Cuba công bố các lĩnh vực chiến lược về kinh tế, thực hiện cải cách

Các lĩnh vực như khai thác dầu, than và khoáng sản, in ấn báo chí và sách, sản xuất vũ khí, sản xuất và phân phối khí đốt, điện và kinh doanh xe cộ cũng vẫn nằm dưới sự điều hành của Nhà nước Cuba.
Người dân di chuyển trên đường phố tại La Habana, Cuba. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/2, Bộ Lao động và An sinh xã hội Cuba (MTSS) công bố danh sách các hoạt động không cho phép lĩnh vực kinh tế tự doanh tham gia, trong đó bao gồm các ngành chiến lược của đảo quốc Caribe này như y tế, viễn thông, năng lượng, quốc phòng, báo chí và giáo dục. 

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, danh sách gồm 124 hoạt động cấm lĩnh vực kinh tế “tự doanh,” những ngành nghề đòi hỏi các chuyên gia có trình độ cao như bác sỹ, nha sỹ, kiến trúc sư, luật sư, kỹ sư hay các nhà nghiên cứu khoa học và phát triển sẽ tiếp tục nằm trong số các hoạt động dành riêng cho khu vực nhà nước.

Ngoài ra, các lĩnh vực như khai thác dầu, than và khoáng sản, in ấn báo chí và sách, sản xuất vũ khí, sản xuất và phân phối khí đốt, điện và kinh doanh xe cộ cũng vẫn nằm dưới sự điều hành của Nhà nước.

Tương tự, Nhà nước Cuba cũng vẫn bảo lưu độc quyền hoạt động sản xuất nghe nhìn và điện ảnh, các chương trình truyền hình, chương trình văn hóa nói chung và hoạt động bất động sản.

[Cuba đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam]

Trước đó, hôm 7/2, Cuba tuyên bố sẽ cho phép các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong hầu hết các hoạt động của nền kinh tế, từ 127 lên hơn 2.000 ngành.

Đây được coi là nỗ lực nhằm tạo ra một cuộc cải cách quy mô lớn cho nền kinh tế đang phải chịu mức sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội tới 11% trong năm vừa qua do tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19  và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bước đi này được cho là nhằm vào các mục tiêu như đem lại việc làm cho hàng nghìn người Cuba không có việc làm và tái thúc đẩy kinh tế và nền sản xuất quốc gia.

Cho tới nay, khối kinh tế tự doanh chỉ chiếm 13% lực lượng lao động ở Cuba, tương đương khoảng 600.000 người, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực vận tải, ẩm thực và cho thuê phòng du lịch. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã khiến 40% doanh nghiệp tư nhân đã tạm ngưng giấy phép kinh doanh trong năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục