Sáng 30/3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Qua theo dõi phiên thảo luận, cử tri và nhân dân thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Ninh Bình, Phú Yên đồng thuận, đánh giá cao các cơ quan tố tụng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp, xây dựng niềm tin đối với cán cân công lý.
Cử tri Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình đánh giá công tác xét xử nói chung, việc xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được dư luận quan tâm nói riêng đều được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật; chất lượng bản án nâng cao, xét xử đúng người, đúng tội, có tính răn đe rất cao.
Công tác cải cách tư pháp những năm gần đây cũng được thực hiện rất tốt từ Trung ương đến địa phương, thể hiện ở việc các cơ quan: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra làm việc một cách độc lập, bày tỏ rõ quan điểm của từng cơ quan nhưng có tiếng nói chung, thống nhất.
Để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, xây dựng thể chế và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, cử tri Nguyễn Thị Luyến cho rằng ngoài việc nâng cao chất lượng cán bộ, các cơ quan tham gia tố tụng còn phải nâng cao chất lượng đội ngũ Hội thẩm nhân dân bằng cách hỗ trợ đầy đủ, kịp thời các văn bản, tài liệu khi tham gia tố tụng; trao đổi giữa các bên về nội dung các vụ án; thường xuyên được tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn...
[Nhiều giải pháp đột phá để ngành tòa án nâng cao chất lượng xét xử]
Việc xét xử các vụ án lớn, các vụ án được dư luận quan tâm cần bố trí người hội thẩm nhân dân hợp lý, có kinh nghiệm, có đạo đức, uy tín, dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý.
Về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cử tri Vũ Hoài Nam, Trưởng phòng 2 - Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình cho rằng Nghị quyết 96/QH đặt ra nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với ngành Kiểm sát nhân dân là "không để xảy ra trường hợp làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm."
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới các cơ quan tư pháp và công tác kiểm sát của ngành kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ kể trên như tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, liên quốc gia với các phương thức tinh vi nhằm đối phó với lực lượng bảo vệ pháp luật...
Để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành kiểm sát, đặc biệt trong việc chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, theo cử tri Vũ Hoài Nam, ngành kiểm sát cần chủ động nắm thông tin tội phạm, không chỉ từ nguồn Cơ quan điều tra thụ lý mà còn qua các nguồn khác như: thông tin truyền thông, dư luận xã hội...
Viện Kiểm sát các cấp cần thực hiện quyền công tố trong giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm, coi đây là biện pháp quan trọng chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm.
Việc tham gia ngay từ đầu của Viện Kiểm sát tạo nên tính chủ động cùng Cơ quan điều tra phân loại tin báo, định hướng thu thập chứng cứ, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp ngăn chặn chính xác.
Người cán bộ kiểm sát phải giữ bản lĩnh của ngành, cương quyết thực hiện các quyền của Viện Kiểm sát; phải giữ vững bản lĩnh chính trị, không vì sức ép của dư luận mà phê chuẩn các quyết định không có căn cứ pháp luật dẫn tới oan sai.
Đặc biệt, Viện Kiểm sát phải có tính chủ động trong mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để thống nhất về mặt nhận thức trong áp dụng pháp luật, tạo sự đồng thuận trong giải quyết các vụ án trên cơ sở tôn trọng chức năng, nhiệm vụ mỗi ngành; tăng cường công tác đào tạo, tự đào tạo nâng cao trình độ lý luận và nghiệp vụ cho cán bộ kiểm sát viên theo hướng "giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm."
Tại Đà Nẵng, qua theo dõi phiên thảo luận sáng 30/3, phần lớn cử tri đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đánh giá cao công tác tư pháp trong nhiệm kỳ qua.
Theo bà Phan Thị Kim Nhung (Tổ trưởng Tổ dân phố 29, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng), điểm nhấn của công tác tư pháp trong nhiệm kỳ qua là xét xử các đại án tham nhũng.
“Các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử kịp thời; công tác chuẩn bị phiên tòa rất chu đáo, an ninh trật tự được bảo đảm; thông tin tuyên truyền được chú trọng. Điều này giúp người dân cả nước thêm tin tưởng vào hệ thống tư pháp nói riêng và đường lối, chính sách của Đảng nói chung,” bà Kim Nhung chia sẻ.
Cử tri Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) đồng tình với ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa rằng điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cần tiếp tục đổi mới tư duy, thói quen và nhận thức để phù hợp với cải cách tư pháp.
Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt cho rằng, cải cách tư pháp được giám sát bởi Quốc hội nên chất lượng phần tranh tụng trong các phiên Tòa để cùng nhau làm sáng tỏ sự khách quan được thể hiện ngày càng rõ nét hơn trước đây. Pháp luật đã minh thị rõ ràng nhưng “nhận thức cũ” chưa thay đổi đồng đều dẫn đến việc còn tồn tại một số bản án chưa thuyết phục và điều này cần phải khắc phục. Án lệ ra đời cũng là một cách nhằm khắc phục các điểm hạn chế đó.
Ngoài ra, việc áp dụng đúng đắn pháp luật cũng như áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội cần triệt để hơn nữa và chỉ tuân theo pháp luật. Khi phát hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất sự thật khách quan thì có thể áp dụng phục hồi điều tra, truy tố và xét xử lại, để đảm bảo công lý luôn được bảo vệ một cách đúng đắn.
Cử tri Lê Văn Nghiên, Phường 7, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) nhấn mạnh, công tác tư pháp là một trong những lĩnh vực hoạt động nổi bật trong nhiệm kỳ này, có tác động rất lớn, sâu sắc, hiệu quả đối với đời sống xã hội.
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các vụ án ngày gia tăng; theo báo cáo có khoảng 2,4 triệu vụ án được ngành Kiểm sát và Tòa án thụ lý, tiến hành truy tố, công tác xét xử đạt 97% là tỷ lệ rất cao.
Cử tri Lê Văn Nghiên cho rằng, trước những diễn biến ngày càng phức tạp về tình hình an ninh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ của đội ngũ cán bộ công chức của bộ máy công quyền nói chung, người làm công tác tư pháp nói riêng, cụ thể là cán bộ ngành Kiểm sát, Tòa án phải được nâng lên rất cao mới có thể thực hiện tốt vai trò “cán cân công lý” của xã hội.
Cử tri Lê Văn Hữu - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên đánh giá nhiệm kỳ 2016-2021, các cơ quan tố tụng Tòa án, Viện Kiểm sát đã nêu cao vai trò thực thi công lý, điều tra, tố tụng, thi hành án, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Ngành Tư pháp có vai trò hết sức quan trọng bởi đất nước thực hiện quy chế dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Muốn thực hiện dân chủ mọi người dân phải tuân thủ, thượng tôn pháp luật.
Vì vậy, ngành Tư pháp cần tiếp tục đổi mới, thể hiện gương mẫu, khách quan, xét xử công tâm, kịp thời giáo dục mọi người dân tuân thủ theo luật pháp, không để sót lọt tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm, các vụ án nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, không kết án oan sai người vô tội, tạo được sự bình đẳng, công bằng trong thực thi pháp luật./.