Chính phủ Cuba hy vọng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2023, đồng thời điều chỉnh mức ước tính cho năm 2022 xuống 2% thay vì 4% như mục tiêu trước đó.
Trình bày Kế hoạch Kinh tế năm 2023 tại kỳ họp Quốc hội lần thứ mười, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Cuba Alejandro Gil cho biết 2022 là một năm khó khăn và vất vả. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cuba chỉ tăng 1,3% vào năm 2021, trong khi mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ xuất khẩu trong năm nay nhiều khả năng không thành hiện thực. Tương tự, các mục tiêu về doanh thu bằng nội tệ và ngoại tệ đều sẽ “thấp hơn kế hoạch.”
Du lịch, ngành đóng góp lớn thứ hai cho GDP của Cuba và cũng là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai của đảo quốc này dự kiến khó đạt mục tiêu ban đầu là đón 2,5 triệu lượt du khách, và còn xa mới vươn tới con số 4 triệu lượt khách ghi nhận năm 2019.
Tuy nhiên, doanh thu từ xuất khẩu các mặt hàng như xì gà, rượu rum và mật ong “thực tế đã phục hồi”. Mức giá tốt của niken và các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác của Cuba trên thị trường quốc tế cũng đã góp phần mang lại cho nước này tăng trưởng doanh thu 816 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ Cuba dự kiến sẽ tăng thu nhập ngoại tệ lên ước tính 1,037 tỷ USD vào năm 2023 nhờ tăng doanh thu từ hàng hóa xuất khẩu thêm 318 triệu USD và đón 3,5 triệu khách du lịch.
[Cuba thúc đẩy đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ]
Bộ trưởng Kinh tế Cuba thừa nhận “sự gia tăng chưa từng thấy về giá các mặt hàng nhập khẩu chính” của đất nước, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu. Lạm phát vẫn “chưa thể dừng lại” sau khi chạm mốc 40% trong tháng 10/2022 so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ tính riêng trong thời gian từ tháng 1-10/2022, chỉ số giá tiêu dùng của Cuba tăng 28,76%, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của nền kinh tế. Ước tính mức lạm phát của Cuba trong năm nay sẽ là 31%, giảm so với 77% ghi nhận năm 2021.
Về nhập khẩu, dự báo giá lương thực tăng trong năm 2023 sẽ buộc Nhà nước phải chi khoảng 1,65 tỷ USD, tăng 22% so với năm nay. Cuba nhập khẩu 80% hàng hóa cho tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hệ thống năng lượng quốc gia Cuba đã trải qua giai đoạn rất khó khăn trong năm nay do giá nhiên liệu tăng. Để giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, nhiều hoạt động kinh tế, từ công nghiệp đến nông nghiệp, đã buộc phải tạm ngừng luân phiên, về lâu dài gây ra tình trạng khan hiếm và lạm phát do sản xuất và cung ứng ít hơn.
Bộ trưởng Alejandro Gil cũng thừa nhận các biện pháp được triển khai nhằm ổn định kinh tế “vẫn” chưa đạt hiệu quả như mong muốn, mặc dù bước đầu đã cho thấy kết quả.
Theo giá cố định, GDP của Cuba có thể đạt 2,248 tỷ USD trong năm 2023, so với 2,183 tỷ USD năm 2022. Bộ trưởng Kinh tế Cuba nhận định xu hướng tăng GDP của nước này trong các năm 2021 và 2022 sẽ tiếp tục được duy trì, mặc dù vẫn chưa thể đạt được mức 2,373 tỷ USD của năm 2019.
Ông Alejandro Gil đánh giá cao một số “điều kiện” có lợi cho phục hồi kinh tế, chẳng hạn như việc kiểm soát đại dịch COVID-19, sự phục hồi của ngành du lịch và kết quả của các chuyến công du quốc tế mà Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã thực hiện gần đây tới Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Quốc, với trọng tâm là tái cơ cấu nợ công và đảm bảo nguồn cung năng lượng cho đất nước./.