Ngày 7/2, hãng Reuters trích nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Chính phủ Cuba đã cấp thị thực cho nhà ngoại giao cấp cao Mỹ Phillip Goldberg, người được Washington bổ nhiệm làm Đại biện lâm thời tại La Habana vào tháng 12/2017.
Đây được coi là dấu hiệu cho thấy hai nước vẫn muốn duy trì kênh liên lạc mở bất chấp những bước thụt lùi quan hệ trong thời gian vừa qua, mới đây nhất là những công kích của cả Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Thông điệp liên bang lẫn của Ngoại trưởng Rex Tillerson nhắm vào Chính phủ Cuba.
Ông Goldberg là nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ từng giữ các chức vụ Đại sứ tại Philippines, Trưởng phái đoàn tại Kosovo và Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Tình báo và Điều tra.
[Hãng hàng không Mỹ mở văn phòng đầu tiên tại Cuba]
Năm 2008, khi đang giữ chức Đại sứ Mỹ, ông đã bị Tổng thống Bolivia Evo Morales trục xuất với cáo buộc kích động bạo loạn tại quốc gia Nam Mỹ này.
Việc bổ nhiệm ông Goldberg được cho là tạm thời với mục đích làm sáng tỏ các vụ việc mà Washington gọi là “tấn công sóng âm” (hiện lại đưa ra giả thuyết khác là tấn công virus), làm tổn thương thính lực và thần kinh của 24 nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba và lấy làm cớ để tiến hành các bước đi đơn phương làm căng thẳng quan hệ giữa hai nước sau đó.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này cũng được coi là lời thách thức của Washington tới La Habana vì ông Goldberg từng nhiều lần bị các kênh thông tin cánh tả tại Mỹ Latinh, trong đó có Cuba, nhận định là một “chuyên gia lật đổ” với “thành tích” nổi bật tại Kosovo và Bolivia./.