Cuba-EU thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và hợp tác

EU và Cuba duy trì các dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế.
Các lãnh đạo châu Âu và Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel. (Nguồn: AP)

Ngày 17/7, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel và người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định sẵn sàng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và hợp tác giữa đảo quốc Caribe và Liên minh châu Âu (EU).

Tại cuộc họp, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa EU và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), diễn ra ở Brussels (Bỉ), cả hai bên đối thoại đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác EU-Cuba (PDCA), cũng như tiến trình đạt được trong việc áp dụng thỏa thuận này.

Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Cuba Díaz-Canel đã tham gia cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo vùng Caribe và EU, trong đó ông ủng hộ tầm nhìn hợp tác và hỗ trợ hơn đối với miền Nam, đặc biệt là đối với khu vực Caribe, nơi có nhiều tiềm năng để mở rộng và đa dạng hóa các dự án chung trong các lĩnh vực ưu tiên cao.

[Cuba và Liên minh châu Âu đối thoại về phát triển bền vững]

La Habana kêu gọi cùng nỗ lực xóa bỏ khoảng cách bất bình đẳng to lớn giữa các quốc gia vùng Caribe và EU, đồng thời nhận định đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không phải là không thể.

EU là đối tác thương mại hàng đầu của Cuba (chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất nhập khẩu) và là khu vực có lượng khách du lịch lớn thứ hai đến nước này, chỉ sau Canada.

Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với EU vào ngày 29/9/1988 và có quan hệ ngoại giao đầy đủ với tất cả 27 quốc gia thành viên của khối này.

Hai bên cam kết tôn trọng lẫn nhau bất chấp các lệnh bao vây cấm vận. EU và Cuba duy trì các dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại đảo quốc Caribe này.

Hai bên cũng quan tâm đến hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ truyền thông, văn hóa và công nghệ sinh học.

EU cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ Latinh và Caribe, với gần 300 tỷ euro (339 tỷ USD) kim ngạch thương mại song phương giữa hai khu vực trong năm 2022.

EU đang triển khai khoản đầu tư kéo dài tới năm 2027 vào khu vực này, với trị giá dự kiến lên tới khoảng 10 tỷ euro.

Ðây là khoản đầu tư quốc tế nằm trong khuôn khổ chương trình Cổng Toàn cầu (Global Gateway), một sáng kiến của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm cung cấp khoảng 300 tỷ euro cho các dự án phát triển bền vững, chủ yếu là chuyển đổi xanh và kỹ thuật số ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục