Theo dõi Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Bùi Phụ Cho, ở phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) cho rằng, trong lúc cả nước chung sức đồng lòng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” những vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu ra đều gắn liền với tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Dịch bệnh tuy đã được kiểm soát song vẫn còn diễn biến phức tạp, do vậy bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân thông qua chiến lược phủ kín vaccine toàn dân trong thời gian ngắn sắp tới, là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân.
Trong 2 năm qua, dịch bệnh đã làm cho đời sống và sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, chính quyền các cấp từng Trung ương đến địa phương đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ nhiều giải pháp quyết liệt và kịp thời để ngăn chặn, đẩy lùi và khống chế dịch bệnh hiệu quả, được người dân tin tưởng cao. Khi người dân tin tưởng, mọi chủ trương, quy định trong công tác phòng ngừa dịch bệnh được người dân nghiêm túc thực hiện.
Quảng Nam là địa phương có sự giao lưu rộng rãi với các tỉnh, thành phố phía Nam. Sau đợt dịch lần thứ 4, số người lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, về quê khá nhiều, điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Thực tế cho thấy người dân từ các tỉnh phía Nam khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng khi về quê vẫn mắc bệnh và lây bệnh cho người khác. Ông Bùi Phụ Cho kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn, để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, giảm số ca mắc COVID-19, ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, nhằm tạo điều kiện khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
[Cử tri Bình Dương quan tâm về chiến lược phục hồi sau dịch COVID-19]
Nói về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, ông Võ Văn Thương, Giám đốc Công ty Á Châu, có trụ sở tại phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, cho rằng mục tiêu này có thể đạt được nhưng phải quyết tâm thật lớn trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt và cả nước đang thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Theo ông Thương, để phục hồi và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhận được sự hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc; các thủ tục cần được giảm bớt để nguồn kinh phí 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ, sớm đến tay người lao động.
Ông Võ Văn Thương cũng cho rằng nhiều đại biểu Quốc hội khi phát biểu đã nhấn mạnh, để kiềm chế lạm phát, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 cần sớm ban hành Chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch; sớm quyết định các gói hỗ trợ tài chính, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; không để đứt gãy chuỗi cung ứng tạo đà vươn lên vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đây chính là những đề xuất thấu tình đạt lý, phù hợp với điều kiện hiện tại khi mà doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong 2 năm qua.
Theo dõi kỳ họp lần này của Quốc hội, kỹ sư Nguyễn Văn Công, tổ dân cư số 5, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ cho hay, các đại biểu đã tập trung thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, đều là những vấn đề quốc kế dân sinh, mang tầm chiến lược.
Đặc biệt, các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai trong giai đoạn 2021-2025 gồm phát triển kinh tế-xã hội bền vững, phát huy lợi thế các vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc là những chương trình thiết thực, chắc chắn sẽ giải quyết được những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, việc phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn cầm chừng, nhiều lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập, cuộc sống khó khăn. Do vậy, ngay bây giờ, các nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cần nhanh chóng đến tay doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, người lao động vượt qua khó khăn để trở lại làm việc, kỹ sư Nguyễn Văn Công kiến nghị./.