2020.

Cuộc hội ngộ của những người bạn cũ

Sau hơn một năm tại nhiệm, Chủ tịch Díaz-Canel đã khéo léo tận dụng được sự ủng hộ chính trị đáng giá. Việc thông qua Hiến pháp mới mà ông cùng Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raúl Castro thúc đẩy đã cho thấy rõ vốn liếng chính trị đó, càng được tăng thêm trước sự thiếu vắng của một phe đối lập thật sự đáng kể, cả trong và ngoài nước.

Nhưng chính các khó khăn kinh tế mới là hòn đá cản đường đầy nguy hiểm, đe dọa sự tiếp nối của sự nghiệp cách mạng tại Cuba, nhất là khi những năm tháng kinh hoàng của Thời kỳ đặc biệt vẫn còn thường xuyên ám ảnh đa phần người dân của “hòn đảo tự do.”

Những nỗ lực của chính quyền mới nhậm chức từ tháng 4/2018 chủ yếu tập trung vào việc chỉnh sửa những hao mòn, hỏng hóc của bộ máy kinh tế trong nước và khôi phục những liên minh mà quá trình xích lại gần Washington trước đó dường như đã đẩy chúng xuống hàng ưu tiên thứ hai. Trong số này, có lẽ quan trọng nhất là mối liên hệ với Kremlin.

Trên thực tế, thời kỳ mới cho quan hệ Cuba-Nga đã có được nền móng vững chắc từ việc Moskva xóa hơn 30 tỷ USD tiền nợ cho La Habana, theo thỏa thuận tái cơ cấu nợ song phương thừa hưởng từ thời Liên bang Xô viết.

Thỏa thuận “chưa từng có” này, được thông qua ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của Duma quốc gia Nga, được tiếp nối bằng chuyến thăm Cuba cũng trong năm 2014 của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, bước khởi đầu hoành tráng đó phần nào bị chững lại trong 3 năm tiếp theo đó khi Cuba “mải” cải thiện quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, trong khi Nga cũng bận rộn đối phó với những hệ quả từ sự kiện Crimea và những đòn trừng phạt liên tiếp của phương Tây.

Chỉ tới năm 2018, sau khi Cuba sắp xếp xong nhân sự trong nước và không còn chút hy vọng nào về việc duy trì quan hệ với chính quyền Mỹ hiện tại, quan hệ La Habana và Moskva mới tăng tốc trở lại.

Bắt đầu của quá trình đó là chuyến thăm Nga chính thức của tân Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, và tiếp sau đó là một loạt chuyến thăm Nga của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ricardo Cabrisas - người phụ trách các vấn đề kinh tế đối ngoại (3 lần trong 6 tháng đầu năm 2019), chuyến thăm Cuba của Ngoại trưởng Sergey Lavrov vào tháng 7 và mới đây nhất là của Thủ tướng Dmitry Medvedev, đúng vào thời điểm khó khăn nhất của Cuba trong nhiều năm trở lại đây, trong đó người đứng đầu Chính phủ Nga đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ cả về chính trị (lên án Mỹ, ủng hộ Venezuela và khẳng định Cuba là “đồng minh chiến lược quan trọng nhất tại Mỹ Latinh”), lẫn những hành động thiết thực về kinh tế (ký 8 thỏa thuận, trong đó gồm cả những vấn đề nan giải nhất của Cuba hiện tại là năng lượng và giao thông).

Dường như lịch sử đang lặp lại như vào những năm đầu thập kỷ 1960, khi Mỹ siết chặt dần vòng vây kinh tế và chính trị quanh Cuba, La Habana lại càng hướng về Moskva nhiều hơn.

Hiện tượng và bản chất

Trở lại với tình hình kinh tế-xã hội thường nhật của Cuba. Khái niệm “tình thế” mà Chủ tịch Cuba Díaz-Canel đưa ra đã lan rộng ra toàn xã hội. Một mặt, danh từ này được giới chức sử dụng như vũ khí trong diễn văn chính trị và kinh tế chính thống để mô tả về những ngày khó khăn - hay đúng hơn là khủng hoảng - mà họ đang bắt đầu thất; mặt khác trong dân chúng, nó được sử dụng với hàm ý chế giễu và là mục tiêu của hàng loạt câu chuyện tiếu lâm từ các bến xe, khu chợ cho tới các mạng xã hội.

Vấn đề là những yếu tố “tình thế” này với không ít người dân Cuba chỉ là một cách nói tránh của các chính trị gia và nhà cầm quyền, một khái niệm mới cho một sự việc cũ; vì rằng tại Cuba những điều tồi tệ cứ đến rồi “ở lại” mãi - như lời tổng kết của một bà nội trợ khi chờ đợi tại một bến xe bus.

Về mặt học thuật, ý tưởng bao trùm trong giới kinh tế học hiện tại rằng những tình trạng của nền kinh tế Cuba - hay nói ngắn gọn là cuộc khủng hoảng hiện tại - mang tính “cơ chế” hơn là “tình thế,” nhưng một số người khác thậm chí cho rằng vấn đề còn đi sâu vào bản chất hơn, nói cách khác là mang tính “hệ thống.”

Về lý thuyết, khác với khủng hoảng chu kỳ, việc xác định khủng hoảng cơ chế và khủng hoảng hệ thống thường đề cập tới bản chất hơn là hiện tượng nhất thời. Nhưng trong khi khủng hoảng cơ chế thường liên quan tới sự thiếu hiệu quả của cơ chế trong thời điểm hiện tại mà không chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi cơ sở của hệ thống, thì khủng hoảng hệ thống lại liên quan tới những mức độ cốt lõi nhất của hệ thống và để giải quyết thường phải thay đổi cả khuôn mẫu tích lũy của cải.

Những phân tích theo logic “cơ chế” thường dừng ở một tập hợp những vấn đề không đồng đại và đang bị méo mó - trong trường hợp phân tích khủng hoảng, trong khi một sự giải thích sâu sắc hơn thường tìm kiếm nguyên nhân của sự việc từ trong hệ thống, cố lý giải vì sao nó không đủ khả năng để tự điều tiết hài hòa các chi tiết để vận động một cách trôi chẩy cả một tổng thể.

Việc biết và hiểu được những điểm yếu, sai sót theo cách tiếp cận kiểu “cơ chế” thường không đảm bảo việc tránh được những sai sót đó khi vận dụng cách tiếp cận này trong thực hành. Trong khi đó, góc nhìn kiểu “hệ thống” cho phép người phân tích tiếp cận gần hơn với nguyên lý vận động của các cơ chế nội tại của hệ thống, để xác định được liệu tình trạng khủng hoảng hiện tại chỉ là hệ quả của một bước đi lỗi do điều hành kém, hay là kết quả không thể tránh khỏi của cả hệ thống.

Khó khăn kinh tế Cuba, không chỉ là “tình thế”

Trong giai đoạn 1960-1990, nền kinh tế Cuba như thể một chiếc bong bóng được thổi phồng qua những trao đổi thương mại bất cân xứng, che đậy đi những thiếu hiệu quả và năng suất, cùng thói quen lãng phí trong suốt 30 năm. Sau khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nguồn dưỡng khí cho quả bong bóng đó biết mất, và cú sốc lớn này đã phơi bày những điểm yếu của nền kinh tế nội bộ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: americaeconomia.com)

Bất chấp những ảo giác thống kê (nguồn thu mới từ du lịch, tăng lương và tăng trưởng GDP) và sự cải thiện không thể phủ nhận đời sống kinh tế của cả nước kể từ năm 1997 so với những thời khắc đen tối nhất của Thời kỳ đặc biệt (1991-1994), nền kinh Cuba trên thực tế chưa bao giờ đạt được trạng thái khỏe mạnh. Một cú nhẩy vọt, một thay đổi có hiệu năng lớn - như nâng cao hẳn giá trị sức mua của đồng lương và chuyển hóa thành mức tiêu thụ lớn thúc đẩy kinh tế, và ngay cả những tốc độ tăng trưởng nhanh trong một số lĩnh vực then chốt nào đó để làm tiền đề, đều không đạt được.

Sau hai thời kỳ 30 năm liên tiếp với trạng thái đặc trưng kinh tế khác nhau, Cuba vẫn giữ nguyên mô hình với đặc trưng là các quyết định kinh tế đều do Đảng trực tiếp đưa ra và mức độ nhà nước hóa quá cao làm quan liêu hóa theo hướng phi năng suất và tạo ra những quy định gần như không bao giờ phù hợp cho việc vận hành hiệu quả nền kinh tế. Giờ đây cần phải tự hỏi liệu cuộc khủng hoảng hiện tại và những khiếm khuyết về cơ chế liên miên có phải là “tình thế” hay là một thuộc tính thường trực và tất yếu của bộ máy hay trật tự kinh tế Cuba?

Xây dựng một mô phỏng toàn diện, vừa tổng thể vừa chi tiết, về hiện tại là điều hầu như không thể nếu không có đủ kỹ năng lý luận học thuật, tích lũy thực hành và ý chí chuyên nghiệp sắt đá. Nhưng đánh giá một xã hội, trong đó những nền tảng kinh tế không mang lại kết quả với sự khác biệt đáng kể trong các giai đoạn khác nhau của cả một tiến trình đồng nhất về hướng đi trong suố 60 năm, cũng là bằng chứng đủ thuyết phục để đặt nghi vấn về chính những nền tảng đó và cả hệ thống dựa vào chúng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục