Với lợi thế là cửa ngõ đường bộ quốc tế lớn nhất phía Nam, có đường biên giới dài gần 240km giáp Campuchia, Tây Ninh không chỉ là đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong Tiểu vùng sông Mekong mà còn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Với lợi thế này, Tây Ninh tập trung phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối vùng, góp phần lan tỏa, phát triển trục hành lang đô thị, công nghiệp của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khơi thông hành lang công nghiệp
Theo các chuyên gia, Tây Ninh nằm trên đoạn cuối của hành lang Xuyên Á, kết nối đến các cửa ngõ quốc tế của toàn vùng như: Sân bay Quốc tế Long Thành, Cảng Cái Mép-Thị Vải, Thành phố Hồ Chí Minh… là nền tảng thu hút các tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, châu Âu đến Tây Ninh đầu tư.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cho biết hoạt động của các khu công nghiệp tại tỉnh thời gian qua đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn thu.
So với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về tốc độ phát triển công nghiệp, Tây Ninh đang có lợi thế so sánh rất lớn về tiềm năng để thu hút đầu tư dài hạn.
Hiện Tây Ninh có 6 khu công nghiệp đang hoạt động, đã được lấp đầy gần 80% diện tích. Quỹ đất công nghiệp có thể triển khai ngay là trên 800ha, có khả năng tiếp nhận các dự án có quy mô diện tích lớn, với hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi, chi phí đầu tư hợp lý so với các địa phương trong khu vực.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn đến năm 2025 như: công nghiệp-xây dựng tỷ trọng 51-52%, dịch vụ 32-33%; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn từ 36% trở lên so với GRDP; chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng bình quân 15,5% trở lên.
Để đạt được mục tiêu này, Tây Ninh đang triển khai Đề án phát triển khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 (được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh phê duyệt ngày 24/5/2024).
Theo ông Dương Văn Thắng, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp là nhân tố quan trọng góp phần làm gia tăng sản xuất công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng nguồn thu ngân sách.
Do đó, giai đoạn 2021-2030, mục tiêu của Tây Ninh là định hướng phát triển khu công nghiệp chủ yếu nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh có điều kiện thuận lợi về quỹ đất, kết nối hạ tầng nhất là giao thông, thu hút lao động; đặc biệt thuận lợi về kết nối thị trường, kết nối các cảng hàng không, cảng biển lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng nhìn nhận công tác quy hoạch, đầu tư và hoạt động của các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập, thiếu tính ổn định. Một trong những nguyên nhân được xác định là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối. Do vậy, giai đoạn này, Tây Ninh tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư trọng điểm có tính liên kết vùng nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, mở ra không gian phát triển kinh tế-xã hội như: cao tốc Gò Dầu-Xa Mát (giai đoạn 1 đến thành phố Tây Ninh); quy hoạch hệ thống hạ tầng, đô thị kết nối với tỉnh Bình Dương; Trung tâm Logistics, cảng tổng hợp và cảng thủy nội địa Tây Ninh; lập đề án quy hoạch và đầu tư xây dựng Cảng hàng không Tây Ninh...
Riêng về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1) được Thủ tướng phê duyệt có tổng chiều dài tuyến gần 51km, lợi thế lớn nhất của Tây Ninh là có cửa khẩu đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, được Trung ương xác định cực tăng trưởng trọng điểm trên hành lang phát triển phía Tây Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh, mục tiêu chính của dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài sau khi hoàn thành giúp giảm tải cho Quốc lộ 22 của Tây Ninh; đồng thời tạo động lực phát triển chuỗi công nghiệp-đô thị Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Cảng Cái Mép-Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh nói riêng, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Khai thác tiềm năng vùng
Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh không chỉ là cửa ngõ của Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại với Campuchia, mà còn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế hướng ngoại, trở thành trung tâm thương mại quốc tế, thực hiện chương trình hợp tác Tiểu vùng sông MeKong trong chiến lược phát triển kinh tế ở phía Nam Việt Nam. Đặc biệt, Mộc Bài chính là cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh-trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam với Thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Theo Giáo sư Heng Chye Kiang, Đại học Quốc gia Singapore, Tây Ninh sẽ là cực tăng trưởng mới của vùng. Ông Heng Chye Kiang cho rằng hành lang công nghiệp Xuyên Á tạo cơ hội cho Tây Ninh phát triển lan tỏa mạnh mẽ dựa trên hệ sinh thái đã và đang hình thành tại tỉnh Bình Dương, tạo tiền đề để củng cố và phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài. Trong khi đó, hành lang thương mại, dịch vụ và du lịch tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Tây Ninh với Trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phục vụ khách quốc tế và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài là 1 trong 8 Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm đã được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025. Việc cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài đang triển khai trở thành động lực mới, mở ra cơ hội lớn cho Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài vươn mình.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh Phạm Vũ Anh Thi, để triển khai quy hoạch chung Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã tổ chức quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch được 105ha từ nguồn ngân sách nhà nước và đầu tư cơ sở hạ tầng, làm tiền đề để thu hút các dự án đầu tư thương mại, dịch vụ phục vụ cho khu vực cửa khẩu.
Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài hiện đã thu hút được 59 dự án đầu tư; trong đó có 25 dự án vốn nước ngoài và 34 dự án có vốn đầu tư trong nước; tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 457,78 triệu USD và 8.502 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10.460 lao động.
Hiện nay, Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài được quy hoạch lại theo hướng công nghiệp-đô thị-thương mại-dịch vụ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, cũng như tầm quan trọng của cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Mộc Bài sẽ ưu tiên các dự án Trung tâm logistics Cửa khẩu Mộc Bài (vốn ngoài nhà nước) và Dự án Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài từ nguồn vốn ngoài nhà nước, FDI.
Đến nay, Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu và thương mại trong tỉnh.
Về giải pháp, theo ông Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, thời gian tới, Tây Ninh tập trung rà soát, đánh giá khách quan, khoa học, toàn diện các yếu tố cấu thành lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh để thống nhất định hướng các chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, nhất là trong thu hút đầu tư.
Đặc biệt, những tháng cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá của tỉnh sẽ lưu ý các dự án như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, nhất là gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng; nghiên cứu, thống nhất lộ trình thực hiện việc xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài; tập trung thúc đẩy hình thành các cơ sở pháp lý, lộ trình thực hiện hành lang kinh tế Tây Ninh-Bình Dương./.
Cửa ngõ Tây Nam vươn mình: Tây Ninh thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch
Tây Ninh xác định mục tiêu chọn du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.